Thế nhưng, cũng tại TP.HCM, có nhiều nhân viên y tế trẻ trải qua khó khăn trong công việc, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, nhưng họ tâm sự sẽ không bỏ nghề.
Vợ chồng bác sĩ, điều dưỡng ở nhà thuê
Nguyễn Thị Thùy Linh (25 tuổi), điều dưỡng gây mê, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức một bệnh viện (BV) phụ sản lớn ở TP.HCM, đang cách ly điều trị tại nhà vì là F0. Gần 3 tháng đi chống dịch tại BV dã chiến số 16 ở Q.7 (từ ngày 28.7 - 25.10), Linh đều “một vạch”, cho tới gần đây mới phải tạm nghỉ ở nhà vì nhiễm Covid-19, phải dưỡng sức chờ ngày bình phục.
Nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua tại các BV dã chiến |
Ngọc Dương |
Linh cho chúng tôi xem ảnh chụp lòng bàn tay của cô nhăn nheo, xám lại vì cồn trong thời gian chống dịch. Một ngày làm việc 8 tiếng hoặc hơn, ngày nào cũng mặc trang phục bảo hộ y tế PPE 4 - 6 tiếng đồng hồ, lúc nào cũng gần như “tắm” trong cồn, nhìn bàn tay là đủ hiểu Linh và các nhân viên y tế khác đã vất vả như thế nào.
Cô cho hay khi sang nhận nhiệm vụ, BV dã chiến số 16 mới dựng xong, thời tiết nắng nóng gay gắt, mái tôn phả hơi nóng muốn lả người. Nơi làm việc không có máy lạnh, tất cả đội ngũ đều phải động viên nhau, sớm thích ứng với hoàn cảnh. Linh vốn ăn uống khoa học, thường xuyên tập thể dục, có mệt nhưng cô chưa tới mức ngất xỉu. Còn một số nhân viên y tế khác đã kiệt sức và lả đi khi số ca nhiễm đưa vào BV dã chiến tăng dần lên.
“2, 3 tuần đầu tiên, hết ca làm, chúng tôi nghỉ luôn tại BV. Sau đó, mọi người được sắp xếp chỗ nghỉ ở một khách sạn, mỗi ngày đi làm có xe của Phương Trang hỗ trợ miễn phí. Khi ấy mới có những giấc ngủ ngon, lấy lại năng lượng cho nhân viên y tế sau ngày dài vất vả”, Linh kể.
Chồng của Linh, 27 tuổi, là bác sĩ phẫu thuật về tim mạch tại một BV ở TP.Thủ Đức, TP.HCM. Suốt mấy tháng cùng đi chống dịch, hai vợ chồng mỗi người một nơi, không thấy mặt nhau. Song thông qua những cuộc gọi chóng vánh, họ động viên nhau cố lên. TP về bình thường mới trở lại, hai vợ chồng Linh trở về những ngày làm việc, trực đêm ở BV. Họ vẫn ở nhà thuê, sau giờ làm, Linh còn tranh thủ học thêm IELTS tiếng Anh và tiếng Hàn để phát triển bản thân. Linh tâm sự, trải qua những tháng ngày căng thẳng trong đại dịch, cô vỡ ra nhiều điều, cuộc sống thật vô thường, nhà cửa chưa có cũng không sao, vợ chồng cô may mắn đang được làm công việc có ý nghĩa với cuộc đời.
Nữ nhân viên y tế bộc bạch: “Tôi làm việc ở BV phụ sản lớn ở TP.HCM, mỗi ngày chứng kiến những em bé chào đời, được ôm ấp các bé, cho các bé uống sữa, tôi hạnh phúc lắm. Nhất là những người mẹ hiếm muộn, họ từng ngày từng phút ngóng chờ con mình, và em bé đã khỏe mạnh chào đời. Đó là tất cả những gì quý giá trong nghề nghiệp tôi có”.
Linh đi chống dịch ở BV dã chiến |
NVCC |
Covid-19 sáng 5.12: Cả nước 1.294.778 ca nhiễm | Dịch bệnh “leo thang” chóng mặt ở Hà Nội |
Xin thêm tiền gia đình để theo nghề
Lương Long Tường (24 tuổi), vừa tốt nghiệp ngành y đa khoa, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Tường chia sẻ, anh chọn ngành y theo truyền thống gia đình, cùng với việc mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về cơ thể người. Khi là sinh viên, Tường định hướng sẽ theo ngành sản phụ để phát triển sự nghiệp. Song, sau 6 năm học ĐH, Tường vẫn chưa thể đi làm kiếm tiền vì tới đây, anh tiếp tục phải học việc thêm một năm rưỡi ở BV.
Cuộc sống sinh viên ở trọ trước đây đã không dư dả, chi phí sinh hoạt ở TP ngày càng cao, tiếp tục phải xin thêm tiền cha mẹ trong một năm rưỡi nữa để học nghề là nỗi băn khoăn với Tường.
“Đây là một thử thách bản thân với tôi. Dù chưa đi làm, song chúng tôi cũng biết mức thu nhập cho nhân viên y tế mới ra trường khá thấp và áp lực công việc cao. Song, tôi luôn đặt ra mục tiêu với bản thân, phải theo được nghề mình đã chọn”, Tường nói.
Là một bác sĩ mới tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Lương Duy Khải, 25 tuổi, đang trong thời gian học việc tại Khoa Lồng ngực mạch máu, BV Lê Văn Thịnh, TP.Thủ Đức, TP.HCM cũng đang ở nhà trọ và sống với mức hỗ trợ khá thấp. Khải được hỗ trợ tiền ăn, xăng xe và không có lương cơ bản. Mức hỗ trợ như vậy khá khó khăn cho bác sĩ mới ra trường như Khải. Để đủ chi phí ăn ở tại TP, mỗi tháng anh phải xin thêm tiền từ gia đình. Đôi khi Khải chạnh lòng vì nhiều bạn bè các ngành khác ra trường sau 4 năm đã ổn định kinh tế, còn anh phải chật vật với cuộc sống sau 6 năm đi học.
Thời gian dịch bùng phát vừa qua ở TP.HCM, Khải được điều động sang Trung tâm y tế P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức tham gia chống dịch. Đó là một áp lực lớn không chỉ riêng anh mà với đội ngũ nhân viên y tế trẻ. Ít người biết, Khải vừa phải xin thêm tiền gia đình, để trang trải cuộc sống và làm nhiệm vụ.
“Tôi đảm nhiệm việc tư vấn, chăm sóc, thăm khám y tế cho người dân ở phường. Áp lực khá lớn, chúng tôi quản lý trực chiến khoảng 500 hộ gia đình trong phường, mỗi ca trực phải trực điện thoại, tư vấn từ xa. Nhiều đêm còn trực các ca cấp cứu bệnh nhân Covid-19 rất căng thẳng. Đôi khi mình thấy rất mệt, nhưng vì công việc chống dịch không được bỏ”, Khải kể.
Khải chỉ còn hơn một tháng rưỡi nữa sẽ là bác sĩ chính thức của BV. Tuy vậy, theo anh biết, mức thu nhập từ lương bác sĩ mới đi làm cũng khá thấp. Anh cho rằng ngoài chuyện hoàn thành tốt công việc ở BV, mình sẽ làm thêm một số công việc khác, vẫn trong chuyên môn của mình, vừa để học hỏi, phát triển bản thân, vừa để có thêm thu nhập. Bác sĩ trẻ tâm sự:
“Đi qua đại dịch, tôi học hỏi được rất nhiều điều và luôn cảm thấy tự hào vì được làm nghề y”.
Bình luận (0)