Những lá phiếu khẳng định chủ quyền

24/05/2021 04:49 GMT+7

Hôm qua, ngày 23.5, cử tri toàn quốc đã cùng nhau thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình, bỏ phiếu bầu chọn đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 .

Trong đó, hai huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa - những vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông - cũng hòa mình cùng cả nước trong “ngày hội non sông”.
Sáng qua, lần đầu tiên cử tri trên đảo Trường Sa Lớn thực hiện quyền bỏ phiếu cùng thời điểm với các đơn vị bầu cử trên đất liền. Trước đó, tại các đơn vị bầu cử khác thuộc huyện đảo Trường Sa như xã đảo Sinh Tồn, xã đảo Song Tử Tây cùng thị trấn Trường Sa đã tiến hành bầu cử sớm. Không chỉ các cán bộ, chiến sĩ, người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực này tham gia hoạt động bầu cử mà ngay cả các ngư dân đang đánh bắt trên biển cũng ghé vào tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Ngoài ra, các con tàu Trường Sa 04 và Trường Sa 19 của Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng đã thực hiện nhiệm vụ đưa những lá phiếu đến tận tay các cử tri trên các nhà giàn DK1 cũng như cử tri trên các con tàu đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên thềm lục địa phía nam của đất nước. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên, một đại diện của huyện đảo Hoàng Sa tham gia ứng cử HĐND TP.Đà Nẵng.
Những sự kiện, dấu mốc đặc biệt này nói lên điều gì?
Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa luôn là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông. Mặc dù Hoàng Sa đang bị chiếm đóng phi pháp nhưng luật pháp quốc tế và chính nghĩa luôn đứng về phía Việt Nam và Hoàng Sa mãi mãi vẫn là một phần của đất nước, điều ấy không có gì phải bàn cãi. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang quản lý 21 thực thể thuộc Trường Sa và các vùng biển xung quanh những thực thể đó. Những cái tên thuộc Trường Sa đã trở thành thân thương với người Việt như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Thuyền Chài…
Chính vì thế, kỳ bầu cử lần này cũng chính là hoạt động khẳng định chủ quyền quốc gia của nhà nước Việt Nam tại các vùng lãnh thổ của nước ta trên Biển Đông.
Chủ quyền quốc gia theo công pháp quốc tế được hiểu là thẩm quyền thực thi quyền lực chính trị tối cao đối với một lãnh thổ xác định (bao gồm: vùng đất, vùng trời và vùng biển) và con người bên trong lãnh thổ đó. Không một quốc gia nào có thể có quyền lực chính trị chính thức bên trong những vùng lãnh thổ đã được xác định chủ quyền của quốc gia khác. Hay nói một cách đơn giản, chủ quyền quốc gia là thẩm quyền thực hiện các hoạt động đối nội và đối ngoại trên địa bàn lãnh thổ của quốc gia đó. Theo đó, việc thực hiện hoạt động ứng cử và bầu cử chính là thẩm quyền chính trị đối nội của nhà nước Việt Nam trên địa bàn lãnh thổ Việt Nam. Kỳ bầu cử này thể hiện rằng chúng ta đã và đang thực hiện sự quản lý nhà nước một cách bình thường, hợp pháp, toàn diện, lâu dài và xuyên suốt tại Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó một lần nữa khẳng định mạnh mẽ chủ quyền trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời theo quy định của Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và luật pháp quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.