Chuối là loại trái cây ngọt, mềm phổ biến khắp thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng lớp vỏ dày và nhiều xơ của chuối cũng là một nguồn dinh dưỡng, mang nhiều giá trị cho sức khỏe và làm đẹp.
Giá trị sức khỏe của vỏ chuối
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Quý (Phòng khám Da - Thẩm mỹ y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3), các hợp chất như phenolic, alkaloid, flavonoid, tanin, saponin, glycoside, carotenoid, sterol, triterpen và catecholamine được phân lập từ vỏ chuối đã được báo cáo về hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Vỏ chuối cũng được biết đến với tiềm năng hỗ trợ điều trị trầm cảm. Hàm lượng tryptophan cao trong chuối, kết hợp với B6 trong vỏ chuối có thể giúp giảm một số triệu chứng trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác. Vitamin B6 đã được chứng minh có thể giúp cải thiện giấc ngủ, có tác động tích cực đến tâm trạng theo thời gian.
Bên cạnh đó, vitamin A có nhiều trong vỏ chuối và quả chuối có thể giúp giữ cho đôi mắt của bạn khỏe mạnh.
Vỏ chuối cũng rất giàu chất xơ, có thể giúp điều hòa hệ thống tiêu hóa, giảm táo bón và tiêu chảy. Đây có thể là một lợi ích đặc biệt quan trọng của vỏ chuối đối với những người mắc hội chứng Crohn hoặc hội chứng ruột kích thích.
Đề cập đến công dụng làm đẹp của vỏ chuối, bác sĩ Quý cho biết trong một nghiên cứu nhỏ của Đại học Lambung Mangkurat (Indonesia) do bác sĩ Dwiana Savitri và các cộng sự thực hiện đã chỉ ra rằng vỏ chuối có thể hỗ trợ điều trị mụn trứng cá dưới sự giám sát và theo dõi của chuyên gia y tế.
Cụ thể, bác sĩ Savitri và cộng sự đã tiến hành thực nghiệm dùng vỏ chuối chín chà xát lên mụn và để yên trong 30 phút đến 1 giờ. Quá trình này được lặp lại hàng ngày trong vòng 7 ngày trên 45 đối tượng nữ đã cho thấy sự thay đổi đáng kể về mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu quy mô hơn để chứng minh hiệu quả này.
Nói về công dụng chống ung thư của vỏ chuối, bác sĩ Quý cho biết polyphenol, carotenoid và các chất chống oxy hóa khác có trong vỏ chuối cũng có thể giúp chống lại các gốc tự do gây ung thư.
Tuy nhiên, những nghiên cứu hiện nay về đặc tính chống ung thư của vỏ chuối được thực hiện trong ống nghiệm chứ không phải trên người. Do đó, cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để hiểu liệu vỏ chuối có thể làm giảm nguy cơ ung thư ở người hay không.
Một số mẹo dân gian với vỏ chuối
Trong dân gian có những cách sử dụng vỏ chuối như: Chà vỏ chuối lên mặt để làm sáng da và giảm nếp nhăn; đắp vỏ chuối lên mắt để giảm bọng mắt; sử dụng vỏ chuối như một loại kem dưỡng ẩm để làm ẩm da; chà vỏ lên sẹo mụn để giúp chúng mờ dần; trị vảy nến bằng cách đắp vỏ chuối lên vùng bị vảy nến để dưỡng ẩm và giảm ngứa; loại bỏ mụn cóc bằng cách dán một miếng vỏ chuối chín lên trên và để qua đêm…
Tuy nhiên những mẹo này nhìn chung chưa được nghiên cứu lâm sàng để chứng minh hiệu quả. Do đó, mọi người nên cân nhắc bởi trong một số trường hợp, mẹo dân gian có thể hiệu quả với người này nhưng không hiệu quả với người kia do khác nhau về cơ địa.
Lưu ý khi dùng vỏ chuối
Bác sĩ Quý cũng lưu ý rằng việc sử dụng vỏ chuối có thể mang đến một số tác dụng phụ như kích ứng, dị ứng, nhất là đối với những người có làn da nhạy cảm, những người dị ứng với latex cũng có thể bị dị ứng với vỏ chuối.
Ngoài ra, do hàm lượng đường trong vỏ chuối tương đối cao, ăn nhiều có thể gây nổi mụn. Tự ý sử dụng vỏ chuối không đúng cách cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn bởi bề mặt ẩm ướt của vỏ, dễ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Cũng theo bác sĩ Quý, dù vỏ chuối là an toàn để ăn nhưng mọi người không nên dùng nó như một loại dược liệu để tự điều trị bệnh. Khi có bất kỳ vấn đề nào về da hay sức khỏe, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và không bỏ qua thời gian vàng trong việc điều trị các bệnh lý của mình.
Bình luận (0)