NHÓM NGÀNH KINH DOANH, QUẢN LÝ, CNTT TIẾP TỤC THU HÚT
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: "Trong quá trình tham gia tư vấn cho thí sinh (TS), tôi nhận thấy vẫn có nhiều học sinh chọn ngành theo xu hướng ngành "hot" và cho rằng tốt nghiệp ngành "hot" sẽ dễ kiếm việc làm, trong đó tập trung khá nhiều vào nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT), kinh doanh và quản lý. Tuy nhiên, đa phần các TS đã có ý thức hơn các năm trước trong quá trình chọn ngành. Các em cũng đã quan tâm nhiều hơn đến các ngành trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật. Bên cạnh đó, một trong những điều các em quan tâm nhiều là vấn đề việc làm sau tốt nghiệp và sự tác động của trí tuệ nhân tạo đến việc làm".
Tại Trường ĐH Công thương TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, cho biết TS hỏi nhiều và lựa chọn nhóm ngành kinh tế, CNTT, ngôn ngữ. "Xu thế của đất nước ta và thế giới đang hướng tới kinh tế số nên các em chọn nhóm ngành này là đương nhiên. Tuy nhiên, nhóm ngành mà cơ hội việc làm cao nhất sau khi tốt nghiệp lại là nhóm ngành về cơ khí, điện tử, kỹ thuật nhiệt", tiến sĩ Khả thông tin.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng cho biết khối ngành kinh doanh và quản lý không "nóng" như trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch... thời điểm hiện tại, nhưng là khối ngành phổ biến và nhu cầu tuyển dụng cao nên TS vẫn tập trung nộp hồ sơ nhiều nhất. "Ngoài ra, thời gian qua tại Trường ĐH Duy Tân, một số ngành mới gắn xu hướng có tỷ lệ TS nộp vào nhiều là khối ngành sức khỏe, máy tính và CNTT, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, khoa học dữ liệu", tiến sĩ Hải chia sẻ.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho hay trường có 12 ngành thuộc khối kinh tế, kinh doanh thì tài chính ngân hàng và CNTT đi sâu vào ứng dụng công nghệ trong mảng kinh doanh tài chính vẫn luôn có độ "hot" do chúng vẫn giữ nguyên sức nóng đối với thị trường lao động. Vì thế, điểm chuẩn đều từ 24 - 25 điểm với phương thức xét điểm thi THPT.
Tại Trường ĐH Gia Định, sau 2 đợt xét tuyển học bạ, ngành CNTT, quản trị kinh doanh, marketing là 3 ngành có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều nhất trong 53 ngành/chuyên ngành đào tạo. Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của trường, chia sẻ: "Mức điểm chuẩn đợt 2 của 3 ngành này tăng 1 điểm so với đợt 1, do số lượng hồ sơ tăng gấp 1,65 lần".
Thí sinh yêu thích những ngành học nào?
QUAN TÂM TỚI NHỮNG NGÀNH MỚI NỔI
Theo đại diện các trường ĐH, trong vài năm trở lại đây, những ngành học liên quan đến truyền thông có sức hút lớn với TS bên cạnh khối ngành kinh doanh quản lý và CNTT.
Sau đợt nhận hồ sơ học bạ đầu tiên với hơn 4.000 hồ sơ và hàng chục ngàn nguyện vọng, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin: "Có những ngành được TS quan tâm, đăng ký qua những năm gần đây như truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, marketing, digital marketing, thiết kế đồ họa, CNTT, quản trị kinh doanh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, tài chính ngân hàng, công nghệ kỹ thuật ô tô, quản trị khách sạn, ngôn ngữ Anh". Bên cạnh đó, các ngành học mới của trường như kinh tế số, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thẩm mỹ, công nghệ tài chính cũng nhận được số lượng đăng ký nguyện vọng khá đáng kể so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Tại Trường ĐH Văn Lang, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng, thông tin các ngành truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, marketing, CNTT, thiết kế đồ họa thu hút lượng TS nộp hồ sơ học bạ đợt 1 nhiều nhất. Được biết, đợt 1 trường nhận được hơn 10.000 hồ sơ cho 60 ngành học thì truyền thông đa phương tiện dẫn đầu với tỷ lệ 16%, tiếp đến là quan hệ công chúng.
Tiến sĩ Tuấn lý giải: "Truyền thông, nhất là truyền thông số là một phần quan trọng để các doanh nghiệp truyền tải thông điệp đến khách hàng, tạo nên hình ảnh ấn tượng và thương hiệu trong thời đại 4.0 đang phát triển mạnh mẽ và mọi thứ đều phải nhanh chóng, ấn tượng bằng nội dung, hình ảnh, âm thanh, video…".
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cũng cho rằng hiện nay mọi doanh nghiệp đều cần đến những phương thức, ấn phẩm quảng cáo hiện đại, đẹp mắt, độc đáo, thích ứng với xu hướng chuyển đổi số để phục vụ các hoạt động truyền thông - quảng cáo trong xu hướng tiếp nhận thông tin mới, do đó những ngành như truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, digital marketing, thiết kế đồ họa là rất cần thiết.
"Tương tự, bên cạnh CNTT thì công nghệ tài chính, kinh tế số cũng là những ngành thuộc lĩnh vực "xương sống" trong kỷ nguyên số hay có sự tích hợp giữa công nghệ và các lĩnh vực khác, mang đến nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Đây cũng là những ngành đáp ứng nguyện vọng phát triển nghề nghiệp của gen Z năng động, sáng tạo - thế hệ trẻ trưởng thành trong thời đại bùng nổ công nghệ và mạng xã hội đại chúng, "sống" cùng công nghệ và ứng dụng công nghệ mỗi ngày", thạc sĩ Dung nêu quan điểm.
Những yếu tố không thể bỏ qua khi chọn ngành
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả cho rằng TS chọn ngành học "hot", ngành mới hay ngành truyền thống..., thì luôn phải căn cứ vào các yếu tố như sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế hay vị trí địa lý. "Ví dụ TS thích ngành trí tuệ nhân tạo hay các ngành kỹ thuật thì giỏi toán, thích học ngành sức khỏe thì phải giỏi môn sinh", tiến sĩ Khả cho hay.
Tiến sĩ nguyễn Văn Thụy thì khuyên TS nên xây dựng chiến lược để xác định vị trí công việc mà mình muốn làm trong tương lai, từ đó chọn ngành học nào có thể đáp ứng được vị trí công việc đó.
Bình luận (0)