NƠI "GHÉ CHÂN" CỦA BÀ Thu Bồn?
Cách đây 4 năm, Bộ VH-TT-DL đã công nhận lễ hội bà Thu Bồn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gắn liền với 2 di tích cấp tỉnh, gồm: lăng bà Thu Bồn tại xã Duy Tân (H.Duy Xuyên) và dinh bà Thu Bồn tại TT.Trung Phước (H.Nông Sơn, Quảng Nam).
Những ngày có mặt tại thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H.Duy Xuyên), địa phương nằm khá gần với 2 địa danh nói trên, tôi được nghe người dân kể về sự thiêng liêng của lễ hội dinh bà Mỹ Sơn. Thú vị hơn, tìm hiểu kỹ mới thấy, tuy lễ hội có tên khác nhau nhưng lại có sự liên kết chặt chẽ về sự tích cũng như gắn bó mật thiết với nền văn hóa Chăm lâu đời.
Phát tích lễ hội được các bậc cao niên trong làng Mỹ Sơn kể lại rằng từ xa xưa, cứ vào ngày 11.2 âm lịch hằng năm, dân làng lại tụ về dinh bà nằm cạnh cây cốc cổ thụ để thực hiện các nghi thức cúng tế cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu. "Tôi được nghe nhiều người kể, dinh bà có từ hàng trăm năm trước và được lập theo bước chân của những người khai canh vùng đất mới. Tương truyền, trong những đêm trăng sáng, bà về dinh Mỹ Sơn trong hình hài một đốm lửa đỏ. Đốm lửa từ đỉnh Hòn Đền (núi Chúa) trong thung lũng Mỹ Sơn bay ra đậu trên cây cốc, bên dưới là dinh bà - nay là những ngôi miếu thờ, rồi bay sang lăng bà Thu Bồn", ông Đặng Văn Tâm, cán bộ văn hóa xã Duy Phú, nói.
Có sự liên quan thú vị là nếu ngày thực hành nghi lễ tại dinh bà Mỹ Sơn là 11.2 âm lịch thì sang ngày hôm sau 12.2, người dân tại 2 địa phương đã nói cũng sẽ dâng lễ long trọng trong lễ hội bà Thu Bồn. Và ở xung quanh thung lũng thần linh Mỹ Sơn, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện vào đêm trước của lễ hội bà Thu Bồn, từ đỉnh Hòn Đền thường có dải mây màu đỏ bay ra phía lăng bà. Về lễ hội bà Thu Bồn, tài liệu ghi chép có rất nhiều truyền thuyết về bà, trong đó điểm chung bà là nữ tướng người Chăm xinh đẹp, giỏi giang. Trong một lần giao tranh thất bại, bà trầm mình xuống sông, di thể bà được dân làng Thu Bồn (xã Duy Tân) an táng, thờ phụng và xây dựng lăng bà ngày nay.
GẮN KẾT CÁC GIÁ TRỊ DI SẢN
Ông Trần Sáu (66 tuổi, Trưởng thôn Mỹ Sơn) kể trong ký ức của người dân trong thôn, lễ hội dinh bà Mỹ Sơn cũng khá mờ nhạt, bởi sau chiến tranh những am thờ bà bị tàn phá nên rơi vào cảnh quạnh hiu. Vì điều kiện hạn hẹp nên những bậc cao niên trong làng thường chỉ tổ chức cúng bái đơn giản với con gà, đĩa xôi. Mãi đến hơn 5 năm về trước, khi một nhà hảo tâm về quê cúng dường cùng người dân góp thêm tiền của để xây dựng lại các am thờ, mái che, sân hành lễ trang trọng hơn, người dân mới nghĩ đến chuyện tái hiện lễ hội một cách bài bản. Và lễ hội thật sự sống lại trong vòng 2 năm trở lại đây khi chính quyền địa phương cùng người dân chung tay tổ chức với quy mô lớn.
"Năm 2024, lần đầu tiên người làng chúng tôi tổ chức lễ hội dinh bà Mỹ Sơn trong vòng 3 ngày (từ 8-11.2 âm lịch) với nhiều nghi thức tâm linh trang nghiêm như: lễ đại tế bà, cúng thần hoàng, các bậc tiền hiền… cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, thu hút sự tham gia của hàng ngàn người dân trong và ngoài địa phương. Lễ hội hồi sinh và đang dần trở thành sự kiện quan trọng kết nối cộng đồng làng xã ở vùng Thánh địa này", ông Sáu chia sẻ. Trưởng thôn Mỹ Sơn cũng nhìn nhận rằng lễ hội mới được phục dựng nên còn rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt, người dân trong thôn mong muốn sẽ thực hiện phần nghi thức rước nước về dinh để tắm rửa thần vị, dùng làm nước cúng tại lễ đại tế, tương tự nghi thức tại lễ hội bà Thu Bồn.
"Vậy nước sẽ được lấy ở đâu?", tôi hỏi. Ông Trần Sáu cho biết cách dinh bà Mỹ Sơn vài trăm mét có một giếng vuông của người Chăm, được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Sau này, người dân địa phương đã dùng bê tông đổ lên miệng giếng nên không còn được gọi là giếng vuông. Dẫu vậy, giếng vẫn giữ được mạch nguồn mát lành, không bao giờ khô kiệt. "Cách đây chưa lâu, các chuyên gia, các nhà khảo cổ học đã khảo sát, đo đạc và ghi nhận đó là giếng Chăm cổ xưa. Tôi được nghe kể từ xưa, khi cử hành lễ hội, các cụ thường lấy nước từ giếng này để rước về dinh bà cúng tế. Nếu giếng được phát lộ lần nữa và có thể cho nước để làm lễ thì thiệt là quá ý nghĩa…", ông Sáu bày tỏ.
Ông Đặng Văn Tâm, cán bộ văn hóa xã Duy Phú, cho biết thêm trong câu chuyện linh thiêng của dinh bà Mỹ Sơn luôn gắn liền với sự hiện diện của cây cốc nằm bên cạnh ngôi miếu thờ bà. Năm 2022, cây cốc khoảng 300 năm tuổi này đã được công nhận là Cây di sản VN. Ngoài ý nghĩa như là chứng nhân lập làng, cây cốc còn gắn liền với giai thoại 3 lần quân địch dùng xe tăng, đánh mìn, bắn pháo nhưng cây vẫn không đổ. Với đường kính thân 4-5 người ôm, cao hàng chục mét sừng sững giữa đất trời, cây cốc cùng với dinh bà như vị thần hộ pháp cho làng Mỹ Sơn đi qua biến cố của lịch sử.
"Năm 2023, dinh bà Mỹ Sơn là di tích đã được đăng ký bảo vệ, giai đoạn 2024-2029. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lập hồ sơ để đề nghị công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Dinh bà cùng lễ hội, cây cốc, di tích giếng cổ… nếu được gắn kết với Thánh địa Mỹ Sơn sẽ nâng tầm các giá trị di sản", ông Tâm nói. (còn tiếp)
Bình luận (0)