Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngô Minh Như (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết vỏ sầu riêng chiếm đến 50% trọng lượng của trái nhưng nó lại được xem như phụ phẩm trong nông nghiệp, giá trị kinh tế không cao.
Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền, vỏ sầu riêng có vị hơi đắng, chát, tính ấm, công dụng tiêu thực, ích khí, làm ấm phổi, cầm mồ hôi, nhuận trường. Vỏ sầu riêng khi phối hợp cùng một số loại dược liệu khác cũng có thể chữa đầy bụng, khó tiêu, hỗ trợ điều trị chứng cảm sốt, viêm gan vàng da hay điều trị tiêu chảy.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng vỏ sầu riêng có chứa khá nhiều thành phần hóa học khác nhau, chủ yếu bao gồm axit phenolic, phenolic glycoside, flavonoid, coumarin, tritepen, glycoside đơn giản, cellulose, chất béo, pectin...
Trong đó, hợp chất flavonoid, phenolic, glycoside có tác dụng chống oxy hóa. Chiết xuất coumarin propacin có tác dụng chống viêm, giảm đau.
Còn chiết xuất flavonoid của vỏ sầu riêng cũng có thể ức chế một số loại vi khuẩn như tụ cầu vàng (staphylococcus aureus) và trực khuẩn mủ xanh (pseudomonas aeruginosa).
Bên cạnh đó, polysacarit trong vỏ sầu riêng cũng giúp điều hòa tác dụng chuyển hóa lipid. Trong khi hoạt chất flavonoid giúp ức chế sự hấp thu đường, tăng tốc độ lọc của thận, đẩy nhanh tốc độ bài tiết glucose.
Cũng theo bác sĩ Như, vỏ sầu riêng còn được biết đến với tác dụng chống đông máu. Dịch chiết vỏ sầu riêng có tác dụng ức chế các thụ thể niêm mạc phế quản do các chất kích thích hóa học gây ra, từ đó giúp giảm chứng ho.
Khả năng loại bỏ các gốc tự do và giảm mức độ căng thẳng oxy hóa của một số hợp chất có trong vỏ trái cũng giúp bảo vệ gan. Polysacarit có trong vỏ sầu riêng cũng mang lại tác dụng nhuận trường, nhờ vào khả năng làm tăng đáng kể tốc độ nhu động ruột, điều tiết nhất định đối với hệ vi khuẩn đường ruột.
Bài thuốc hay từ vỏ sầu riêng
Cũng theo bác sĩ Như, một số bài thuốc quen thuộc từ vỏ sầu riêng, thường được dùng trong y học cổ truyền có thể kể đến như:
Vỏ quả phơi khô 20 g sắc với 500 ml nước uống trong ngày, chữa đầy bụng, khó tiêu.
Vỏ quả, lá, rễ 30 - 40 g sắc với 500 - 1.000 ml nước uống trong ngày, hỗ trợ điều trị chứng cảm sốt, viêm gan vàng da.
Vỏ sầu riêng 12 g, chi tử 12 g, rễ cỏ tranh 8 g, cam thảo 12 g sắc với 300 ml nước còn 200 ml chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày, hỗ trợ điều trị chứng viêm gan vàng da.
Vỏ sầu riêng 20 g, vỏ măng cụt 40 g, sắc với 400 ml nước còn 200 ml chia 2 lần uống trong ngày, điều trị tiêu chảy.
Hiện nay, dù có nhiều nghiên cứu đề cập đến lợi ích của vỏ sầu riêng nhưng chỉ dừng ở mức chỉ ra được hoạt tính dược lý có hiệu quả mà chưa được báo cáo nghiên cứu toàn diện, cũng như có phân tích chuyên sâu về cơ chế tác dụng. Do đó, bác sĩ Như khuyến nghị khi sử dụng vỏ sầu riêng nên theo hướng dẫn của báo cáo, tài liệu dược liệu y học cổ truyền có uy tín, tham khảo ý kiến và có sự theo dõi của bác sĩ, chuyên gia.
Ai không nên dùng?
Dù mang nhiều lợi ích, tuy nhiên bác sĩ Như khuyến nghị những người có cơ địa nhiệt, âm hư, dễ hình thành đờm thấp, tỳ vị hư nhược, người lớn tuổi hay người dễ bị táo bón không nên dùng vỏ sầu riêng.
Ngoài ra, do lớp vỏ ngoài sầu riêng rất cứng, có nhiều gai nên cần xử lý tốt trước khi chế biến. Mọi người cũng nên ưu tiên sử dụng sầu riêng chín cây hoặc nên mua tại các cơ sở uy tín để tránh sầu riêng ngâm trong hóa chất không rõ nguồn gốc.
Bình luận (0)