Tết trong ký ức văn thi sĩ: Học giả Nguyễn Hiến Lê nhớ hoa nhắc Tết

02/02/2022 10:00 GMT+7

Cả cuộc đời say sưa bên trang viết để hiến cho đời biết bao tác phẩm nghiên cứu, sáng tác và dịch thuật, nhưng trong góc ký ức của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) vẫn dành một phần, dù là ít ỏi, cho kỷ niệm về Tết.

Đọc Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, được biết sinh quán của Lộc Đình (tên tự) ở ngõ Phất Lộc, Hà Nội, nhưng tổ quán thì thuộc làng Phương Khê, huyện Ba Vì. Sinh trưởng và lớn lên, theo học tại đất ngàn năm văn vật và sau này dành phần lớn quãng đời tại Sài Gòn, nhưng khi nhớ về cái Tết đất Bắc, cũng là nhớ về người cha kính yêu của mình, là Nguyễn Hiến Lê nhớ đến hình ảnh của hoa Tết.

Cuộc thi hoa thủy tiên dịp Tết dạo xưa

T.L

Cũng như nhiều văn thi sĩ như Vũ Ngọc Phan (hồi ký Những năm tháng ấy), Nguyễn Công Hoan (hồi ức Nhớ gì ghi nấy), Vũ Bằng (Thương nhớ mười hai)… nói về thú chơi thủy tiên dịp Tết, Nguyễn Hiến Lê cũng không ngoại lệ, bởi thú chơi này gần gũi, khi nó gắn với đấng sinh thành cũng như nhiều người đất Hà Nội.

Thú vui lớn nhất của cụ thân sinh Nguyễn Hiến Lê, có lẽ là chơi hoa. Cứ đến gần dịp Tết nào “người cũng ham mê gọt thủy tiên và săn sóc (ngắt lá) hai gốc đào trồng trong khu sân nhỏ sau lưng nhà thờ”. Lộc Đình vẫn nhớ như in, hai gốc đào ấy, một gốc nhỏ cao chỉ độ một thước được trồng ngay dưới mái hiên trong một cái thống. Đây là loại đào thất thốn có hoa, lại là hoa kép nhưng không có quả. Khi Tết đến, hoa nở nhiều, đỏ thắm kín cành. Một gốc đào khác thì lớn hơn, được trồng trong một cái bệ sát tường nhà thờ. Đây là loại đào ăn quả có hoa đơn, màu phơn phớt hồng và hoa ít nở xen với những lộc non xanh mới nhú. Đào chưng ngày Tết, là cái hồn không thể thiếu của cái Tết đất Bắc xưa nay.

Đào thất thốn đỏ thắm những hoa

T.L

Đấy là đào nơi đất Kẻ Chợ, còn ở miền rừng núi buốt lạnh mỗi dịp xuân, cái cảnh tựa như đào nguyên của Đào Tiềm là ở Sapa thuộc Lào Cai mà Nguyễn Hiến Lê được bạn kể cho hay rằng nơi ấy, những ngọn đồi toàn đào nối tiếp nhau, nên mỗi dịp xuân về, trông từ xa cả cây số nhìn như những mâm hồng, “cánh đào hồng nhạt rụng xuống mặt cỏ xanh, bay lả tả trên dòng suối, đẹp như cảnh tiên”. Cũng vì ấn tượng về loài hoa gắn liền với Tết Việt nơi đất Bắc mà về sau, học giả họ Nguyễn đã viết Hoa đào năm trước cho… vơi nỗi nhớ.

Riêng về món thủy tiên, thì phải kỳ công tỉa tót, chăm sóc lắm. Năm nào Tết gần kề, để sắm thủy tiên, người cha của Lộc Đình cũng ra phố Hàng Buồm, mua một giỏ thủy tiên nhỏ của Hoa kiều đem về, tỉ mẩn gọt tỉa để “ba mươi tết lựa lấy hai giò đơn đẹp nhất và nở kịp tết để bày trong hai cái cốc thủy tinh có chân như cốc Champagne, miệng lớn bằng bàn tay xòe ra, một cốc màu hồng, một cốc không màu. Giò thủy tinh đặt trong những cốc đó thật vừa khít, mà nhìn qua thành thủy tinh thấy rõ những rễ trắng muốt của hoa. Ai tới chơi cũng trầm trồ khen và bảo không thấy nhà nào khác có thứ cốc đó”. Ký ức về thủy tiên ngày Tết, cứ rõ mồn một trong những dòng hồi ký của tác giả các thiên du ký Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đế Thiên đế Thích…

Vẫn trong dòng ký ức về hoa thủy tiên dịp Tết, Nguyễn Hiến Lê cho rằng, hoa thủy tiên quý cả hai thứ: sắc và hương, và xứng với mỹ danh được người đời gọi là “tiên trong nước”. Chẳng thế mà cụ Phan Bội Châu đã vịnh hoa thủy tiên trong một bài hát nói, trong đó có những câu ngợi ca:

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh

Tiên trên non mà hiếm đã đành

Chân thị thuỷ trung tiên càng hiếm hiếm

Muôn tía nghìn hồng thây tục phẩm

Năm hồ bốn biển nhớ tiền sinh.

Nét điểm trang con tạo khéo đa tình

Nhụy kìa vàng, hoa kìa bạc, lá kìa xanh

Trên mặt nước long lanh trời với bóng…

Hồi tưởng lại những loài hoa đất Bắc dịp Tết khi đang sống nơi đất Sài Gòn đầy nắng vàng miền Nam mỗi dịp Tết sang, dẫu nhớ da diết những hoa đào, những thủy tiên, nhưng Nguyễn Hiến Lê cũng bày tỏ quan điểm của bản thân về đất nào hoa ấy. Bởi ông thấy dạo thời gian gần đây (cuối những năm 1970, đầu những năm 1980), khi Tết gần đến, đường Nguyễn Huệ có bày bán một ít những cành đào được chở bằng máy bay vào, nhưng ông không thích điều ấy. “Loài hoa nào cũng phải hợp với thủy thổ của nó thì mới đẹp. Hoa đào mà đày vô miền nắng cháy này thì lam lũ, đáng thương như thiếu nữ đài các, mơn mởn mà phải tát nước hay nhổ mạ dưới nắng hè. Ở xứ nào chỉ nên chơi hoa xứ đó”, Hồi ký Nguyễn Hiến Lê ghi rõ.

Lại nói về hoa Tết của miền Nam, Nguyễn Hiến Lê cho rằng, mai vàng thực là hợp cảnh, hợp người khi nó có màu sắc rực rỡ, “có vẻ phú quý, lại có ám hương thoang thoảng lúc ban mai, mà gốc mai thịnh khai nổi bật trong vườn lá xanh, coi thật hòa nhã”. Nhận xét ấy, hẳn người chơi hoa Tết, thảy thảy đồng tình chứ ai phản đối cho nổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.