Học ngành y tốn tiền tỉ, ra trường lãnh lương vài triệu đồng/tháng: Sinh viên nói gì?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
10/10/2022 12:30 GMT+7

'Quá đúng thực tế', 'quá nghịch lý'... là những lời đồng cảm của bạn đọc Báo Thanh Niên sau khi đọc thông tin về thu nhập của bác sĩ trong bài viết Sinh viên ngành y học tốn tiền tỉ ra trường lãnh lương vài triệu đồng/tháng .

Học phí tăng, lương chẳng thấy tăng!

Báo Thanh Niên đã nhận được hàng trăm ý kiến tương tác của bạn đọc, trong đó có nhiều bác sĩ, về thực trạng thu nhập của bác sĩ mới ra trường chỉ ở mức 3-4 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí đi học 6 năm và 18 tháng thực hành để lấy chứng chỉ hành nghề tốn từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng.

Lựa chọn học ngành y là chấp nhận những vất vả, áp lực của nghề

đ.n.t

Bạn đọc Minh Phương đồng tình: "Bài viết đã phản ánh đúng thực tế. Những người làm trong ngành y là phải có tâm huyết và yêu nghề thì mới trụ được lâu dài, chứ lương thấp hơn hẳn so với các ngành nghề khác".

Bạn đọc có nick "Ba của Alpha" cho rằng nhiều bạn trẻ ban đầu chọn làm bác sĩ vì muốn cứu chữa người bệnh, vì vẻ đẹp của chiếc áo blouse, nhưng sau 6-7 năm học xong đi làm thì lương không đủ nuôi sống gia đình, trong khi áp lực công việc nhiều nên nản. Bạn đọc Ngô Hương nói thực tế cuộc sống phải tốn nhiều chi phí cho bản thân, gia đình, con cái, cha mẹ già nên mức lương bác sĩ như vậy thì không đủ trang trải.

Trịnh Kim Chi, một bạn đọc đang làm trong ngành y, cảm thán: "Lương thử việc 0 đồng. May ra thì có trợ cấp vài trăm ngàn. May nữa thì không bị chửi vì vừa ra trường không có kinh nghiệm. Bởi vậy nghề y giàu lắm, giàu lòng nhân ái đó".

Bạn đọc Bùi Hoàng Dũng cho rằng bài báo đã phản ánh chính xác một nghịch lý, khi ngành y thì mỗi năm đều tăng học phí và gần đây mức học phí cao ngất ngưởng, trong khi ra đi làm thì lương bác sĩ chẳng thấy tăng! Bạn đọc Nguyễn Lài đang làm việc tại Trạm y tế xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cho biết mình đi làm 30 năm mà thu nhập "thua công nhân".

Bạn đọc Trần Chi mong sớm được hỗ trợ để ngành y không mất đi cái đẹp vốn có, để bệnh nhân nghèo được an tâm chữa bệnh!

Thanh xuân là những đêm trực phờ phạc

Có thế nói, không chỉ là một lĩnh vực có chi phí vô cùng tốn kém, mà học làm bác sĩ còn là một trong những ngành vất vả nhất, không phải trong 4 năm, mà là tới 6-7 năm.

Nói về nỗi những năm tháng "dài dằng dặc" này, Nguyễn Tuấn Khải, cựu sinh viên ngành y khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ: "Bạn bè học những ngành khác thấy thoải mái, còn mình thì sáng lên giảng đường, chiều đi thực hành, tối lại vào bệnh viện trực. Liên tục 6 năm trời như thế, sụt mất cả 5-7 kg. Có những hôm rất buồn ngủ nhưng vẫn phải thức trắng đêm".

Khải kể thêm áp lực còn nặng nề hơn khi hầu như tuần nào cũng phải thi. "Đi trực về chỉ muốn nằm vật ra giường nhưng không được vì hôm sau phải thi rồi. Đầu óc sinh viên ngành y tụi mình lúc nào cũng căng như dây đàn", Khải nói.

Giấc ngủ vội của sinh viên ngành y khi đi trực

sinh viên tv

Dương Như Quỳnh, sinh viên năm cuối Trường ĐH Y dược TP.HCM, thì nói đùa: "Thanh xuân của tụi em là những đêm không ngủ phờ phạc vì thức đêm ôn bài, trực bệnh viện. Da mặt con gái mà lúc nào cũng sần sùi, thâm sạm vì thiếu giấc và ăn uống thất thường. Mẹ em rất xót con, nói là sao con không chọn ngành học nào nhẹ nhàng hơn".

Sau khi đọc bài báo, Như Quỳnh cho hay mình đã được "cảnh báo" bởi nhiều anh chị đi trước về mức lương ngành y cùng với những áp lực, căng thẳng của công việc mà lương chỉ vài triệu nên thấy không quá bất ngờ.

"Gần đây em cũng hay tìm hiểu qua báo chí, thấy có chút chạnh lòng. Bác sĩ là nghề nặng nhọc, vất vả, nhiều rủi ro, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, đòi hỏi cả tâm đức, thế nhưng lương không đủ sống. Thu nhập thấp thì bắt buộc các bác sĩ phải tìm cách bươn chải, ra đi làm thêm, nhưng có khi lại bị dư luận lên án, gọi bằng cụm từ "ăn cắp giờ nhà nước", "lén ra ngoài mở phòng khám"... Có nhiều bác sĩ còn bị người nhà bệnh nhân đánh đập ngay tại bệnh viện. Đau lòng lắm!", Như Quỳnh bày tỏ.

Bạn đọc Lê Quang Sáng cho biết mình đang làm tại một bệnh viện công ở Q.5, TP.HCM. "Quá trình học tập ở ĐH vất vả đã đành, tốt nghiệp rồi vẫn còn phải học nữa, đâu phải như nghề khác ra trường là làm việc được ngay. Chúng tôi còn phải học cả đời để nâng cao tay nghề, vì nghề y chỉ cần sai sót về chuyên môn là gây hậu quả khôn lường. Thu nhập của bác sĩ thấp như vậy nhưng không phải ai cũng dám bỏ nghề, vì nghĩ mình đã tiêu tốn bao nhiều tiền bạc của cha mẹ và công sức của bản thân. Hơn nữa, còn yêu nghề, còn tâm huyết với nó thì phải chấp nhận", anh Sáng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.