Những lý do sinh viên cân nhắc khi học lại môn

08/02/2023 10:06 GMT+7

Một số sinh viên khi học lại môn hay học cải thiện điểm gặp khó khăn về học phí cũng như phải sắp xếp thời gian phù hợp cho các môn để đủ điều kiện tốt nghiệp.

Chờ 6 tháng chỉ để học lại 1 môn

Không ít sinh viên chỉ nợ 1-2 môn nhưng phải chật vật sắp xếp được lịch học lại nếu không thì phải lâm vào tình trạng nợ môn dai dẳng, khó có thể tốt nghiệp đúng hạn.

Chẳng hạn, P.T.L, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chỉ nợ 1 môn chuyên ngành nhưng lớp chỉ được mở vào kỳ cuối của năm học nên muốn đăng ký thì phải chờ nửa năm.

"Thời khóa biểu học kỳ sau không còn trống ngày nào nên tôi chấp nhận học chèn 2 lớp cùng một buổi để kịp tiến độ thực tập và tốt nghiệp. Biết rằng học như vậy có thể nhận kết quả không tốt nhưng phải chờ 6 tháng chỉ để học lại 1 môn là quá lâu", L. nói. Ngoài ra, do không còn nhận trợ cấp từ gia đình nên khoản học phí bị tăng thêm do nợ môn cũng là điều L. lo lắng.

Tương tự, V.T.C., sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đang nợ 1 môn chuyên ngành và 1 môn đại cương nhưng cũng không sắp xếp được lịch học lại. "Đối với môn chuyên ngành bị nợ, nhà trường hiện chỉ mở lớp ở những kỳ nhất định. Trong khi đó, lịch học của tôi đã kín nên chưa thể đăng ký được", C. nói.

Bên cạnh đó, việc đóng học phí môn phải học lại cũng là vấn đề khiến nhiều sinh viên phải đau đầu.

Học lại môn cấu trúc dữ liệu và giải thuật, T.T.U., sinh viên năm 3 Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cho biết phải bỏ ra 1,8 triệu đồng cho 3 tín chỉ. "Với số tiền đó, tôi có thể dùng cho việc khác như học tiếng Anh để nộp chứng chỉ, đảm bảo đủ điều kiện tốt nghiệp. Việc di chuyển cũng rất bất tiện vì những môn tôi phải học lại được tổ chức ở cơ sở cũ khá xa", T.U tâm sự.

Trong khi đó, có những sinh viên chọn đăng ký học lại các môn để đủ điểm đạt bằng tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc.

"Tôi thấy học cải thiện là một cơ hội để sinh viên nâng cao điểm số", M.P., vừa tốt nghiệp từ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn-ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết.

Nỗi khổ của sinh viên học lại môn: tốn thời gian, nặng gánh học phí - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên chọn đăng ký học lại các môn để đủ điểm đạt bằng tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc

HÀ ÁNH


Học lại không có nghĩa là kém hơn

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết, có nhiều lý do khiến sinh viên rớt môn như chủ quan, chưa đủ năng lực hoặc chưa chuẩn bị tốt…

Theo thầy Hạ, một sinh viên học lại môn không đồng nghĩa kém hơn những bạn khác. "Khi học lại hay học cải thiện, sinh viên nên tích hợp kiến thức và kỹ năng để có kết quả tốt, đạt chuẩn đầu ra. Bởi nhà tuyển dụng không chỉ yêu cầu năng lực chuyên môn mà còn ở những kỹ năng khác được tích lũy trong quá trình học tập", thầy Hạ nói thêm.

Tuy nhiên, theo thầy Hạ, việc nợ môn khiến sinh viên vừa tốn thời gian, vừa tốn sức, tốn kém về học phí, chểnh mảng trong học tập và tâm lý cũng bất an khi đi học lại. Do đó, thầy khuyên sinh viên: "Dù môn học có thể chưa tạo sự hứng thú nhưng đã học lại thì các bạn hãy cố gắng qua môn ở lần đầu tiên, không để học lại quá nhiều. Nếu các bạn nỗ lực tích lũy, trau dồi năng lực học tập tốt thì vẫn có thể vượt qua môn học dễ dàng".

Bí quyết học tập để qua môn đại cương dễ dàng

Một số sinh viên cho rằng bí quyết học tốt các môn đại cương là phải siêng năng hệ thống kiến thức. "Tôi thường tóm tắt bài học theo gạch đầu dòng sau mỗi buổi và tự giảng lại cho chính mình, sáng tạo thêm ví dụ cho dễ nhớ để nắm chắc kiến thức trước kỳ thi", Hoàng Mai, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ.

Học lại môn triết học Mác-Lênin và đạt được điểm 8, H.T.K (sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) kể: "Ở lần học lại này, tôi đã chú ý nghe giảng hơn, chuẩn bị bài trước buổi học và chịu khó đóng góp xây dựng bài trên lớp". Sinh viên này không học thuộc lòng từng chữ mà vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống lại bài học, đồng thời tìm các ví dụ gần gũi trong cuộc sống để nhớ bài lâu hơn.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ thông tin: "Để mở lớp thì cần nhiều yếu tố như đảm bảo số lượng sinh viên tối thiểu đăng ký môn, chi phí cho giảng viên, cơ sở vật chất. Một số môn có thể mở lại ngay trong học kỳ 1 thay vì học kỳ 2 nếu số lượng sinh viên rớt môn nhiều. Nếu số lượng sinh viên học lại quá ít thì chưa đủ điều kiện để mở lớp".

"Đối với trường hợp chờ lớp quá lâu, sinh viên có thể đề nghị nhà trường xem xét mở lại vào học kỳ kế tiếp hoặc trong thời gian gần nhất để có thể đảm bảo tiến độ học tập và tốt nghiệp đúng hạn hoặc sớm hơn", thầy Hạ cho biết thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.