Nhiều người sẽ gọt vỏ củ quả trước khi ăn để có thể thưởng thức trọn vẹn phần thịt thơm ngon, mọng nước bên trong. Nhưng lớp vỏ bên ngoài của nhiều loại củ quả có chứa vitamin, chất xơ, đồng thời có thể bổ sung hương vị khi ăn.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Michelle Routhenstein (Mỹ), vỏ của nhiều loại củ quả rất giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng như kali, magiê, giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng trong chế độ ăn uống.
Dưới đây là một số loại củ quả nên giữ lại vỏ trong quá trình chế biến và thưởng thức, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health.
Cà rốt
Các chuyên gia sức khỏe cho biết vỏ cà rốt giàu chất xơ, chất chống oxy hóa như beta-carotene và polyacetylenes, cũng như các chất dinh dưỡng thực vật có lợi khác. Beta-carotene rất quan trọng để duy trì thị lực, làn da và khả năng miễn dịch khỏe mạnh.
Ngoài ra, chất chống oxy hóa trong vỏ cà rốt có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính, ung thư.
Cà chua
Theo các chuyên gia, vỏ cà chua rất giàu chất chống oxy hóa lycopene, giúp tăng cường collagen, bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, giúp làn da mịn màng và trẻ trung hơn.
Vỏ cà chua có lượng lycopene cao, nhiều vi chất dinh dưỡng, bao gồm kẽm, mangan, đồng.
Khoai tây
Theo chuyên gia, vỏ khoai tây chứa vitamin C, kali, magie và phốt pho. Chúng cũng cung cấp chất xơ, góp phần tăng cường sức khỏe đường ruột và tăng cảm giác no.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy chiết xuất vỏ khoai tây kích thích tổng hợp collagen, giúp chống lão hóa. Vỏ khoai tây cũng được chứng minh là có vai trò kháng khuẩn và chống oxy hóa.
Tuy nhiên, người dùng cần quan sát màu sắc của vỏ khoai tây một cách cẩn thận. Khoai tây có màu xanh lá chứa solanine, một chất độc tự nhiên có thể gây buồn nôn, đau đầu thậm chí gây nên các vấn đề về thần kinh. Do đó, người dùng cần lựa chọn loại khoai tây không bị biến đổi màu sắc, theo Verywell Health.
Táo
Vỏ táo là nguồn vitamin và khoáng chất tuyệt vời, đặc biệt nó có chứa vitamin C và kali, rất cần thiết cho sức khỏe.
Vỏ táo cũng chứa hàm lượng chất xơ cao, góp phần tiêu hóa và kiểm soát cân nặng tốt hơn. Chúng cũng chứa các chất chống oxy hóa quan trọng và các hợp chất thực vật, có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính và tăng cường sức khỏe tim mạch.
Nho
Vỏ nho là nguồn giàu chất chống oxy hóa, bao gồm resveratrol, anthocyanin và flavonoid. Những hợp chất này có khả năng chống stress oxy hóa và giảm viêm trong cơ thể.
Đặc biệt, resveratrol giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch và bảo vệ cơ thể chống lại một số loại ung thư. Ngoài ra, chất xơ có trong vỏ nho giúp thúc đẩy hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.
Dù vỏ các loại củ quả trên rất tốt cho sức khỏe, nhưng các chuyên gia khuyên mọi người nên chọn loại củ quả có nguồn gốc rõ ràng, lưu ý rửa sạch chúng bằng nước, dung dịch chuyên dụng để loại bỏ bụi bẩn và các chất có hại tồn đọng, theo Verywell Health.
Bình luận (0)