Các nhà giải phẫu ở London (Anh) đã cấy dẫn xuất từ tế bào gốc vào võng mạc của một bệnh nhân mắc chứng thoái hóa điểm vàng, trong nỗ lực khôi phục thị lực và đảo ngược mức độ tàn phá của căn bệnh ảnh hưởng đến 10% dân số thế giới ở độ tuổi trên 65.
Ảnh: Shutterstock |
Theo BBC News, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Mắt Moorfields ở London đã tiến hành cuộc phẫu thuật hứa hẹn mang tính đột phá hồi tháng trước cho một cụ bà 60 tuổi, người bị chứng thoái hóa điểm vàng ướt. Đây là tình trạng bệnh liên quan đến tuổi tác, theo đó các mạch máu mắt bị biến dạng dẫn đến rò rỉ chất dịch và máu vào tròng mắt, tước đoạt thị lực của bệnh nhân. Nhóm phẫu thuật gia nghĩ ra phương thức cấy vào mắt những tế bào biểu mô sắc tố võng mạc khỏe mạnh được nuôi trưởng thành từ tế bào gốc chiết xuất từ phôi người hiến. Phải mất ít nhất 3 tháng để xác định liệu bệnh nhân có khôi phục thị lực hay không, và tác động tích cực này có thể kéo dài trong bao lâu. Ngoài bệnh nhân đầu tiên, tổng cộng có thêm 9 người nữa đã được lên lịch phẫu thuật.
Giới bác sĩ hy vọng liệu pháp trên có thể đánh dấu mốc đột phá cho những người bị chứng thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa ở bệnh nhân trên 60 tuổi. Nếu trị được chứng thoái hóa điểm vàng ướt, các chuyên gia sẽ tìm cách điều chỉnh để chữa mù cho chứng thoái hóa điểm vàng khô, tức trường hợp các tế bào nhạy sáng của mắt từ từ bị hủy hoại. Trong khi đó, chứng thoái hóa điểm vàng ướt ít phổ biến hơn, chỉ chiếm 10% số ca chẩn đoán, nhưng lại gây mù lòa nhanh hơn chứng khô. 90% số ca mất thị lực ở Mỹ là do chứng ướt. Hiện chưa có cách điều trị cho cả hai trường hợp. Loạt điều trị tại Bệnh viện Mắt Moorfields là trường hợp đầu tiên được áp dụng tại Anh, và là một trong những ca hiếm hoi được triển khai trên toàn thế giới về việc sử dụng tế bào gốc để trị chứng mù do tuổi tác.
Vào đầu năm nay, các nhà khoa học ở Hàn Quốc đã tiêm tế bào nuôi từ tế bào gốc vào mắt của 4 bệnh nhân mắc chứng thoái hóa điểm vàng, trong đó 3 trường hợp ghi nhận cải thiện được thị lực. Dự án tương tự tại Anh và Mỹ cũng đã sử dụng tế bào gốc để ngăn chặn tình trạng mất đi thị lực ở những người bị bệnh loạn dưỡng Stargardt, gây thoái hóa điểm vàng ở người trẻ, với thành công nhất định. Ngoài liệu pháp tế bào gốc, đã có trường hợp đầu tiên sử dụng mắt sinh học để khôi phục thị lực cho bệnh nhân tên Steve McMillin, 59 tuổi, cư dân tại bang Ohio. Theo đó, thiết bị giác mạc được cấy vào mắt bệnh nhân. Kế đến người này sử dụng kính công nghệ cao với camera lắp trên phần gọng. Kính sẽ chụp hình ảnh và truyền tín hiệu đến bộ xử lý video được gắn trên mắt kính, và từ nơi này hình ảnh được truyền theo tín hiệu đến thiết bị võng mạc. Đến đây, thiết bị võng mạc tiếp tục truyền xung động điện đi vòng qua tế bào thụ quang bị tổn hại và đến thẳng tế bào khỏe mạnh bên trong võng mạc. Từ đó, bệnh nhân phần nào có thể “thấy” được.
Một phương pháp điều trị khác cũng đang được thử nghiệm là liệu pháp gien. Dale Turner, 29 tuổi, khi 5 tuổi đã bị chẩn đoán chứng mù lòa bẩm sinh. Cách đây 8 năm, Turner là một trong những người tham gia thử nghiệm phương pháp trị liệu mới, theo đó tiêm vào mắt các gien khỏe mạnh có thể tạo ra protein cần thiết cho các thụ quang hoạt động. Kết quả điều trị cho thấy có thể tạm thời cải thiện tình trạng mắt, nhưng không kéo dài được hiệu quả. Giới khoa học đang tiếp tục nghiên cứu liệu pháp này.
Bình luận (0)