Những kỳ vọng trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Văn Khoa
Văn Khoa
12/06/2018 07:39 GMT+7

“Tôi sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra theo kế hoạch, không bị gián đoạn, ra được tuyên bố chung".

Giới chức, người dân và chuyên gia đã có những kỳ vọng khác nhau về cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore vào sáng nay 12.6.
Ngày 11.6, phó Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc Nam Gwan-pyo bày tỏ nhiềukỳ vọng vào cuôc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. “Chúng tôi hy vọng cuộc gặp ngày mai (12.6) sẽ giúp xóa đi dấu vết còn lại cuối cùng của Chiến tranh lạnh và mở ra cánh cửa cho hòa bình và phồn thịnh trên bán đảo Triều Tiên”, ông Nam cho hay trong cuộc họp báo, theo Yonhap.
VIDEO: Người Hàn ở Singapore mong thống nhất
Những doanh nhân Hàn Quốc từng làm ăn ở Triều Tiên thì kỳ vọng cuộc gặp sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, dẫn tới khả năng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng và mang lại nhiều cơ hội đầu tư ở miền Bắc. “Tôi đã rơi nước mắt khi biết tin về cuộc gặp thượng đỉnh vì sự kiện này mang lại hy vọng rằng những vấn đề tôi chờ đợi trong thập niên qua sẽ được giải quyết”, ông Choi Yo-sik, 68 tuổi, từng mở tiệm giặt quần áo ăn nên làm ra ở Triều Tiên, chia sẻ với Yonhap.
Những người khác ở Hàn Quốc thì mong cuộc gặp thượng đỉnh sẽ mang lại cơ hội thống nhất liên Triều. Cô Lee Hye-ji, nội trợ Hàn Quốc 31 tuổi, cho hay cô rất kỳ vọng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Cô Lee nói với AFP rằng cô ít quan tâm hơn đến việc phi hạt nhân hóa, mà mong chờ một tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). “Điều này sẽ đưa chúng ta tới một bước tiến gần tái thống nhất hơn’, cô Lee bày tỏ hy vọng. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn, không phải một hiệp ước hòa bình, nên hai miền Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.
Ông Cho Sung-kwon, 62 tuổi ở Hàn Quốc, thì cho AFP hay ông tin rằng miền Bắc sẽ phi hạt nhân hóa vì không còn lựa chọn nào khác. Một số người lớn tuổi khác lại tỏ ra nghi ngờ về ý định từ bỏ hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim.
VIDEO: Mỹ-Triều cần làm rõ và thống nhất khái niệm "phi hạt nhân hóa" và cách thức tiến hành
Trong khi đó, một số chuyên gia về Triều Tiên không đặt kỳ vọng cao từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. “Tôi sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra theo kế hoạch, không bị gián đoạn, ra được tuyên bố chung. Những kỳ vọng của tôi thật sự chỉ thấp như thế”, nhà nghiên cứu Joshua H. Pollack thuộc Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (Mỹ) trả lời với trang tin Quartz.
Còn chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho hay: “Tôi muốn thấy một tuyên bố chung rút ra từ thỏa thuận đàm phán sáu bên hồi tháng 9.2005. Trong tuyên bố đó, Triều Tiên cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân và trở lại Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này đã rút khỏi vào năm 2003…Mỹ nên tái khẳng định nước này không còn có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và không có ý định tấn công hay xâm lược Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân hoặc phi hạt nhân. Hai bên cũng có thể bày tỏ ý định tạo ra và làm theo lộ trình dẫn tới bình thường hóa quan hệ”.
VIDEO: Cách nhìn thực tế nhất về thượng đỉnh Mỹ-Triều là gì?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.