Đặt chân lên Bãi Dương - một phần của hòn Bảy Cạnh Côn Đảo, đập vào mắt tôi là màu xanh của biển, của mây trời và rừng cây hòa lẫn vào nhau. Lọt thỏm giữa khung cảnh đó là căn nhà cấp 4 nhỏ bé đơn sơ của tổ kiểm lâm Bãi Dương - nơi tôi có 10 ngày sinh sống và trải nghiệm công việc đỡ đẻ cho rùa biển.
Bất ngờ thay, công việc đầu tiên tôi được phân công không phải đi canh rùa đẻ trứng mà là nấu cơm. Dẫn tôi ra phía sau bếp, anh kiểm lâm tên Cường chỉ vào nồi cơm bằng gang: "Củi ở đây bao la, sóng biển đánh dạt vào mình chỉ việc nhặt phơi khô là tha hồ nấu. Đặc biệt ở đây bao ăn cơm cháy ngày 3 bữa".
Nói rồi anh dẫn tôi ra phía sàn nước, nơi có mấy chiếc bồn nhựa to màu xanh.
"Đây là nước ngọt dự trữ, thứ tự ưu tiên là nấu ăn, tắm giặt. Em vo gạo xong thì lấy nước đó tưới cây luôn", anh Cường dặn dò.
Theo hướng tay anh Cường chỉ, tôi ngạc nhiên nhìn vườn cây thu nhỏ trên đảo: có mùng tơi, rau ngót, mấy loại rau thơm và cả bụi bí đỏ đang ra quả. Theo lời anh kể, đó là thành quả của việc chăm sóc hoàn toàn tự nhiên không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu.
Nhận ra nỗi hoang mang lo lắng của tôi anh Cường mới giải thích rằng trên đảo có điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời. Nhưng thời tiết nơi đây vốn chẳng chiều lòng người, có khi nắng cháy da, nhưng cũng có khi mưa liên miên cả tuần. Chính vì vậy, việc sử dụng điện tiết kiệm đã trở thành thói quen của những người kiểm lâm sinh sống ở đây.
Tôi để ý thấy có 1 chiếc tủ lạnh trong phòng - là nơi dự trữ đồ ăn cho hai anh kiểm lâm. Bãi Dương không phải là đảo du lịch nên ngoại trừ lúc có tình nguyện viên ra giúp sức, còn lại chỉ có hai anh kiểm lâm sống cùng hai chú chó, một chú mèo, mấy chú gà, chim bồ câu. Việc "đi chợ" phụ thuộc hoàn toàn vào những chuyến vào đảo chính họp hành, hoặc có người từ Vườn quốc gia ra thăm, kiểm tra. Thế nhưng khác với tưởng tượng của tôi, chiếc tủ lạnh này không đầy ắp đồ ăn mà chỉ có một ít đồ đông lạnh, chế độ làm mát ở mức thấp nhất.
Ở đây chủ yếu bọn anh ăn cá tươi ngoài biển, rau thì trồng được, còn có trứng gà, trứng chim bồ câu.
Và thế là tôi được làm quen với cuộc sống hòa mình cùng thiên nhiên, tận dụng những thứ có sẵn và tiết kiệm tài nguyên ở mức tối đa: nấu cơm, nước bằng bếp củi, những bữa cơm trước hiên với gió biển lồng lộng không cần quạt.
Đặc biệt nhất có lẽ chính là tính chất công việc của những anh kiểm lâm ở đây gắn với bảo tồn loài rùa biển. Ban đêm tôi cùng các anh thức giấc lúc 2 - 3 giờ sáng đi tuần tra, canh rùa đẻ trứng, mang trứng về hồ ấp.
Ban ngày chúng tôi càng tất bật với nhiều hoạt động: thả rùa con về biển, vệ sinh hồ ấp, nhặt rác, san lấp hố cát, trồng cây, nhặt củi… Cứ thế, tôi học các anh cách tách mình khỏi sự hấp dẫn của mạng xã hội, của những chương trình truyền hình, cách tiết kiệm điện nước từ những hành động nhỏ nhất.
Thời gian rảnh rỗi tôi miệt mài đi trekking khám phá đảo, hòa mình vào làn nước trong veo lặn ngắm san hô hay có khi ngồi hàng giờ trên xích đu ngắm hoàng hôn trên biển. Thiên nhiên trong lành và công việc bận rộn nơi đây chính là liều thuốc "chữa lành" hiệu nghiệm.
Những bữa cơm còn là khoảng thời gian vui và ý nghĩa nhất khi tôi được nghe các anh kể chuyện về những ngày đầu khó khăn khi sống ở đảo, những ngày mưa bão, về nỗi nhớ nhà của những người kiểm lâm giữa biển khơi. Đáng nể hơn cả, bằng tình yêu công việc và ý thức trách nhiệm, họ vẫn thực hành việc tiết kiệm triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời lan tỏa điều này đến các bạn trẻ như tôi.
10 ngày không phải là khoảng thời gian dài nhưng giúp tôi học được rất nhiều điều bổ ích về công tác bảo tồn rùa biển, về thói quen tiết kiệm tài nguyên. Đến bây giờ bài học ấy vẫn được tôi áp dụng mỗi ngày: trồng cây ở ban công, hòa mình vào thiên nhiên, tách mình khỏi điện thoại, máy tính dành thời gian cho chơi cùng con - đó chính là cách "chữa lành" tốt nhất và tiết kiệm điện hiệu quả.
Và khi con lớn lên, tôi sẽ kể cho con nghe về rùa, về những ngày tháng tuổi trẻ ý nghĩa và truyền cho con bài học tiết kiệm điện từ những chú kiểm lâm trên Bãi Dương (Côn Đảo).
Bình luận (0)