Chính vì thế, nhiều thông tin hữu ích về xét tuyển khối ngành này đã được đại diện các trường ĐH thông tin đến thí sinh trong chương trình trực tuyến Chọn ngành cho tương lai.
Chương trình do Báo Thanh Niên tổ chức với sự tài trợ của THACO, được phát trực tiếp trên các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên vào chiều 2.3.
Mở thêm nhiều ngành mới
Tại chương trình tư vấn, đại diện các trường ĐH cho biết năm nay riêng đối với khối ngành khoa học sức khỏe, các trường đã mở thêm những ngành mới mà thí sinh cần lưu ý.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết đối với khối ngành sức khỏe, từ năm 2020 có điểm thay đổi nhỏ là Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH sử dụng phương thức xét học bạ, trong đó có thêm điều kiện ràng buộc là bên cạnh tốt nghiệp loại giỏi năm 12 thì cho phép điểm xét tốt nghiệp từ 8.0 trở lên. Mặc dù đây là điểm nhỏ nhưng lại rất quan trọng với các thí sinh và có ưu thế cho những em đã có chiến lược đầu tư học khối ngành sức khỏe ngay từ đầu.
Tiến sĩ Hải thông tin nhà trường vẫn giữ 3 phương thức xét tuyển là xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT và xét học bạ. Ngoài ra, năm nay trường có thêm một phương thức mới là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
“Năm nay, trường dự kiến mở mới 2 ngành khối khoa học sức khỏe là y học cổ truyền, kỹ thuật y sinh và quản trị bệnh viện. Khi xét học bạ với khối ngành khoa học sức khỏe, thí sinh lưu ý xét vào ngành điều dưỡng thì phải tốt nghiệp loại khá, y khoa và dược phải tốt nghiệp giỏi. Vì vậy, với khối ngành này, thí sinh phải chờ khi đã học xong lớp 12 mới nên đăng ký xét tuyển”, tiến sĩ Hải thông tin.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết năm nay trường không có nhiều thay đổi và vẫn có 5 phương thức xét tuyển nhưng riêng với khối ngành khoa học sức khỏe thì chỉ áp dụng 4 phương thức là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và xét tuyển thẳng theo quy định.
Tiến sĩ Tuấn cũng thông tin đối với khối ngành sức khỏe, hiện nay nhà trường có 4 ngành tuyển sinh là: răng hàm mặt, dược học, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm và dự kiến mở 2 ngành là y khoa và y học cổ truyền.
Đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông, cũng cho biết ngoài các ngành đào tạo như các năm thì năm nay ở khối khoa học sức khỏe, trường dự kiến mở 2 ngành mới là điều dưỡng và xét nghiệm y học. Trường sẽ xét tuyển theo các phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và xét học bạ.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thảo My, Trưởng ban Đào tạo Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết trường vẫn giữ 5 phương thức xét tuyển như các năm. Nhưng thí sinh lưu ý ở phương thức 3 của trường có đặc biệt hơn vì đây là kỳ thi riêng của trường.
Thạc sĩ My thông tin đối với khối ngành sức khỏe, nhà trường có 5 ngành đào tạo là: y khoa, dược học, y học cổ truyền, y tế dự phòng và kỹ thuật xét nghiệm y học. Với kết quả của năm 2020, phương thức 1 và 2 (xét học bạ và điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT) được thí sinh quan tâm rất nhiều.
Học nha khoa có thể làm giàu?
Tại chương trình, một thí sinh đặt câu hỏi: “Các bác sĩ khi mở phòng nha khoa thì rất giàu. Vậy nếu học ngành răng - hàm - mặt thì có phải đều có thể làm giàu như vậy? Thí sinh học ngành này phải đối diện với những khó khăn gì?”.
Chia sẻ với thí sinh, tiến sĩ Tuấn cho biết đây là một ngành khó trong khối khoa học sức khỏe nhưng cũng là một trong những ngành dễ làm giàu. Mà thực chất học ngành nào cũng đều có khả năng làm giàu nếu học giỏi. Tiến sĩ Tuấn cũng cho biết đầu vào của khối ngành sức khỏe khó hơn rất nhiều so với các ngành khác, nên đây cũng là một thách thức cho thí sinh khi theo học khối ngành này.
Về vấn đề này, tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng cho biết ngành y đa khoa và răng hàm mặt là 2 ngành có mức học phí cao nhất và dài nhất trong thời gian đào tạo, cũng là 2 ngành tập trung số lượng thí sinh giỏi nhất.
Bình luận (0)