Nhiều lô hàng được sản xuất xuyên tết để kịp xuất khẩu mở hàng đầu năm, tại Tân Cảng Cát Lái tháng 1.2022 |
Ng.Nga |
Những đơn hàng xông đất xuất ngoại
Đúng thời khắc giao thừa (31.1) tại cảng Tân Cảng - Cát Lái (TP.HCM), lô hàng đầu tiên được xếp lên tàu Cape Quest của hãng tàu CMA CGM (Pháp), tải trọng 30.000 tấn, hành trình Cát Lái (VN) - Ningbo (Trung Quốc) - Shanghai (Trung Quốc) - Shekou (Trung Quốc) - Port Klang (Malaysia) - Singapore để chuyển tiếp đến Mỹ. Đây là lô hàng thủy hải sản - một trong 10 nhóm hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của VN nói chung và của TP.HCM nói riêng trong năm 2021 với trị giá XK 8,89 tỉ USD, tăng 5,6% so với năm 2020. Đây là kỷ lục mới trong XK mặt hàng này của nước ta từ trước đến nay.
Cũng trong mùng 1 Tết Nhâm Dần (ngày 1.2), Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu đã XK 2 container cà phê nông sản thương hiệu Meet More đi thị trường châu Âu. Lô hàng chủ yếu là các sản phẩm mới của công ty gồm cà phê trái nhàu, cà phê bạc hà, cà phê khoai môn, cà phê xoài, cà phê dừa, cà phê đậu xanh… “Số hàng này được một hệ thống siêu thị có trụ sở tại Cộng hòa Czech đặt mua, dự kiến sẽ phân phối ở các thị trường Czech, Pháp, Đức. Ngay trước Tết Nguyên đán, toàn bộ công ty đã chạy hết công suất, làm việc cả ngày lẫn đêm để hoàn thành đơn hàng đúng tiến độ cho đối tác. Đây cũng là hoạt động “mở hàng” đầu năm của chúng tôi với hy vọng đem lại nhiều may mắn, hanh thông trong năm 2022”, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập Meet More, chia sẻ và cho biết đây là lần đầu tiên công ty XK cà phê sang châu Âu. Trước đó, sản phẩm của công ty XK chủ yếu sang Hàn Quốc, Úc, Trung Đông.
Theo kết quả đánh giá thống kê thương mại thế giới mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), VN chỉ xếp sau Trung Quốc về XK hàng may mặc trên toàn cầu. Sản phẩm may mặc “Made in Vietnam” chiếm 6,4% thị phần thế giới trong năm 2020 trong khi 10 năm trước đó chỉ là 2,9%. Tương tự, hàng loạt mặt hàng khác như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; đồ gỗ... có xuất xứ từ VN cũng ngày càng vươn xa trên thị trường thế giới.
Ông Tống Văn Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu (XNK) Ngũ Lâm Việt (Đồng Nai) - chuyên sản xuất và XK bàn ghế, tủ gỗ…, cho hay VN nghỉ lễ tết cổ truyền, nhưng các thị trường phương Tây vẫn hoạt động bình thường. Thế nên, ngay sau khi cúng khai trương ngày đầu năm mới, lô hàng đầu tiên sẽ được xuất đi Mỹ. “Hiện tại, các đơn hàng XK đã ký rồi, làm từ nay đến tháng 5, tháng 6 vẫn chưa hết. 95% sản lượng của công ty XK sang thị trường chính là Mỹ với trị giá kim ngạch XK năm vừa qua đạt gần triệu USD”, ông Lâm thông báo.
Năm 2021, nông sản VN xuất sang thị trường Trung Quốc gặp gian nan liên tục bởi chính sách phòng chống dịch khắt khe tại quốc gia này. Thế nhưng, những lô hàng trái cây với khối lượng hàng trăm tấn ngay trong ngày đầu năm Nhâm Dần được thông quan nhanh chóng sang Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp (DN) hồ hởi. Mùng 1 tết (ngày 1.2), 100 tấn thanh long trị giá 1,4 tỉ đồng đã xuất qua cửa khẩu đường bộ số 1 Kim Thành (tỉnh Lào Cai) thành công. Đại diện một trong 4 DN XK lô hàng đầu tiên này kỳ vọng, năm 2022 hoạt động giao thương với thị trường lớn này hy vọng suôn sẻ hơn. “Lô hàng đầu năm làm thủ tục mọi thứ rất nhanh gọn, nên ai cũng có tâm lý rất tốt, hy vọng mọi việc sẽ được suôn sẻ trong thời gian tới khi dịch Covid-19 được đẩy lùi”, đại diện Công ty L.T cho hay. Tính hết 3 ngày tết, đã có gần 300 tấn hàng nông sản Việt xuất sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu Lào Cai.
Theo kế hoạch, trong suốt những ngày trong tuần đầu tiên sau Tết Nhâm Dần, Phúc Sinh Group vẫn giữ nhịp độ XK liên tục. Cụ thể, trong mùng 7 tết hôm nay, khi khai trương hoạt động, Phúc Sinh Group sẽ đồng loạt XK 20 container hàng nông sản, từ cà phê, tiêu, hạt điều, gia vị đi các thị trường gồm Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Dubai, Ai Cập. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, ước tính lượng hàng XK của các công ty thuộc tập đoàn trong quý 1/2022 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có gì đột biến, cả năm tập đoàn sẽ tăng trưởng từ 10 - 15% doanh số so với năm 2021.
Tết này không rảnh rang
Đó là chia sẻ của nhiều ông chủ DN với Thanh Niên trong những ngày đầu năm. Họ không đợi chuyến hàng đầu tiên xông đất rời cảng mà thực tế đã làm xuyên tết trước đó. Đại diện Công ty Furukawa Automotive Parts VN, chuyên sản xuất dây điện trong xe hơi, lắp ráp linh kiện điện tử, cho biết có 3.000 trong hơn 7.000 công nhân viên đăng ký ở lại làm việc xuyên tết để kịp những đơn hàng “tới tấp, mịt mù, không xuể” này. Do đặc thù sản xuất theo chuỗi của tập đoàn, nên dây chuyền lắp ráp đến đâu thì XK đi từ thị trường đó, nơi có nhà máy của tập đoàn. Việc tổ chức sản xuất xuyên tết mục đích làm kịp đơn hàng xuất ngay trong mùng 4 tết (4.2). Đại diện công ty cho biết đã đăng tuyển dụng gần như hằng tuần từ tháng 10.2021 đến nay. Trung bình mỗi tuần, công ty tuyển được 300 - 400 công nhân mới, bù đắp cho lượng công nhân về quê không quay lại và cũng để tăng tốc hoàn thành các đơn hàng do trong thời gian tổ chức sản xuất “2 tại chỗ”, “2 điểm đến, 1 cung đường” trước đó đã không hoàn thành kịp.
Năm 2021, ngành dệt may XK thu về 32,7 tỉ USD, tăng gần 10% và tốc độ tăng trưởng trong năm nay dự báo còn cao hơn. Thế nên khác với mọi năm, khai xuân xong còn vui chơi, năm nay cán bộ nhân viên của Tổng công ty CP May 10 bắt tay ngay vào việc chuẩn bị 20 container đơn hàng XK trong tuần đầu tiên đi nhiều nước. Tổng giám đốc Thân Đức Việt thừa nhận “tết này không rảnh rang như trước nữa” bởi lượng hàng cần sản xuất, giao hàng vẫn đang dồn dập từ đầu tháng 11.2021 đến nay. Ngoài những khách hàng cũ, năm nay May 10 có thêm những khách hàng mới từ Mỹ, châu Âu, Canada hay cả Đài Loan, Hàn Quốc... với đơn hàng đã ký hết quý 2/2022 đạt trên 80% năng lực sản xuất của Tổng công ty. Riêng mặt hàng veston đã đầy ắp đến hết tháng 8. Ông Việt cho biết, công nhân và lãnh đạo đều “căng mình” tăng tốc trong những tháng cuối năm 2021 đã đưa May 10 vượt kế hoạch. Ông tin rằng Tổng công ty sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng doanh thu 20% trong năm 2022. “Tất nhiên chúng tôi đã có kế hoạch chặt chẽ để đặt tăng tốc này. Cụ thể, giảm thiểu chi phí vì vẫn phải tiếp tục đương đầu với căng thẳng trong chuỗi logistics, giá cả nguyên phụ liệu đầu vào dự báo sẽ biến động...”, ông Việt nói.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều DN cho biết, ngay chính tại thị trường truyền thống mà họ khai thác lâu nay, cơ hội tăng tốc, tăng đơn hàng cũng rất lớn. Thế nên, kỳ vọng XK tiếp tục có một năm đột phá là hoàn toàn khả thi. Năm 2021, ngành sản phẩm gỗ XK đạt 15,87 tỉ USD, tăng hơn 20% so năm trước, bất chấp dịch Covid-19. Đây cũng là một trong 8 ngành hàng có kim ngạch XK trên chục tỉ USD. Với công ty Ngũ Lâm Việt, ông Tống Văn Lâm dự báo kim ngạch XK của công ty có thể tăng gấp đôi so với hiện tại, lên gần 2 triệu USD trong năm 2022.
(*) Chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước |
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Kỳ vọng đột phá
Nhận xét về cơ hội tăng tốc kim ngạch XK trong năm nay, chuyên gia XNK Nguyễn Lý Trường An nói rằng “chắc chắn tăng” vì dịch Covid-19 cơ bản trên toàn cầu là hướng đến sống chung, cá nhân tự bảo vệ, nâng cao ý thức phòng bệnh. “Thế nên, năm 2022 là năm để DN đẩy mạnh phục hồi; theo đó, XNK hàng hóa đều tăng mạnh là điều chắc chắn”, ông An nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo một số thách thức cho DN trong thời gian tới. Đó là thị trường tiêu thụ không “nóng, sốt” như mong muốn mà cần thời gian phục hồi, lúc đó mới có nguồn cầu để làm cơ sở tăng cung như ý. “Phục hồi nhanh hay chậm lại phụ thuộc chính sách của nhà nước khuyến khích DN thế nào. Những khó khăn về cảng, kho bãi, logistics nói chung... vẫn còn bỏ ngỏ, hạ tầng không theo kịp phát triển, rồi các quyết sách hỗ trợ ra sao nên điều đó sẽ là thách thức cho DN”, chuyên gia này phân tích.
Ông Phan Minh Thông cũng tỏ ra lạc quan bởi sau đại dịch, một số công ty đã gặp khó khăn vì thiếu hụt công nhân, vốn liếng cạn kiệt... nhưng nhu cầu của thế giới vẫn gia tăng. Trong bối cảnh đó, nhiều đơn hàng dịch chuyển sang Phúc Sinh Group. Chính vì vậy, Phúc Sinh Group vẫn XK không ngừng, công nhân vẫn đi làm và nhà máy hoạt động liên tục. Vị chủ tịch này khá lạc quan khi cho rằng VN nói chung và hàng nông sản của VN đang được khách hàng đánh giá cao và trở thành nhà cung cấp hàng nông sản, gia vị trên thế giới. Vì vậy, các hợp đồng XK sẽ tiếp tục gia tăng.
Dù vậy, theo ông Thông, các DN vẫn sẽ tiếp tục đối diện với những khó khăn vốn đã tồn tại thời gian qua như về nhân lực, nguồn vốn... Đặc biệt, cước phí tàu biển, chuỗi logistics vẫn đang trong tình trạng căng thẳng sẽ tiếp tục là câu chuyện đáng quan tâm nhất đối với hoạt động XNK. Không ai có thể dự báo được liệu cước tàu biển đi Mỹ có tiếp tục gia tăng nữa hay không. Ví dụ từ đầu năm 2019 khi giá cước là 900 USD/container 20 feet thì không ai tưởng tượng được đến nay đã tăng hơn 12 lần, lên 14.000 USD/container.
“Hiện tại tôi chưa nhìn thấy có điều gì sẽ khó khăn hơn trong năm 2022, nhất là khi VN nói chung và TP.HCM nói riêng cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19. Vì vậy, đơn hàng XK là không lo thiếu, chủ yếu sẽ có đủ tàu để xuất hàng đi theo đúng lịch, đảm bảo nguồn cung cho khách hàng cũng như chất lượng hàng hóa, tiếp tục giữ vững chữ tín của DN. Cái khó đến từ logistics, mà hiện tại gần như cả thế giới đang bó tay”, ông Thông chia sẻ.
Bình luận (0)