Tết trong ký ức văn thi sĩ: ‘Tết sẻ chia’ của gia đình Bà Tùng Long

03/02/2022 09:15 GMT+7

Nói tới Bà Tùng Long, nhiều độc giả trung niên hẳn sẽ nhớ tới những tiểu thuyết gắn liền với nữ văn sĩ này như Chúa tiền chúa bạc, Lầu tỉnh mộng, Giang sơn nhà chồng…

Quen thuộc với độc giả qua bút hiệu Bà Tùng Long, nhưng họ tên thật của bà, là Lê Thị Bạch Vân (1915-2006). Về bút danh Bà Tùng Long, nữ văn sĩ có lần giãi bày “Các vị nho học của chúng ta có câu: “Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ”, nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp, cho nên thuở xưa, người nào lấy biệt danh Tùng Hổ thì biết người ấy tên là Phong. Tôi tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long”. Và việc thêm chữ Bà trước Tùng Long, đơn giản là để độc giả phân biệt, không hiểu lầm là đàn ông.

Bà Tùng Long năm 1935 khi 20 tuổi (hình trái) và người chồng Hồng Tiêu

t.l

Từ ngôi trường tiểu học tình thương

Trước khi đến với con đường làm tiểu thuyết gia và ổn định cuộc sống tại đất Sài Gòn hoa lệ cùng người chồng, nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy, Bà Tùng Long cũng đôi phen di chuyển đây đó theo chồng hoặc vì thời cuộc. Trong đó, có lần về ở Thạch Bích Tà Dương ở Quảng Ngãi.

Số là năm 1943, máy bay Đồng minh thả bom Sài Gòn, Hồng Tiêu đang làm việc tại Huế nhắn tin cho Bà Tùng Long đưa con cái về Quảng Ngãi tránh bom. Cuộc sống ở đây tạm ổn. Đến Cách mạng Tháng Tám, Nhật hàng nhưng Quảng Ngãi phải tiêu thổ vì hạm đội Mỹ đang ngoài biển. Cả nhà di tản về chợ Gò Mỹ Thịnh, thuộc xã Nghĩa Thắng, quận Tư Nghĩa khi đó, được biết đến là xã nghèo trong vùng, dân chỉ biết mưu sinh bằng trồng sắn, khoai lang, làm thuê hoặc đốt than, đốn củi. Và tại đây, một cái Tết viên mãn mãi không quên trong kỷ niệm của nữ văn sĩ, được bà ghi lại nơi hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi…

Tại đất Thạch Bích Tà Dương, nhân cơ duyên thấy trẻ con nơi đây nhiều em thất học, Bà Tùng Long từ việc tự nguyện kèm cặp đứa trẻ chăn bò học, rồi tiếng lành đồn xa, nhiều em nhỏ gia cảnh nghèo khó, học hành dở dang cũng theo học. Thậm chí, có những người đã có vợ con, có người là nông dân cũng tìm đến kiếm con chữ. Học sinh ngày một đông, Hồng Tiêu nhờ bạn bè mỗi người một tay, dựng lên ngôi trường vách đất rộng rãi để cô trò dạy học.

Về sau, Bà Tùng Long xin mở trường Tiểu học tư thục Tân Dân. Vợ dạy từ lớp ba trở lên, còn lớp vỡ lòng dạy chữ ban đầu, Hồng Tiêu xung phong đảm nhận. Việc dạy mỗi người một cách. Trong khi Bà Tùng Long nghiêm khắc, học ra học, không đùa giỡn, thì Hồng Tiêu lại khác. Sau khi cùng học trò gò lưng ê a học chữ, viết tập, là thầy trò chạy ra sân đá bóng, đá cầu. Công sức chữ nghĩa rồi cũng có ngày thành tựu, 5 em học sinh đi thi Tiểu học thì đậu cả 5. Về sau có em đậu vào trường Trung học Bình Dân, Rừng Xanh… giúp cho tiếng trường Tân Dân được vang xa.

Hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi… của Bà Tùng Long

đình ba

Dạy học mất thời gian, vất vả kèm cặp là thế, nhưng theo Bà Tùng Long cho hay, học phí không đòi hỏi, học sinh có gì trả nấy. Và thế là em nào nhà có điều kiện thì đóng tiền, em nào nhà khó khăn thì hoặc vài lon gạo, hoặc đường, hoặc đậu, hoặc khoai, bầu bí… thậm chí em nhà nghèo quá không có gì cũng đối xử công bằng như những em khác.

Đến cái Tết giàu nghĩa, đậm tình

Năm Mậu Tý 1948 rồi cũng qua, chuẩn bị bước sang năm Kỷ Sửu 1949, gia đình Hồng Tiêu - Bà Tùng Long chuẩn bị đón Tết. Chị gái Hồng Tiêu gánh gạo, bánh chưng, bánh tét lên cho vợ chồng Bà Tùng Long, còn em gái Bà Tùng Long cũng mang đến vịt cùng thịt heo, thịt bò cho chị gái ăn Tết. Mà nào đã hết.

Thật đẹp cho cái nghĩa thầy trò khi học trò Thạch Bích Tà Dương nhân Tết đến, em thì mang gạo, em biếu tiền, thậm chí có em gia đình nghèo không có quà, đã đi bắt cá biếu thầy cô cả xâu cá bống, cá diếc làm quà Tết. Chẳng những thế, đêm ngày 29, gia đình còn được làng chia thịt. Ngày đầu năm mới Tết Nguyên đán, nhiều học trò đến xông đất nhà thầy cô Hồng Tiêu - Bà Tùng Long, “ngay từ bảy giờ sáng, mỗi em mỗi quả bánh mứt nối nhau đến xông đất nhà tôi. Có em được cha mẹ cùng đi, áo quần mới, mặt mày rạng rỡ, tay bưng quả bánh sơn đỏ. Rồi thì lời chúc mừng, cảm tạ nổ lên thay pháo”, hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi… thuật lại.

Quà của học trò mỗi em một chút, mà bày khắp nơi trong nhà với những bánh thuẫn, bánh nổ, bánh in, bánh ít rồi bánh tét cho đến trà rượu, bánh mứt. “Bao nhiêu tình nghĩa trải ra trước mắt bằng những hiện vật được làm công phu, khéo léo với cả tấm lòng”, Bà Tùng Long xúc động trải lòng.

Và rồi, lộc bất tận hưởng, hoặc nói vui là “Tết sẻ chia”. Hồng Tiêu và con gái lớn hai cha con mỗi người một túi vải, ở trong là bánh mứt đi vào xóm nghèo ở đầu làng “phát tặng bánh cho các gia đình suốt ngày làm thuê làm mướn mà cái Tết chỉ là những bữa cơm đạm bạc”. Tặng hết xóm này lại về nhà lấy đầy hai túi khác lên tặng xóm trên. Sau ba lần đi thì số bánh mứt còn lại đủ cho cả nhà hưởng một cái Tết đủ đầy. Còn bé con gái lớn được đi phát quà cùng cha, vui mừng nói với mẹ: “Thật cảm động, mẹ ạ. Người ta đón tiếp thầy và con như là đón tiếp ông già Noel vậy!”.

Năm 1994, nhớ về cái Tết ấy sau 45 năm, Bà Tùng Long vẫn còn nguyên sự xúc đồng về cái Tết nghĩa tình: “Hôm nay ngồi nhớ lại cái Tết kỳ diệu, ấm áp tình người, đầy tình nghĩa thầy trò của năm 1949 ấy, tôi thật không khỏi bùi ngùi cảm xúc, và chính tình cảm cao quý của đám học trò lúc ấy đã cho tôi một niềm tin về đạo lý con người”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.