Cha đẻ của những O chuột, Giăng thề… còn nhớ dạo nhỏ được gọi là thằng Cu, rồi khi bập bẹ biết nói, được gọi là Bòi Cẩu. Vốn dân Kẻ Bưởi, nên khi được mẹ đem ra phố Hàng Mã gửi nhà chú Tưởng, là người bạn làm cùng sở bán bánh tây với bố ngày xưa để theo học khi mới biết đọc biết viết, thì Tô Hoài được gọi thêm một cái tên khác: Thằng cu Bưởi, trong khi tên khai sinh Nguyễn Sen, thì cứ như chỉ để ghi vào lý lịch thôi vậy.
Tập ký ức Cỏ dại xuất bản năm 1944 của Tô Hoài |
T.L |
Nói là theo học, nhưng rồi ở đấy, cu Bưởi chẳng học thêm được chữ nào ngoài phụ việc vặt cho người lớn và đọc thêm nhiều cuốn sách hay như tiểu thuyết Vô gia đình của Hector Malot do Nguyễn Đỗ Mục dịch để thỉnh thoảng lại mơ tưởng phiêu lưu cùng nhân vật chính trong truyện. Ở trọ gần một năm nơi Kẻ Chợ, rồi cái Tết cũng cận kề. Tết của đoàn viên, sum họp.
Đến giữa tháng Chạp, thì bà ra đón Sen về nhà. Sắm Tết cho con, cu Sen được mẹ mình, dẫu mới đẻ em bé, nhưng vẫn kịp mua cho đôi bít tất màu nâu cùng một chiếc khăn nhiễu tây. Nhưng tâm trí chú bé con, lại để ý vào thứ khác, ấy là những tép pháo, “nhưng buồn hơn cả, là bà tôi không mua pháo. Khi tôi còn bé tí ti, vào những ngày Tết trong sân nhà tôi xác pháo màu hoa đào ngập lên tận thềm đá. Năm nay, ông tôi bảo đốt pháo chỉ tổ rác sân, không được bộ gì. Bà tôi yên ủi tôi rằng không mua pháo tết, sợ đốt pháo em bé hãi, em bé khóc. Tôi đành vậy, ngẩn ngơ một mình”, nhà văn đã hồi tưởng lại ký ức trong tác phẩm Cỏ dại, khi ở tuổi 24.
Vẫn cái Tết năm ấy, Tô Hoài nhớ sáng ngày mùng một, trời u ám, sương bay như khói. Riêng chú bé Sen thì sau khi ăn cỗ cùng gia đình, ra đứng ngoài hiên nhà và “chốc chốc, chạy nhòm ra ngõ”, bước chân chỉ muốn ra khỏi cổng trong khi ngoài đường chưa có người vì mọi người chọn giờ tốt để xuất hành. Trong mấy ngày Tết, Sen ngày nào cũng đi chơi chùa quanh vùng. Cũng như chúng bạn, cậu chàng chơi đánh tam cúc, chơi thò lò. Có lúc vì xô đẩy mà ngã xước cả đầu gối.
Xong ba ngày Tết, đến mùng bốn thì “cảnh Tết đã nhàn nhạt”. Khi làm lễ hạ nêu vào mùng bảy, thì Tết đã ở lại phía sau. Những vui vầy ngày Tết thế là cũng qua, để lại bao nuối tiếc cho cậu bé với cảm giác “Hôm nào cũng như dang dở. Vừa xế trưa, đã tối ngay. Loanh quanh, chơi gì cũng tiếc ngày, sợ hết. Càng sợ, càng bíu lấy, cái Tết lại càng thản nhiên đi qua”. Một phần muốn níu giữ những đẹp đẽ, tươi vui của ngày Tết trong cậu bé Sen khi ấy, bởi vì hết Tết, cũng là lúc Sen phải rậm rịch trở lại Kẻ Chợ nơi phố Hàng Mã kia, xa gia đình, xa những gì thân thuộc gắn bó. Có lẽ vì thế, Tết ấu thơ để lại hình ảnh rõ ràng cùng cảm xúc sâu đậm của nhớ thương trong Tô Hoài. Và sau này trong Tự truyện, một mảnh ấn tượng về Tết dạo cắp sách đến trường, vẫn được tác giả của Xóm giếng, Quê người… nhớ về.
Dạo lên 9 tuổi theo học ở trường Nordemann, còn quen gọi là trường Yên Phụ cách nhà 7 - 8 km, bé Sen toàn đi bộ. Sen theo học thầy giáo Tỏi, cái tên mà theo chúng bạn là bởi thầy thích ăn tỏi từ thuở bé nên cha mẹ đặt cho. Để dạy và quản học trò, trong tay thầy Tỏi luôn sẵn chiếc roi da, khi cần trừng trị trò nào mắc lỗi, chiếc roi lại vun vút vung lên. Theo học thầy Tỏi một thời gian, Tô Hoài còn nhớ khi gần đến Tết, thầy dặn cả lớp: “Hôm nay hai mươi ba cúng ông Táo công lên chầu giời. Còn bốn hôm nữa thì nghỉ. Năm nay thầy về quê ăn Tết, đứa nào tết thầy thì đem tiền đến, đừng biếu bánh trái, thịt thà như mọi năm”.
Hiềm nỗi, cu Sen lại không dám xin tiền mẹ, bởi cứ dịp cuối năm, “thường nhà tôi u ám những trận cãi nhau”, Tô Hoài nhớ lại. Thế rồi khi hết Tết, ra giêng, ngày mùng bảy khai trường, học trò Sen được trận đòn no. Trận đòn ấy, không phải Sen hưởng một mình, mà cả lớp chịu trận chung cả. Bởi cái roi da thân thuộc của thầy Tỏi, bị mất trộm. Sau đó, mỗi trò phải đóng một xu để mua roi da cho thầy. Nhớ Tết mà gắn với trận đòn như thế, hẳn ai cũng nhớ lâu, dẫu là Tết ấu thơ đi nữa, vì chẳng phải ngẫu nhiên mà cha ông có câu dạy: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” đó ư!
Bình luận (0)