Apple giới thiệu các mẫu máy tính Mac sử dụng chip xử lý M1 đầu tiên do hãng tự thiết kế, sản xuất trên nền kiến trúc ARM tương tự với dòng thiết bị di động bỏ túi. Hãng tuyên bố M1 cải tiến về hiệu năng và thời lương pin vượt trội so với các đối thủ trên thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, máy tính Mac dùng M1 có thể khởi chạy ứng dụng iOS gốc, mở cánh cửa tới kho phần mềm khổng lồ.
Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để có thể kết luận về tương lai tươi sáng của thế hệ sản phẩm mới này, nhất là khi những “gã khổng lồ công nghệ” khác đã thất bại trước Apple nhiều lần, điển hình nhất là Microsoft với Surface RT sử dụng nền tảng Windows RT tùy biến riêng cho chip ARM. Microsoft đã phải chịu khoản lỗ tới 900 triệu USD vì tham vọng với chip kiến trúc ARM trên máy tính.
Ngoài những lý do chuyên môn, đánh giá từ các chuyên gia công nghệ liên quan đến kiến trúc ARM trên máy tính, người dùng cũng có nhiều điều phải cân nhắc trước khi quyết định bỏ tiền để sở hữu một trong số các máy Mac mới ra mắt dùng chip M1.
Đầu tiên phải kể đến khả năng tương thích phần mềm. Do sử dụng kiến trúc khác với x86, x64 trên chip sản xuất bởi Intel hay các đơn vị khác, các phần mềm muốn hoạt động buộc phải được xây dựng riêng cho kiến trúc này. Điều này đồng nghĩa không phải tất cả phần mềm đang có trên máy tính hiện nay có thể cài và hoạt động được trên máy Mac mới dùng Apple M1.
Không như điện thoại phục vụ nhu cầu liên lạc, giải trí, máy tính là thiết bị thiên về công việc với nhiều chương trình chuyên biệt cho từng ngành nghề khác nhau. Trước khi quyết định dùng máy Mac mới ở thời điểm này, người dùng cần kiểm tra liệu các ứng dụng mình cần có được hỗ trợ trên thế hệ máy mới này hay không.
|
Apple cho biết M1 sẽ chạy được các ứng dụng trên App Store dành cho iOS, iPadOS nhưng đó chỉ là về mặt lý thuyết do đều chung kiến trúc ARM. Thực tế có thể không đơn giản vậy vì vẫn còn nhiều sự khác biệt về phương diện lập trình phía sau liên quan tới các khái niệm như Libraries, Framework, Hardware ID… Để làm được điều Apple nói, lập trình viên buộc phải viết thêm vào phần hỗ trợ cho nền tảng mới trong ứng dụng hiện tại của mình và việc này không phải một sớm một chiều là xong.
Cũng liên quan tới vấn đề tương thích nhưng lần này là về phần cứng. Giống với iPhone, iPad hay Watch do Apple sản xuất ngày càng khó sửa chữa, thay thế do hãng độc quyền cấu thành phần cứng, M1 cũng sẽ là “bài toán khó” khi người dùng muốn sửa chữa. Các laptop, PC hiện nay sử dụng CPU Intel có phần linh kiện rời rạc, người thợ có thể thay thế từng thành phần riêng như chip nhớ, CPU… Trong khi đó, M1 là dạng SoC (System on Chip), một lỗi hư hại xảy ra xem như bỏ toàn bộ con chip.
Việc thay thế gần như chỉ có thể thực hiện bởi Apple và chi phí cho việc này chắc chắn không hề rẻ. Nếu vẫn quyết định chọn mua, người dùng nên bỏ thêm tiền để nâng gói bảo hành mở rộng chính hãng lên 2 năm đề phòng trường hợp rủi ro.
Ngoài ra, các máy Mac 2020 đều là thế hệ đầu, mở ra lộ trình do chính Apple đặt ra, dù được chuẩn bị tốt nhưng vẫn có khả năng xảy ra lỗi. Dù không phải tất cả, nhưng đã vài lần Apple tự chứng minh máy Mac đời đầu dễ phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng hơn các thế hệ tiếp theo. Nếu có thể chờ, hãy cân nhắc việc bỏ qua thế hệ máy đầu tiên để đợi phản hồi về mức độ ổn định và khả năng tương thích.
Apple tỏ ra rất tự tin về bước đi mới khi loại bỏ toàn bộ Macbook Air dùng chip Intel dù vừa giới thiệu phiên bản mới hồi tháng 3.2020. Không giống một số hãng máy tính khác đưa ra lựa chọn phiên bản phần cứng, Apple “dọn đường” chuyển toàn bộ máy tính của mình sang nền tảng dựa trên kiến trúc ARM trong tương lai gần.
Táo Khuyết lập ra lộ trình 2 năm để chuyển đổi toàn bộ, trong khi Microsoft đã mất tới 8 năm vẫn còn chật vật, dù dòng sản phẩm Surface Pro X mới ra mắt đã được đánh giá tốt hơn về khả năng xử lý tương thích. Để thuyết phục được giới công nghệ cũng như người dùng, Appke buộc phải thành công với kiến trúc ARM trên máy tính, con đường mà tới nay chưa hãng nào đi tới đích.
Bình luận (0)