Người mẹ bán máu mình cho con một bữa cơm no
Phạm Hà Phú (30 tuổi, trú đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM) không thể quên được kỷ niệm năm anh còn rất nhỏ và hiếm hoi được sống gần mẹ. Giờ mẹ đã mất hơn 11 năm, nhớ về mẹ chỉ là một chuỗi những kỷ niệm buồn vô hạn.
[VIDEO] CHÀNG TRAI MỒ CÔI PHẠM HÀ PHÚ TÂM SỰ RƠI NƯỚC MẮT VỀ
NGƯỜI MẸ ĐÃ KHUẤT TỪNG BÁN MÁU MÌNH NUÔI CON
Thực hiện: Lê Nam - Thúy Hằng
|
Phú không có cha, những năm ấu thơ phải sống cùng người nhà ở Quảng Ngãi để mẹ đi mưu sinh tứ xứ, gửi tiền về cho người thân nuôi anh. Từ 5 tới 8 tuổi, anh theo mẹ lên TP.HCM, hai mẹ con đi bán vé số, nhiều lần bị đổi vé giá, giựt mất tiền, hai mẹ con ôm nhau khóc trên đường, xin chủ đại lý cho khất nợ rồi trả dần…
Mẹ bảo Phú phải đi học, không thì cuộc đời anh sẽ vô cùng vất vả. Thế là Phú được gửi về một bà con ở Quy Nhơn (Bình Định) để học phổ thông, trong khi một mình mẹ vẫn tiếp tục tha hương, mưu sinh với nghề bán vé số dạo. Hai mẹ con thi thoảng được gặp nhau trong những cuộc điện thoại đường dài, nghe xong lần nào Phú cũng khóc như mưa vì nhớ mẹ.
Năm 16 tuổi, Phú vào TP.HCM thăm mẹ, trong lúc hai mẹ con đi qua cầu Tham Lương (Q.12) thì bất ngờ bị xe máy tông phải, Phú chỉ bị xây xước, trong khi mẹ hôn mê, phải cấp cứu trong Bệnh viện 115, gần một tháng sau thì mẹ qua đời.
“Còn mẹ thì con ăn cơm với cá. Mất mẹ con lót lá mà nằm”. Trước khi mẹ mất, bản thân tôi đã tự lập sống một mình, xa mẹ triền miên, những năm tháng sống cùng mẹ rất ít. Mới đầu, khi mẹ mới mất, tôi bị hụt hẫng tinh thần, từ đó không bao giờ nghe được điện thoại của mẹ, không bao giờ nhận được thư của mẹ, không bao giờ được ôm mẹ vào lòng, được nghe mẹ nói bất cứ điều gì nữa.
|
Những khoảnh khắc đó, suy nghĩ đó nó không diễn ra liền, mà phải khi mình quay về cuộc sống thường ngày, mình mới nhận ra, sao lâu lắm rồi mẹ không gọi cho mình nữa, giờ mẹ đang ở đâu? Tôi cứ tự an ủi mình, là mẹ vẫn ở đâu đó, mẹ ở Sài Gòn làm, chẳng qua mẹ chưa về thôi, nhưng chỉ được một thời gian đầu mình tự dối mình thôi. Sau đó, tôi phải chấp nhận một sự thật, mẹ tôi đã vĩnh viễn rời xa tôi”, Phú khóc nức nở.
“Nhắc về mẹ những kỷ niệm buồn cứ ùa về. Một lần, mẹ dẫn tôi tới bệnh viện và nói đi công chuyện, con ngồi đây đợi mẹ, rồi mẹ quay lại nhưng tôi đợi hoài không thấy mẹ nên chạy đi tìm. Thế rồi thấy mẹ xỉu, hóa ra mẹ đi bán máu. Mẹ bán nhiều máu quá, cơ thể suy nhược nên đã ngất đi. Mẹ không chỉ lao động cực khổ, mà còn phải bán cả máu của chính mình để nuôi con, cho con bữa cơm ngon. Tôi càng thương mẹ vô vàn. Tôi bảo mình phải ráng, để lo được cho mẹ. Vậy mà, mẹ đã đi xa. Một đời dầm nắng đội mưa, hy sinh những gì tốt đẹp nhất, kể cả trong phút cuối trên đời, mẹ đã chở che để con trai lành lặn. Bây giờ, tôi cố gắng làm việc, để có căn nhà, như ước mơ của mẹ ngày xưa, hai mẹ con chung sống với nhau, nhưng căn nhà đã không còn bóng dáng mẹ rồi”, Phú nghẹn ngào.
|
Mẹ nói thích ăn đầu cá, nhường phần thịt cá cho con
Khi Huỳnh Ngọc Diệu Ngân (29 tuổi, đang làm việc tại một đài truyền hình kỹ thuật số tại TP.HCM) đủ lớn để biết những lời nói của mẹ “mẹ không thích ăn thịt cá, không thích ăn cơm trắng, các con cứ ăn hết đi” là lời nói dối, cô đã không ngăn được những giọt nước mắt xúc động và tự trách bản thân mình. Trong mái nhà nhỏ ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, Phú Yên hơn 20 năm về trước, để nuôi 3 anh em cô khôn lớn, cha mẹ đã "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Những năm tháng phải ăn cơm độn sắn (củ mì), khoai cho no, cả nhà chỉ có ít thịt mỡ, con cá bắt được, mẹ Ngân lúc nào cũng nói với các con, mẹ chẳng hề thích món đó chút nào, các con ăn hết đi. “Chúng tôi hồn nhiên ăn, ăn uống no nê, không biết rằng mẹ cha đang nói dối, để dành những phần cơm ngon nhất cho bầy con đang tuổi lớn. Suốt hơn 10 năm, tôi nhớ mẹ chỉ mua cho mình một bộ đồ thun giá bốn chục ngàn đồng”, Ngân xúc động.
|
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nguyên, 40 tuổi, đang làm nhân viên văn phòng ở phường 6, quận 3, TP.HCM mỗi khi nhớ về bóng cha, dáng mẹ đã không còn trên đời, chị thấy mũi cay sè, hồi tưởng về miền quê nghèo Hải Dương cùng lời nói dối “bố chỉ thích ăn đầu cá thôi, các con cứ ăn hết thịt cá đi”. Chị bồi hồi: “Khi tôi lớn mới để ý, tại sao bố lại chỉ thích ăn đầu cá, trong khi đầu con cá ăn lâu lắm, có chút gì thịt đâu. Hoá ra, bao nhiêu năm trời, bố dối chúng tôi, bố muốn nhường các con ăn miếng ngon, mình thì cơ cực thế nào cũng chịu”. Lúc có thể làm được tiền, mua cho bố mẹ bất cứ món gì ngon, đẹp trên đời, bố mẹ đã chẳng còn trên thế gian này nữa”.
|
Ngày của mẹ, không hiểu sao, chúng tôi, người viết những dòng này, rất nhớ đến những lần mẹ nói dối, mẹ đang cảm lạnh, vẫn bảo khoẻ rồi, phải đi kéo gạch kẻo không đủ công tháng này, lương thấp. Hay sáng ấy, rõ ràng mẹ chưa ăn gì, vẫn nói dối anh em chúng tôi mẹ đã no căng để nhường chúng tôi gói mì tôm cuối cùng trong nhà. Mẹ nói dối, để các con có được những gì tốt đẹp nhất, kể cả một bữa no.
“Nếu các bạn còn mẹ, hãy yêu thương quan tâm cho mẹ nhiều nhất có thể, bởi cuộc sống bất trắc lắm, không biết trước cái gì xảy ra, hôm nay còn nhìn thấy mẹ, mẹ vẫn gọi điện hỏi thăm mình đã dậy đi làm chưa, ăn sáng chưa, đâu biết được ngày mai còn thấy mẹ hay không. Nếu có thể hãy quay về nhà, nấu ăn ngon, phụ giúp mẹ dọn nhà cửa, đặt vé để cả nhà hay hai mẹ con đi du lịch. Cuộc sống thực tại quan trọng, ý nghĩa hơn khi người thân rời xa ta mới nhận ra khoảng trống quanh mình quá lớn, thời gian không thể quay trở lại nữa, dù muốn làm, muốn tổ chức sinh nhật cho mẹ, tặng hoa cho mẹ, thì mẹ đã không còn để nhận nữa rồi”, Phạm Hà Phú, chàng trai mồ côi cả mẹ lẫn cha nhắn gửi với chúng tôi như vậy.
Ngày của mẹ, chúng tôi chỉ muốn nói, mẹ là những gì tuyệt vời nhất trên cuộc đời này!
Bình luận (0)