‘Những năm 70 cho nhau cái nhà không tiếc, nhưng giá đất tăng nên mới khiếu kiện’

Mai Hà
Mai Hà
03/11/2022 14:40 GMT+7

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng đất đai tăng giá rất nhiều nên người dân khiếu kiện nhiều và không hài lòng.

Sáng 3.11, thảo luận tại tổ về luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết từng là đại biểu Quốc hội khoá 13 đặt nút bấm thông qua luật Đất đai, bà và nhiều đại biểu kỳ cựu khi đó đã cho ý kiến việc thu hồi đất chỉ nên tập trung vào mục đích an ninh quốc phòng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM)

gia hân

“Thực tế đã chứng minh các vụ khiếu kiện, gây mất an ninh cũng từ thu hồi đất mà ra. Chỉ nên ưu tiên trưng dụng với các dự án an ninh quốc phòng cần thiết, còn các dự án thương mại nhà ở xã hội phân loại rất khó, nếu kể ra trong dự luật thì biết bao nhiêu cho vừa”, bà Lan nêu.

Đặc biệt, đại biểu đoàn TP.HCM cũng cho rằng đất đai tăng giá rất nhiều nên người dân khiếu kiện nhiều và không hài lòng. “Những năm 70 trước đây người ta có khi cho nhau cả cái nhà không tiếc. Nhưng vì giá đất tăng cao quá, nhà nước thu hồi với giá thấp nhưng dự án thì giá tăng cao, nên mới có khiếu nại”, bà Lan nói.

Đại biểu này cũng nêu ra quan điểm nhà nước không nên can thiệp vào giá đền bù mà trên nguyên tắc “thuận mua vừa bán”. Doanh nghiệp muốn thu hồi đất để làm các công trình thương mại thì phải thuyết phục được người dân đồng thuận đền bù mới “êm đẹp, không phát sinh tranh chấp”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị sửa đổi lại điều 17 trong dự luật, không thu hồi đất cho các dự án kinh tế xã hội, hoặc thu hồi các dự án lớn phải do Quốc hội, chính phủ phê duyệt thông qua như đường cao tốc, sân bay... Đặc biệt, dù cho thu hồi vẫn phải là giá thị trường, người bị thu hồi phải thoả mãn, tránh phát sinh tiêu cực.

“Dự thảo quy định đền bù để người dân có mức sống cao hơn, nhưng đây chỉ là câu từ trang trí thôi. Nếu tiền đền bù không xứng đáng giá trị miếng đất thì không được, sự thịnh vượng phải chia sẻ trong xã hội, nhất là cho những người đã gắn bó, cha ông họ đã khai phá mảnh đất đó, chứ không phải người ở đâu tới, hay đại gia”, bà Lan nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) cũng cho rằng người dân chấp hành di dời nhà ở “chịu thiệt thòi lắm”

“5 - 10 năm sau họ quay lại sẽ rất tiếc vì không được hưởng lợi ích dự án mang lại. Nơi ở mới làm sao bằng được dự án họ đã di dời, phải chịu thiệt đơn thiệt kép. Đừng nghĩ bằng giá thị trường là đã ổn cho người dân. Đề nghị giá đền bù cao hơn giá thị trường”, bà Yến nêu.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà chia sẻ với các đại biểu bên lề phiên thảo luận lộ

gia hân

'Mất rất nhiều cán bộ vì đất đai'

Trong khi đó, thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, đất đai là vấn đề rất quan trọng. “Chúng ta mất rất nhiều cán bộ vì đất đai. Nhân dân bất an cũng vì đất đai. Kinh tế không phát triển được, điểm nghẽn cũng là đất đai", ông Hoàng nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ băn khoăn về quy định thu hồi đất trong dự thảo luật và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo ông, việc thu hồi đất trên thực tế vừa qua đã gây bức xúc trong người dân liên quan đến vấn đề giá bồi thường.

Ông Trần Hoàng Ngân dẫn chứng một khu đất của người dân quy hoạch làm công viên, thì thu hồi đất, đền bù với giá thấp hơn. Trong khi đó, một khu đất kế bên được quy hoạch sử dụng cho mục đích xây dựng nhà ở thương mại, thì đền bù mức giá cao hơn.

"Hai khu đất gần nhau, nhưng quy hoạch mục đích sử dụng khác nhau, có mức giá đền bù chênh lệch rất lớn, thiệt cho người dân có đất", ông Ngân nói và đề xuất có thể đưa ra một mặt bằng giá để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.