Những kiểu ăn Tết độc đáo của người dân Nha Trang thời triều Nguyễn

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
06/02/2022 12:00 GMT+7

Tết đồng nghĩa với những chi tiêu, tốn kém và ba ngày Tết ai cũng cần tiền. Trong tác phẩm Mes trois ans d’Annam ( Ba năm ở An Nam ), tác giả Gabrielle M. Vassal dành riêng chương 8 viết về Tết của người Việt ở Nha Trang.

Kể tiếp những câu chuyện Tết và ngày đầu năm mới ở kinh thành Huế và vùng phụ cận, Michel Đức Chaigneau, con trai của Jean-Baptiste Chaigneau - công thần thời Gia Long, sống ở Huế thời Gia Long và những năm đầu thời Minh Mạng mô tả trong sách Souvenirs de Hué (Hồi ức Huế) xuất bản ở Paris năm 1867 nhiều thông tin thú vị.

Nghi lễ đón Tết trong cung dưới triều Nguyễn

T.L Nhà nghiên cứu Võ Tòng Xuân

Michel Đức Chaigneau nhận xét rằng “Người Đàng Trong rất thích đánh bạc ăn tiền, họ say sưa sát phạt nhau trong suốt dịp lễ Tết”, ở đây Michel Đức Chaigneau mô tả hoạt động của người Huế đầu năm nhưng có thể nói hoạt động cờ bạc có ở nhiều nơi chứ không riêng gì ở Huế.

Mùng 1, do bận phải đi chúc Tết nên người dân ít có thời gian bài bạc, những ngày tiếp theo, mùng 2 và mùng 3 Tết, thì họ chơi bù thoải mái. Các sòng bạc mọc lên ở khắp mọi nơi, người dân tụm ba tụm bảy “trong nhà, ngoài ngõ, ngay cả ven đường…” để sát phạt nhau, có thể kéo dài thâu đêm suốt sáng, ai lỡ đen đủi thua hết tiền thì chạy vạy mượn để tiếp tục cầu may. Ngoài các loại bài bạc ra, Michel Đức Chaigneau còn cho biết lính tráng chơi trò phóng lao trong dịp này, “ai phóng được lao vào tâm thì ăn hết số tiền cọc”.

Người Nha Trang thích chơi canh bài “Ba Quan"

Trong tác phẩm Mes trois ans d’Annam (Ba năm ở An Nam, xuất bản năm 1912), bà Gabrielle M. Vassal đã dành riêng chương 8 để viết về cái Tết của người Việt ở Nha Trang khi bà ở đây giai đoạn 1904-1907.

Tết đồng nghĩa với chi tiêu, tốn kém, những ngày này ai cũng cần tiền. Vassal cho biết, “người thì đi đòi nợ, người thì kiếm thứ gì đó mang đi bán lấy tiền”.

Số tiền dành dụm/ còn lại được dùng để mua quần áo mới, khăn xếp và phần lớn sẽ đổ hết vào các sòng bạc, “thậm chí người ta bán bộ đồ mới để tiếp tục chơi bạc”, “vì vậy, thợ thủ công khéo tay và thông minh nghèo vẫn cứ nghèo”.

Vassal nhận xét rằng, ngày Tết thì người An Nam đứng đắn nhất cũng ham chơi bạc, “một trong những tật xấu của người An Nam là ham bài bạc. […] Bài bạc thì không ai có thể ngăn cản được họ”. Theo Vassal, trò đỏ đen phổ biến ở Nha Trang lúc bấy giờ mà ai cũng thích chơi là canh bài “Ba Quan”, tức trò xóc đĩa hay mở bát.

Một buổi biểu diễn tuồng đầu năm ở Nha Trang

Gabrielle M. Vassal

Ngoài bài bạc, ở Nha Trang lúc bấy giờ có rất nhiều trò chơi đầu năm rất thú vị, chủ yếu được tổ chức trên mặt nước, ví dụ: đua ghe bầu và buồm căng gió trên mặt biển, thi cầm sào chọc vào nhau xem ai ngồi vững trong chiếc thúng đan tre trên mặt nước lâu nhất, đua thuyền với mười tay chèo, thi bơi lội, đấu vật, đua ngựa, chạy bộ, đua xe kéo, đua xe cút kít…

"Trẻ em thì tham gia cuộc thi nhe răng méo miệng xem mặt ai tạo hình xấu hơn, cuộc thi này hấp dẫn bao nhiêu thì tiết mục múa của đàn bà tẻ nhạt bấy nhiêu", bà Vassal nhận xét.

Bán lá dong gói bánh chưng, thập niên 1920

ManhHaiFlickr

Bắn pháo bông và múa lân sư rồng được coi là hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết ở Nha Trang, người Nha Trang cũng rất thích coi tuồng hát bội đầu năm, “thường một vở tuồng kéo dài 3 ngày 3 đêm”, rạp hát thì không có khi nào vắng người xem. Các vở diễn diễn ra đến tận khuya, “đến rạng sáng làng xóm mới yên bình trở lại, sóng biển tiếp tục thì thầm”. Và tác giả Vassal đã kết thúc những dòng hồi ức đẹp đầy chất thơ và lãng mạn của mình về Tết Việt "mắt thấy tai nghe" chân thực như thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.