Những nàng Pháp, Canada 'bị điên' lặn lội đến Sài Gòn làm... từ thiện

18/06/2016 09:29 GMT+7

"Nhiều người đã bảo tôi bị điên khi từ Pháp đến Sài Gòn, vượt quãng đường hơn 10.000 km từ những đất nước xa xôi để chăm sóc cho những em nhỏ kém may mắn", Mỹ Linh chia sẻ động cơ làm từ thiện của mình.

Thông qua một số tổ chức phi chính phủ, các tình nguyện viên đã chọn TP.HCM làm điểm đến để làm thiện nguyện trong khoảng một tháng. Với họ, việc chăm sóc những trẻ em không còn khả năng nhận thức là điều vô cùng khó khăn nhưng đó đều là những trải nghiệm khó quên trong hành trình tuổi trẻ của mình.
‘Họ nghĩ tôi bị điên’
Mỹ Linh (20 tuổi) cô gái gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Pháp đã chọn TP.HCM là điểm đến cho lần làm tình nguyện đầu tiên của cuộc đời.
Mỹ Linh tâm sự, trong một lần tìm hiểu thông tin của một tổ chức phi chính phủ tại Pháp, những hình ảnh giới thiệu về các em nhỏ ở chùa Kỳ Quang 2 đã làm cô xúc động, hơn nữa muốn làm việc có ích cho quê hương mình nên cô đã chọn nơi này.
Vượt hơn 10.000 km, Mỹ Linh từ Pháp về Việt Nam để làm thiện nguyện
Vượt hơn 10.000 km, Mỹ Linh từ Pháp về Việt Nam để làm thiện nguyện Ảnh: Vũ Phượng
“Vậy mà khi vừa báo với mọi người thì ai cũng nghĩ là Linh bị điên. Gia đình, bạn bè đều thắc mắc tại sao Linh chỉ có một mình nhưng lại liều lĩnh đến một nơi xa lạ như vậy”, Linh tâm sự.
Thế nhưng sự đồng cảm với những em bé ngay từ những bức ảnh đầu tiên đã thôi thúc Mỹ Linh phải đến chùa Kỳ Quang 2 cho bằng được.
Đến Việt Nam vào những ngày đầu tháng 6, Mỹ Linh bắt đầu ngay với công việc của mình. Mỗi ngày đều đặn Linh chăm sóc và vui chơi cùng những em nhỏ bị bại não.
Linh kể: “Các em ở đây rất cần sự quan tâm, Linh cảm nhận được, chỉ cần âu yếm, vuốt ve là các em thích lắm. Nhiều em tới vòng tay ôm lấy mình, mình ôm lại là các em nhắm nghiền mắt lại, thương lắm”.
Càng tiếp xúc với các em thì Mỹ Linh càng yêu thương các em hơn
Càng tiếp xúc với các em thì Mỹ Linh càng yêu thương các em hơn Ảnh: Vũ Phượng
Linh vừa dứt câu thì một em nhỏ bò từ ngoài sân chơi vào ôm chầm lấy cổ rồi đưa con gấu bông ý rủ Linh chơi cùng. Hai người, một lớn, một bé, không nói với nhau tiếng nào, nhưng tiếng cười và những cái vuốt ve âu yếm như xóa tan khoảng cách.
Dù đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ nhưng những ngày đầu, Mỹ Linh vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi cho các em ăn lại bị các em hất thức ăn vào quần áo, thậm chí các em còn cào xé và cắn vào tay Linh.
Tuy nhiên, nhìn vào ánh mắt của các em khi đó, Linh nói Linh rất hiểu, những lần như vậy là do các em đang bị những cơn đau thể xác dày vò, bứt rứt trong người.
Chăm sóc các em với Linh đó là hạnh phúc
Chăm sóc các em với Linh đó là hạnh phúc Ảnh: Vũ Phượng
Nhìn các em cười khi chơi cùng mình mà lòng mình cũng ấm lắm, có một sự rung động rất khó nói. Đây chắc chắn sẽ là những trải nghiệm không bao giờ quên, không chỉ chăm sóc các em mà còn là những bài học trong cuộc sống này 
Nàng Lila, người Canada chia sẻ
Linh chia sẻ: “Càng gắn bó với các em thì càng thấy thương hơn, đã thiệt thòi về thể xác lại không có tình yêu thương, sự chăm sóc của những người sinh ra. Mỗi ngày chăm sóc các em là sợi dây liên kết gắn bó với mình càng gần gũi hơn. Hết thời gian thiện nguyện trở về nước chắc chắn Linh sẽ nhớ các em rất nhiều và sẽ quay lại thăm”.
Từng muốn bỏ về nước
Khác với Mỹ Linh, Lila Lamonde-Forgues (23 tuổi, người Canada) vì quá sốc khi lần đầu tiên nhìn thấy những em nhỏ như vậy nên đã bật khóc và muốn bỏ về nước sau hai ngày chăm sóc các em.
Lila kể, mặc dù đã tìm hiểu trước nhưng vẫn rất ngỡ ngàng khi gặp các em, ở đất nước của mình Lila chưa bao giờ thấy nhiều em có khiếm khuyết đến vậy. Lila cũng cho biết trước khi đến Việt Nam làm thiện nguyện, Lila cũng thường xuyên ghé đến trò chuyện với những người già ở viện dưỡng lão gần nhà.
Lần đầu gặp các em, Lila đã bị sốc
Lần đầu gặp các em, Lila đã bị sốc Ảnh: Vũ Phượng
Những ngày đầu chăm sóc và chơi cùng các em với Lila là một thử thách khó khăn, bối rối, hoang mang, xúc động, tất cả trộn lẫn với nhau thành một cảm xúc khó tả. Lila phải nhìn những tình nguyện viên xung quanh, xem họ làm gì để theo.
“Nhìn các em cười khi chơi cùng mình mà lòng mình cũng ấm lắm, có một sự rung động rất khó nói. Đây chắc chắn sẽ là những trải nghiệm không bao giờ quên, không chỉ chăm sóc các em mà còn là những bài học trong cuộc sống này”, Lila bộc bạch.
Nhiều tình nguyện viên nước ngoài đến Việt Nam để làm tình nguyện
Nhiều tình nguyện viên nước ngoài đến Việt Nam để làm tình nguyện Ảnh: Vũ Phượng
Ngoài Mỹ Linh, Lila, tại chùa Kỳ Quang 2 còn rất nhiều tình nguyện viên người Australia cũng tỉ mỉ thay tã cho các em và phụ giúp các mẹ ở đây tập vật lý trị liệu cho những em không có khả năng di chuyển.
Thầy Thích Thiện Chiếu (trụ trì chùa Kỳ Quang 2) xúc động: “Những người nước ngoài này có tấm lòng lắm, hết đoàn này đến đoàn khác, tất cả đều chăm sóc các em từ chi tiết nhỏ nhất, phải yêu thương các em lắm mới có thể làm như vậy được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.