Nguy cơ trầm cảm vì áp lực học tập
Trần Minh Triết (20 tuổi), sinh viên ngành y đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng thời gian để có thể học hết lượng kiến thức ở lớp chưa bao giờ đủ. Sau mỗi buổi học, Triết chỉ có thể ngồi vào bàn học để ôn lại bài cũ chứ không dám nghĩ đến những công việc làm thêm. Nếu đã đi làm thêm thì nam sinh viên phải nghĩ đến khả năng đóng tiền học lại. Mức học phí những năm gần đây tăng cao hơn so với trước đó càng khiến Triết nỗ lực nhiều hơn để hạn chế tối đa chuyện nợ môn.
“Năm nay, trung bình 1 môn tôi sẽ đóng hơn 1,6 triệu đồng. Tiền học lại tùy vào số tín chỉ của môn. Học phí năm nay tôi vừa đóng là 24,5 triệu đồng/34 tín chỉ/15 môn. Do đó, nếu rớt môn thì vừa tốn nhiều tiền vừa mất thời gian”, nam sinh viên chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, Hoàng Phúc (20 tuổi), sinh viên ngành Y đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nói thêm, mỗi sinh viên ngành y đều phải học một khối lượng kiến thức khổng lồ, nhất là vào mùa thi. Riêng ngành y có nhiều hình thức thi đặc trưng như chạy trạm, vấn đáp… khiến sinh viên đều rất căng thẳng.
Theo nghiên cứu “Trầm cảm của sinh viên y khoa: Góc nhìn của sinh viên y khoa qua một nghiên cứu định tính” của sinh viên y đa khoa chính quy Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được công bố hồi tháng 5.2022, 49,2% sinh viên có nguy cơ mắc trầm cảm. Trong đó, yếu tố tác động nhiều nhất đến tỷ lệ trầm cảm ở sinh viên ngành y là áp lực từ việc học.
Sinh viên ngành y đối mặt với nguy cơ trầm cảm do chương trình học nặng và áp lực |
CLB Truyền thông Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - PNT ZONE |
Bên cạnh áp lực trong học tập, với Triết và Phúc, việc bạn bè ra trường sớm và đã có công việc ổn định còn bản thân chưa học xong đại học cũng là một phần áp lực đồng trang lứa. Triết cho rằng có những lúc suy nghĩ về tương lai và cũng có lần muốn bỏ cuộc. Vì đặc thù của ngành y là khó có thể nhảy việc so với những ngành khác nếu thấy không hợp. Tuy nhiên, nam sinh viên chưa bao giờ đưa ra quyết định vì đam mê với công việc cứu người.
Còn Phúc thì nghĩ chuyện ra trường trễ cũng không phải vấn đề lớn. Thời gian học tập để rèn luyện bản thân và theo đuổi công việc mình yêu thích với nam sinh này quan trọng hơn chuyện tốt nghiệp sớm hay muộn.
Động lực giúp Hoàng Phúc vượt qua áp lực học tập chính là ước mơ được mặc áo blouse và cứu người |
NVCC |
Sau mỗi lần trải qua áp lực, cả hai nam sinh viên đều coi đó là động lực để phấn đấu, nhìn bạn bè vượt qua được thì mình cũng có thể làm được.
Quan trọng hơn hết, đối với Triết và Phúc, việc được khoác trên mình áo blouse trắng chính là ước mơ từ thuở còn là những học sinh THPT. Do đó, đam mê và sự kiên trì từng ngày chính là cách để họ đối mặt với thử thách và cố gắng đến cùng.
Đích đến cuối cùng vẫn là đam mê
Là một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành y đa khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Lê Thanh Phong (25 tuổi) chia sẻ những người theo đuổi học ngành y phải xác định đó là hành trình “học, học nữa, học mãi”. Tuy nhiên, thời gian học dài hơn so với các ngành nghề khác cũng là một trong những điều khiến sinh viên ngành y dễ chán nản.
Phong kể: “Hai năm trước, các bạn bè thân thiết của mình đã tốt nghiệp và có công việc lo cho bản thân còn mình thì phải học vài năm nữa mới được như vậy. Đôi khi, mình cảm thấy mình đang ‘đứng sau’ so với mọi người”.
Áp lực tạo ra động lực |
nvcc |
Nhưng trải qua quãng thời gian đầu, áp lực lại tạo cho anh động lực. Theo anh, mỗi người đều có một tốc độ khác nhau nên khi gặp áp lực càng lớn thì anh càng không muốn bỏ cuộc. “Miễn mình đi trên con đường đúng đắn thì nhanh hay chậm cũng không sao”, Phong chia sẻ.
Theo anh Phong, áp lực chỉ hiện hữu khi chúng ta không đi đúng hướng mà bản thân mong muốn. Nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy áp lực không nằm ở bản thân, vì học y là một quá trình dài cần phải chấp nhận. Phong cho rằng áp lực giúp mỗi người luôn phải học hỏi và thúc đẩy bản thân tốt hơn.
“Với tôi, việc đối diện với áp lực là một phần mà sinh viên ngành y đều phải trải qua. Mỗi ngày đi thực tập, tôi lại càng nhận ra áp lực đó rõ ràng hơn. Không chỉ là chuyện học nhiều kiến thức chuyên ngành mà còn ở sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân mình nữa. Do đó, đủ đam mê và biết cách chấp nhận bản thân sẽ chậm hơn người khác chính là chìa khoá để tôi đối diện với công việc mà tôi đã lựa chọn”, Lê Thanh Phong chia sẻ.
Là một người yêu trẻ nhỏ, với Phong, việc chăm sóc và nhìn các bé khỏe lên khiến anh càng yêu ngành học của mình hơn. Những khi muốn bỏ cuộc, Phong sẽ vào bệnh viện nhìn các em bé để tự tìm động lực cho bản thân. Phong cũng cho biết thêm định hướng sau khi tốt nghiệp sẽ theo đuổi chuyên khoa nhi.
Nhờ quyết tâm cố gắng đến cùng, Phong đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa ngành nghề yêu thích. Hiện tại, anh làm việc tại một phòng khám quốc tế ở TP.HCM với vai trò là thư ký y khoa trong thời gian chờ đăng ký khóa học chứng chỉ hành nghề kéo dài 18 tháng.
Nói về dự định tương lai, Phong cho biết sau khi học lấy chứng chỉ hành nghề nhi khoa, anh sẽ đi thực tập, tìm việc ở các bệnh viện nhi. Sau đấy, nếu có cơ hội thì anh sẽ học lên cao hơn.
Trong công bố mức thu học phí các hệ đào tạo ĐH và sau ĐH năm học 2022-2023 của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngành có mức học phí cao nhất là răng-hàm-mặt và dược học với mức thu 44 triệu/năm. Tiếp đó là y đa khoa với 42 triệu/năm. Các ngành còn lại có cùng mức học phí là 28 triệu đồng/năm.
Năm học 2022-2023 mức học phí dự kiến Trường ĐH Y dược TP.HCM như sau: 4 ngành học có học phí thấp nhất là phục hình răng, điều dưỡng, kỹ thuật y học, dinh dưỡng, y tế công cộng và cử nhân điều dưỡng hệ liên thông.
Cao nhất vẫn là ngành răng hàm mặt với 77 triệu đồng/năm học, kế đến là y khoa với 74,8 triệu đồng/năm học, dược học là 55 triệu đồng/năm học. Y học dự phòng và y học cổ truyền cùng mức 41,8 triệu đồng/năm học.
Bình luận (0)