Những lý do không ngờ tới báo hại hơi thở bốc mùi khó chịu

11/08/2017 10:30 GMT+7

Căng thẳng, bỏ bữa hay thở bằng miệng... là những thứ có thể khiến hơi thở chúng ta có mùi bất thường.

Đâu chỉ có tỏi và thuốc lá mới khiến hơi thở chúng ta bốc mùi. Trên thực tế còn nhiều nguyên nhân đầy ngạc nhiên khác khiến chúng ta mất tự tin vì hơi thở "dễ xa nhau", theo Sheknows.com.

Căng thẳng

Mọi người thường trải qua cảm giác khô miệng khi lo lắng, bởi sự tác động ồ ạt của các hormone gây căng thẳng như adrenaline, noradrenaline và cortisol. Và khi miệng khô thì vi khuẩn dễ sinh sôi, gây mùi hôi trong thời gian nhất định.  
Căng thẳng gây khô miệng Ảnh minh họa: Shutter Stock


Sỏi amidan 

Ít người từng nghe về sỏi amidan nhưng nó thật sự tồn tại. Chúng là tập hợp các loại vi khuẩn và vụn thức ăn thừa bị mắc kẹt trong khe nứt của mô amidan. Và những viên sỏi li ti này gây ra mùi hôi khó chịu cho hơi thở. Bạn cần vệ sinh răng miệng chu đáo để ngăn ngừa hình thành sỏi amidan này. Nếu tình trạng sỏi amidan nghiêm trọng, bạn phải nhờ đến sự can thiệp của nha sĩ.

Bỏ bữa 

Bạn có biết mỗi ngày miệng chúng ta sản sinh đến 3 ly lớn nước bọt? Bởi nước bọt giữ vai trò cực quan trọng, như hỗ trợ tiêu hóa, mang canxi và phốt pho thiết yếu để giữ răng chắc khỏe, đặc biệt là chống lại vi khuẩn gây bệnh nướu răng và nha chu. Và khi bỏ bữa, bạn sẽ không sản xuất đủ nước bọt, từ đó ảnh hưởng đến hơi thở.

Thở bằng miệng

Thói quen thở bằng miệng (nhất là khi ngủ) có thể làm giảm việc sản xuất nước bọt và gây khô miệng. Và đó là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi gây mùi hôi không mong đợi.
Thở bằng miệng hay ngủ ngáy là một nguy cơ gây mùi hôi cho hơi thở Ảnh minh họa: Shutter Stock


Cà phê

Nếu muốn hơi thở dễ chịu và "lành mạnh", bạn nên giảm uống cà phê. Lý do là cà phê gây mất nước và có thể làm khô miệng. Còn nếu không thể bỏ bớt cữ cà phê trong ngày thì tốt nhất bạn nên nhớ uống nhiều nước sau khi uống cà phê.

Xỏ lưỡi

Trò xỏ lưỡi hoặc xẻ lưỡi theo trào lưu có thể gây rắc rối với hơi thở. Khi vùng miệng có tổn thương nào đó, nguy cơ nhiễm trùng nấm miệng tăng cao. Và tình trạng này có thể gây hôi miệng.

Ăn quá nhiều đạm

Chế độ ăn nhiều đạm gây ra phiền toái cho bạn, đó là hơi thở không được thơm tho cho lắm. Cơ thể bình thường sẽ phân giải protein (đạm) thành axit amin, và cả phần nhỏ amoniac. 
Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng đến vấn đề hơi thở Ảnh minh họa: Shutter Stock


Gan sẽ chuyển lượng amoniac này thành urê, một hợp chất hữu cơ lành tính mà thận phân tán dưới dạng nước tiểu. Nhưng nếu cơ thể thiếu carbohydrate và phụ thuộc phần lớn vào năng lượng từ protein thì gan có thể mất khả năng xử lý lượng amoniac nói trên. Và điều đó gây ra mùi tanh trong hơi thở và cả mồ hôi cơ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.