Làm sao để đồ án tốt nghiệp của sinh viên không bị bỏ xó?

Thúy Liễu
Thúy Liễu
16/01/2023 15:04 GMT+7

Không ít sinh viên đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc làm đồ án trong lĩnh vực kỹ thuật và sáng tạo nhưng đa số bỏ xó và không thể tiếp tục phát triển để ứng dụng trong thực tế.

Đừng để "đồ án rất đẹp nhưng không thể áp dụng rộng rãi"

Không tìm được ý tưởng, kinh phí hạn hẹp, sản phẩm không có ứng dụng thực tế… là những vấn đề mà sinh viên gặp phải khi làm đồ án trong khối ngành sáng tạo và kỹ thuật.

Nhận định về việc này, Nguyễn Phương Vy, vừa tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho biết đặc thù của khối ngành sáng tạo là cảm nhận thị giác, yêu cầu sản phẩm phải đẹp và ứng dụng được nên tư duy chọn đề tài rất quan trọng. Do đó, theo Phương Vy, sinh viên phải biết ưu điểm của mình là gì để chọn đề tài phù hợp, sáng tạo nhưng không được xa rời thực tế.

Bên cạnh đó, sinh viên nên thay đổi cách tiếp cận vấn đề, đưa cách thể hiện mới phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ của đối tượng muốn hướng đến để tránh bí ý tưởng. “Một đồ án có tính ứng dụng cao phải phản ánh một vấn đề nào đó trong cuộc sống, có vòng đời phát triển cho sản phẩm vì mục đích lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận. Sinh viên nên chú thích nguồn tham khảo để giữ nguồn tài liệu cho sản phẩm cũng như giới thiệu tư liệu cho người xem”, Phương Vy chia sẻ.

Sinh viên phải đầu tư nhiều công sức, thời gian và tiền bạc vào đồ án tốt nghiệp

THUẬN VÕ

Đồng quan điểm trên, Trần Xuân Nghĩa, sinh viên ngành cơ điện tử Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho rằng đồ án kỹ thuật phải mang lại hiệu quả thực tế và có thể sản xuất hàng loạt trong công nghiệp.

“Nhiều đồ án rất đẹp nhưng không thể áp dụng rộng rãi do công nghệ sản xuất hạn chế, thiếu linh kiện hoặc chi phí lắp ráp đắt đỏ. Khi thực hiện đồ án, sinh viên phải biết sản phẩm đó được tạo ra với mục đích gì và có thỏa mãn nhu cầu người dùng hay không. Tôi cũng khá chật vật vì có ý tưởng hay nhưng khi làm sản phẩm thì không khả thi, tỷ lệ thành công thấp”, nam sinh chia sẻ.

Đồ án mà Xuân Nghĩa thực hiện là thiết kế xe tự cân bằng theo hướng dẫn sẵn có. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm sinh viên làm phải đạt yêu cầu đầu ra khác nhau của giảng viên như chạy trên nhiều địa hình, đảm bảo tần suất làm việc trong ngày... nhằm giúp sinh viên sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế cuộc sống.

Về vấn đề kinh phí khi làm đồ án, Phương Vy và Xuân Nghĩa đều cho rằng đây cũng là yếu tố khiến sinh viên “đau đầu”. “Sinh viên chưa có thu nhập ổn định nên sẽ cân nhắc đầu tư sản phẩm như thế nào cho hợp túi tiền. Tôi đã chi khoảng 8 triệu đồng để đầu tư cho đồ án tốt nghiệp, bao gồm mua sắm dụng cụ, in ấn sản phẩm. Một đồ án chất lượng thì ngoài đầu tư tiền bạc, quan trọng là sinh viên nên trau dồi tư duy, tay nghề khi thực hiện”, chị Vy chia sẻ.

Trong quá trình hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, giảng viên Trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM, cũng chỉ ra việc quản lý thời gian là yếu tố thường bị sinh viên bỏ qua.

“Các bạn thường trễ ‘deadline’ với lý do thiếu cảm hứng sáng tác, làm việc với thái độ ‘nhanh cho qua’ nên không đầu tư vào đồ án. Có những sinh viên rất giỏi kỹ năng nhưng làm việc lại trễ tiến độ dự án, gây ảnh hưởng khâu tiếp theo. Ngoài ra, hạn chế kinh phí cũng là khó khăn mà sinh viên gặp phải khiến đồ án phát triển không tới”, cô Trang nói.

Đồ án là “bộ nhận diện thương hiệu cá nhân” khi tìm việc

Với mong muốn đồ án được tiếp tục phát triển sau khi ra trường, sinh viên thường tìm cách đưa dấu ấn của bản thân vào sản phẩm.

Đang làm đồ án đầu tiên trong chương trình học, Huỳnh Ngọc Phiên, sinh viên ngành kỹ thuật cơ khí Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho biết chỉ tốn khoảng 300.000 đồng cho đồ án này nhưng với đồ án chuyên ngành hoặc đồ án tốt nghiệp thì khối lượng in ấn bản vẽ, mua dụng cụ làm sản phẩm công phu hơn nên chi phí sẽ tăng lên nhiều.

Nếu đồ án có khả năng phát triển trong tương lai thì Ngọc Phiên dự định xin giảng viên tiếp tục hướng dẫn tại phòng lab để hoàn thiện và đưa vào sản xuất. “Bên cạnh đó, tôi sẽ đưa đồ án cho nhà tuyển dụng xem trước để họ đánh giá tay nghề ứng viên có phù hợp với vị trí cần tuyển hay không. Làm đồ án giúp củng cố kiến thức và tăng cơ hội tìm việc nên tôi không đồng tình với việc sinh viên làm với tinh thần đối phó, chống chế để qua môn”, nam sinh viên nhận định.

Sinh viên phải nỗ lực tìm cách đưa dấu ấn của bản thân vào sản phẩm đồ án tốt nghiệp

LÊ DUY LƯỢNG

Với ngành thiết kế thời trang, đồ án thể hiện tư duy sáng tạo và kỹ năng của người thiết kế nên nếu sinh viên “làm đại cho xong” thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều khi tìm việc sau này.

“Sinh viên ngành thiết kế thời trang có thể đưa sản phẩm của mình lên mạng xã hội để nhà tuyển dụng dễ tiếp cận, đây là cách làm phổ biến hiện nay để tăng tính cạnh tranh khi tìm việc”, Ngô Thị Hồng Phương, sinh viên ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM, chia sẻ đồng thời cho biết cô đang làm đồ án môn thiết kế thời trang trẻ em.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Thu Trang khuyên sinh viên nên trau dồi thêm kỹ năng mềm như làm việc nhóm, khả năng diễn thuyết... để giới thiệu về sản phẩm của mình và đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Đừng xa rời thực tế, đừng rập khuôn

Để có những đồ án thật sự chất lượng và có tính ứng dụng cao, sinh viên cần tuân thủ những quy định được yêu cầu trong kế hoạch. Mỗi hội đồng chấm điểm sẽ có cách tính khác nhau do cảm nhận nghệ thuật chủ quan từ người chấm. Vì thế, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang mong sinh viên sáng tạo hết khả năng của mình cho đồ án nhưng đừng xa rời thực tế, hoặc vì muốn điểm cao mà tạo ra những đồ án rập khuôn.

“Sinh viên muốn gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng cần chuẩn bị 1 cuốn portfolio trình bày tốt về bản thân và các dự án, hoạt động đã tham gia để họ có thể đánh giá khả năng sáng tạo và kỹ năng làm việc của ứng viên”, cô Trang đưa lời khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.