Chuỗi “trình tự gien” của “vi rút tin giả” gây nhiễu loạn thông tin thật ra đã được giải từ lâu rồi, nhưng tiếc là nhiều người dân trong xã hội không để tâm nên cuối cùng vẫn bị dính hậu quả một cách lạ kỳ. Có nhóm “vi rút tin giả” gọi là “mis-information” (thông tin sai lệch), gồm 2 biến chủng là “false connection” (kết nối sai) và “misleading content” (nội dung gây hiểu lầm).
Có nhóm “vi rút tin giả” gọi là “dis-information” (thông tin xuyên tạc), nhóm này phức tạp hơn, gồm 4 biến chủng là “false context” (bối cảnh sai), “imposter content” (nội dung mạo danh), “manipulated content” (nội dung bị thao túng), “fabricated content” (nội dung bịa đặt). Và nhóm “vi rút tin giả” thứ ba là nhóm “mal-information” (tin độc hại), gồm 3 biến chủng là “leaks” (rò rỉ), “harassment” (quấy rối) và “hate speech” (lời độc địa).
Vậy nên, những chiêu trò tung tin giả như mượn văn bản cũ để phao tin trong bối cảnh mới, mạo danh bác sĩ nói, công an nói, bày trò rò rỉ tin “bí mật” chia sẻ qua tin nhắn gây cảm giác hấp dẫn… thật ra đều là những biến chủng “vi rút tin giả” chẳng mấy khó khăn để nhận biết. Nhưng rồi cứ đến hẹn lại lên, những lúc xã hội đang rối trí nhất vì một khủng hoảng nào đó, như lúc đang phải rối trí lo lắng chống dịch Covid-19, thì cũng là lúc “vi rút tin giả” ngay lập tức “ký sinh” vào hoàn cảnh rối trí đó để nhân bản và lan truyền, gây ra nhiều hệ luỵ.
Lý do là gì? Là những lúc bình thường, không rối trí thì lại không quan tâm đến việc tìm hiểu một chút các hướng dẫn cần thiết để ứng phó, để ngăn chặn “vi rút tin giả”. Đọc và thực hành những hướng dẫn chống tin giả nên là một thói quen của người dân trong xã hội thông tin hiện đại. Nếu thực hành đúng cách, thì cộng đồng hoàn toàn có thể chặt đứt chuỗi biến đổi di truyền và lây lan của “vi rút tin giả”, thu hẹp không gian lây nhiễm của tin giả.
Một điều quan trọng nữa, phản ánh chiến lược hành động của chính quyền ứng phó hiệu quả với vấn nạn tin giả trong thời điểm chống dịch bệnh khó khăn, là quan điểm công khai, minh bạch thông tin chống dịch, đưa thông tin chính thức rất kịp thời để chặn đứng những luồng tin giả gây rối loạn xã hội. Chính điều này là một điểm sáng rất đáng ghi nhận, tạo thêm sự tin tưởng để người dân tuân thủ các quyết sách phòng chống dịch của chính quyền. Chính môi trường minh bạch thông tin về dịch bệnh ngay từ khi mới bắt đầu khởi phát cho đến nay là khắc tinh của “vi rút tin giả”, và là sự giúp đỡ đáng giá nhất mà chính quyền có thể làm cho dân để ứng phó hiệu quả với vấn nạn tin giả và tình trạng rối loạn thông tin hiện nay.
Nguồn tin số một mà người dân phải luôn tìm đến để kiểm chứng tin giả phải là nguồn tin từ chính quyền, từ báo chí chính thống. Đó không đơn giản là một cách thức ứng phó, mà phải được xem là một chiến lược thật sự mà chính quyền nên triệt để thực thi để giành về cho người dân chiến thắng trước vi rút Covid-19 và “vi rút tin giả”. Đó sẽ là một chiến thắng kép.
Bình luận (0)