Những miền đất huyền sử - Kỳ 4: Thiên Y A Na và tùy tướng Bạch Hổ

11/09/2014 03:00 GMT+7

Điện Trường Bà (thị trấn Trà Xuân, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) thờ chánh thần Thiên Y A Na gắn với nhiều câu chuyện huyền bí.

>> Những miền đất huyền sử - Kỳ 3: Nằm mơ... tìm đất cho làng
>> Những miền đất huyền sử - Kỳ 2: Những hòn đá linh thiêng
>> Những miền đất huyền sử: Truyền thuyết 7 hồ ở Măng Đen

 Những miền đất huyền sử - Kỳ 4: Thiên Y A Na và tùy tướng Bạch Hổ
Cây bồ đề mọc lâu năm trên cổng vào điện Trường Bà - Ảnh: Phạm Anh

Hiển linh hang chùa Đá

Theo ông Châu Đình Hòa, chánh tế điện Trường Bà, thì điện này còn gọi là Mao Đình Nhứt Ốc, dân gian thường gọi là chùa Bà. Ngoài chánh thần Thiên Y A Na, nơi này còn thờ Nam Hải tứ vị Thánh vương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh cùng một số nhân thần khác. Hai bên tả hữu trước điện có thờ Bạch Hổ sơn quân và Chúa quỷ Man vương. Ông Hòa không biết điện Trường Bà có từ thời nào nhưng về Thiên Y A Na thì trước đây vốn ở chùa Đá trên núi Đá Bà, cách điện Trường Bà khoảng 5 km về phía tây.

Chùa Đá thực ra là một hang động khoét sâu trong núi đá có rất nhiều ngách nhưng không ai dám vào sâu bên trong. Quanh ngôi chùa này có rất nhiều cây ăn quả như chanh, quýt, bưởi và rau rừng bốn mùa xanh tốt. Dù có năm hạn hán, cây cỏ chết hết thì cây trên hang đá này vẫn một màu xanh ngắt. “Ai đến hái trái cây của Bà, nếu ăn liền thì được, còn mang về là không bao giờ bước ra khỏi núi này. Có đi một hồi cũng quay về chỗ cũ trước hang chùa. Hồi trước, tôi hái trái cây bỏ túi về cho gia đình cũng bị như vậy”, ông Võ Đình Quang (70 tuổi), thủ tự điện Trường Bà, nói.

Ông Quang kể, hồi trước, do nghi ngờ cách mạng, bộ đội, du kích hoạt động trong hang, máy bay Mỹ đến thả bom, thả bom xăng đốt nhưng chùa Đá vẫn không hề hấn gì. Bom nổ tiếng nhỏ dần rồi im bặt, bom xăng không cháy. Lính Mỹ dùng đại bác nhằm thẳng hang chùa Bà bắn nhưng đạn bay đến đây nổ cái bụp rồi im hẳn, còn nòng đại bác thì toác ra. Cuối cùng, lính Mỹ cũng tìm đến hang chùa Bà lạy xin. Tại hang này, có ông Châu Dung và đệ tử đến tu hành từ trước giải phóng nhưng sau này đi đâu không ai biết. “Tại hang chùa Bà, trước đây mỗi bận cúng Thiên Y A Na ở điện Trường Bà, người ta lại thấy rắn khổng lồ và con rết to như cái bừa bò từ hang này ra. Sau đó thì hiện tượng này không thấy nữa”, ông Quang kể.

 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng VH-TT H.Trà Bồng cho biết: Miền ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến nam Trung bộ, nơi nào cũng có thờ Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc. Thế nhưng tại vùng núi Trà Bồng lại có thờ Thiên Y A Na. Đây là điều hiếm có, nhưng rất đặc sắc và phong phú trong nét văn hóa vùng núi Trà Bồng. Có thể cho rằng, hình tượng này (thể phách là người Chăm) không nhất thiết chỉ có vùng biển mới thờ cúng.

Theo ông Châu Đình Hòa, truyền thuyết dân gian kể lại rằng, khi Thiên Y A Na hiển thánh, thường có quân đi theo. Những đoàn quân này là bầy ong và tùy tướng Bạch Hổ sơn quân giúp bà đánh dẹp giặc. “Bà còn có công kết nối mối quan hệ giữa người miền xuôi và người thượng phía tây Quảng Ngãi, Quảng Nam đến gần nhau hơn, mua bán, đổi chác... Vì vậy mà xuân - thu nhị kỳ hai lần cúng bà Thiên Y A Na tại điện Trường Bà, nhiều đồng bào dân tộc các tỉnh tìm về, trong đó có cả người ở các tỉnh An Giang, Châu Đốc”, ông Hòa cho biết.

Không ai biết chính xác ngai và tượng Thiên Y A Na làm bằng vật liệu gì nhưng rất nặng. Mỗi bận rước Bà ra tắm (dịp cúng lễ nhằm ngày 15 - 17.4 âm lịch hằng năm), phải 4 người khỏe mạnh khiêng mới nổi. “Trước đây có người đến xin chụp hình tượng Bà để về tạc tượng nhưng chúng tôi không đồng ý. Đây là thể duy nhất, không thể có thêm dị bản được”, ông Quang nói. 

Bạch hổ hiện hình

Bên trái điện Trường Bà có am nhỏ thờ Bạch Hổ sơn quân hay “ông hổ đi tu”, vốn là tùy tướng thân cận nhất của Thiên Y A Na. Tương truyền, những khi có giặc đánh tới vùng đất này, quân Bà Thiên Y A Na là bầy ong hàng vạn con từ đâu lũ lượt bay đến tấn công khiến địch nằm la liệt. Sau đó, tùy tướng Bạch Hổ sơn quân xuất hiện đến kết liễu rồi mang đầu giặc treo ở một cây đa trong vùng. Bây giờ, người dân địa phương vẫn gọi cây đa ấy là “cây đa treo đầu giặc”. Khi hết giặc, Bạch Hổ sơn quân vào núi đi tu. Nhớ ơn Bạch Hổ sơn quân, người dân ở Trà Bồng còn lập miếu thờ riêng cách điện Trường Bà chừng 2 km về phía đông.

Vào dịp lễ cúng Thiên Y A Na ở điện Trường Bà, cứ đến khoảng 2 đến 3 giờ sáng, người bản địa làm lễ rước “đàng ngoại”, Chúa quỷ Man vương thì cũng là lúc Bạch Hổ sơn quân xuất hiện. Ông Hòa kể rằng, cứ mỗi lần khấn xin hiện hình là đêm đó Bạch Hổ sẽ xuất hiện. Những ai muốn Bạch Hổ sơn quân hiện hình thì rải cát ở căn nhà phía sau điện thờ. Sáng hôm sau, vào căn nhà này sẽ thấy dấu chân Bạch Hổ to lớn hiện lên theo hướng đi vào đại điện thờ.

Trong sách Đại Nam nhất thống chí quyển III (chép về Quảng Ngãi) của triều Nguyễn, điện Trường Bà là một trong 17 đền, miếu tiêu biểu của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được niên đại xây dựng điện này, bởi các sắc phong bị cháy trong chiến tranh và hạn chế lịch sử một thời đã làm mất đi. Tháng 3.2010, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hơn 2,1 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích điện Trường Bà.

Phạm Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.