Khối ngành xã hội nhân văn có những ngành học nào 'hot'?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/04/2024 15:40 GMT+7

Đăng ký xét tuyển các ngành thuộc khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm thì tỷ lệ chọi có cao, việc thực tập và cơ hội việc làm của sinh viên nhóm ngành này ra sao...

Phần 2 chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Chọn ngành học cho tương lai với chủ đề: Nhu cầu nhân lực khối ngành xã hội nhân vănsư phạm” của Báo Thanh Niên diễn ra vào lúc 15 giờ 45, sẽ tiếp tục cung cấp nhiều thông tin hữu ích và giải đáp nhiều băn khoăn cho thí sinh quan tâm tới lĩnh vực này.

Chương trình được phát trực tuyến tại các nền tảng: website thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, kênh của Báo Thanh Niên trên YouTube và TikTok.

Khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm tuy không sôi động và phát triển mạnh mẽ như các ngành kinh tế, công nghệ thông tin, công nghệ nhưng luôn đóng một vai trò quan trọng và không thể thiếu nếu xã hội muốn phát triển bền vững.

Tại chương trình, đại diện các trường ĐH sẽ thông tin về nhu cầu thí sinh học các ngành xã hội nhân văn và sư phạm hiện nay ra sao, trong đó có những ngành nào còn ít người quan tâm và ngành nào đang thu hút; chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh có khác với các nhóm ngành kinh tế, công nghệ...?

Bên cạnh đó, khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm có đặc thù riêng, vậy người học cần những tố chất nào để có thể học tốt những ngành học này?

Ngoài ra, hiện nay, nhiều trường ĐH công bố danh sách trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ và tiếp tục nhận hồ sơ, trong đó có hồ sơ xét điểm thi đánh giá năng lực… Trong thời điểm này, cùng với việc tập trung ôn luyện cho các kỳ thi, việc lựa chọn ngành học, trường học phù hợp để xét tuyển sớm cũng rất được quan tâm.

Đại diện các trường cũng sẽ chia sẻ thông tin về cơ hội thực tập cũng như việc làm sau khi tốt nghiệp của khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm.

Khối ngành xã hội nhân văn có những ngành học nào 'hot'?- Ảnh 1.

Các khách mời tham gia phần 2 của chương trình tư vấn

LÊ THANH HẢI

Trong khi chương trình diễn ra, phụ huynh và thí sinh có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên của Báo Thanh Niên để được giải đáp.

Tham gia chương trình có các khách mời:

  • NCS-Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó trưởng bộ môn xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM
Khối ngành xã hội nhân văn có những ngành học nào 'hot'?- Ảnh 2.

NCS-Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, khối ngành khoa học xã hội nhân văn và sư phạm là trụ cột trong bất kỳ hệ thống đào tạo của quốc gia nào. Năm 2023, Bộ GD-ĐT thống kê có 25 lĩnh vực có số lượng người theo học nhiều nhất, trong đó các ngành nhân văn ở vị trí 4, khoa học xã hội hành vi vị trí số 6 và giáo dục sư phạm vị trí số 8. Điều đó cho thấy nhu cầu xã hội và đóng góp của nhóm ngành này trong hệ thống giáo dục. Khoa học xã hội nhân văn giúp chúng ta giải thích và hiểu về các vấn đề đang diễn ra trong xã hội, đưa ra các quyết định liên quan đến hành chính và quản trị và hiểu về con người,văn hóa, xã hội của một quốc gia, tiệm cận, gia nhập để trở thành công dân toàn cầu. Trường ĐH Mở TP.HCM tuyển 5.300 chỉ tiêu năm 2024. Ngành khoa học xã hội tại trường có nhóm ngành về kinh tế, quản trị kinh doanh, nhóm ngành về luật, ngôn ngữ xã hội học, tâm lý học, Đông Nam Á học...

Xã hội học và tâm lý học: Ngành nào có nhu cầu tuyển dụng cao hơn? 

Bạn đọc thắc mắc: “Trong hai ngành xã hội học và tâm lý học thì ngành nào có nhu cầu tuyển dụng cao hơn? Hai ngành này có điểm chung gì hay không và điểm chuẩn dự kiến năm nay theo các phương thức là bao nhiêu?”.

Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân tư vấn, mỗi ngành học có lý thuyết riêng và đối tượng riêng, cả 2 ngành đều có thế mạnh. Điểm chung là đều tập trung vào con người và các vấn đề xã hội, cùng giải thích hành động của cá nhân trong bối cảnh xã hội rộng lớn… Ngành xã hội học các bạn làm liên quan đến nhân sự, tổ chức, doanh nghiệp, dự án phát triển. Ngành tâm lý học cũng có nhiều công việc khác nhau như tham vấn tâm lý trong trường học, bộ phận nhân sự tại các doanh nghiệp... Theo thạc sĩ Quân, khi chọn ngành học, các bạn đừng quá lo lắng ngành nào hơn ngành nào mà cần xem thế mạnh của mình là gì. Tại trường ĐH Mở TP.HCM, ngành tâm lý học điểm trúng tuyển học bạ là 26,75 điểm, điểm thi tốt nghiệp THPT là 24,5 điểm, ngành xã hội học điểm chuẩn học bạ là 23,5 điểm, điểm thi là 24,1 điểm.

Theo NCS-Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Trường ĐH Mở hàng năm tổ chức khảo sát doanh nghiệp. Năm 2023, tỷ lệ sinh viên khối ngành xã hội tốt nghiệp có việc làm là 88,2%. Sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các ủy ban, bộ, ban ngành doanh nghiệp ở nhiều vị trí khác nhau như: chuyên viên lập kế hoạch, chuyên viên tổ chức, mảng nhân sự, khảo sát thị trường...; giảng dạy và nghiên cứu ở các trường, viện nghiên cứu; làm việc ở các dự án liên quan về phát triển, bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em...

  • Thạc sĩ Cao Thị Thùy Trang, chuyên gia tâm lý, giảng viên ngành tâm lý Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn
Khối ngành xã hội nhân văn có những ngành học nào 'hot'?- Ảnh 3.

Thạc sĩ Cao Thị Thùy Trang cho hay nhà trường rất quan tâm nhóm ngành này bên cạnh nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật. Ngành ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Trung Quốc học... đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Bên cạnh đó là ngành tâm lý học. Năm nay trường mở thêm 2 ngành mới thuộc nhóm này là truyền thông đa phương tiện và quan hệ công chúng.

Bạn học hỏi: “Em mới nghe đến tên ngành công nghệ giáo dục mà không biết ngành này đào tạo những gì, có phải ra trường sẽ làm việc trong môi trường sư phạm hay không? Ngành mới mẻ như vậy thì việc làm sẽ ra sao?”.

Thạc sĩ Cao Thị Thùy Trang gọi đây là ngành mới và rất "hot". “Ngành này trang bị kiến thức về việc ứng dụng công nghệ vào trong giáo dục. Một trong những ứng dụng đó có thể kể đến học trực tuyến, các phương pháp kết hợp giáo dục và công nghệ để tiết kiệm thời gian, hiệu quả hơn. Chúng ta ngồi ở Việt Nam có thể học các chương trình ở nước ngoài. Học xong các em có thể xây dựng các phần mềm phục vụ giáo dục, thiết kế các chương trình giảng dạy mới... Doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn cho các ứng viên giỏi công nghệ mà muốn làm việc trong môi trường giáo dục”, thạc sĩ Trang chia sẻ

  • Tiến sĩ Tô Minh Tùng, Phó trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
Khối ngành xã hội nhân văn có những ngành học nào 'hot'?- Ảnh 4.

Bạn đọc đặt câu hỏi: “Định hướng dạy ngoại ngữ thì nên chọn ngành sư phạm hay ngoại ngữ?". Tiến sĩ Tô Minh Tùng cho biết: “Nếu các bạn chọn học sư phạm thì sẽ được miễn học phí và nhận thêm sinh hoạt phí. Một xã hội không biên giới, giao lưu quốc tế thì ngôn ngữ là một thế mạnh. Nếu chọn ngành ngôn ngữ sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau, các bạn có thể đi dạy, làm hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch, làm việc trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, giao lưu văn hóa... Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đào tạo 4 ngành ngôn ngữ Anh, Nhật, Hàn, Trung định hướng về du lịch hoặc biên phiên dịch...".

Bạn đọc hỏi: "Việc chọn học đại học chuyên ngành ngôn ngữ sẽ có những giá trị gì, và có gì khác biệt so với việc học ngoại ngữ tại các trung tâm đào tạo?". 

Tiến sĩ Tô Minh Tùng giải đáp, học ngoại ngữ ở bậc ĐH sẽ có lộ trình được thông qua kiểm định, trường cam kết chất lượng đầu ra. Còn học ở trung tâm sẽ có hạn chế hơn là khó theo một lộ trình nhất định. Bên cạnh đó, khi học ngoại ngữ ở trường ĐH, các bạn sẽ được giảng viên trình độ thạc sĩ trở lên giảng dạy và thực tập để tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm hơn. Nếu ngoại ngữ được chọn là chuyên ngành chính ở bậc ĐH thì đó chính nền tảng để tiếp cận rất nhiều ngành nghề. Ví dụ học ngôn ngữ Hàn có bằng cử nhân các em có thể đi làm ở ngân hàng, làm biên phiên dịch, làm nhân viên tại các cơ quan chính phủ, tại các doanh nghiệp...

Thời điểm này thí sinh đang cân nhắc chọn ngành để nộp hồ sơ xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm

Thời điểm này thí sinh đang cân nhắc chọn ngành để nộp hồ sơ xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm

MỸ QUYÊN

Bạn đọc thắc mắc: “Xét tuyển ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Hàn, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung có yêu cầu ngoại ngữ đầu vào hay không? Ngành này có cần tố chất đặc biệt gì không, và các ngành ngôn ngữ có phải đã bão hòa?”. Tiến sĩ Tô Minh Tùng giải đáp, hầu như các trường ĐH trong đó có ĐH Quốc tế Hồng Bàng đang nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Đầu vào không yêu cầu các em phải biết tiếng Nhật hay Hàn nhưng có chuẩn đầu ra. 

Để thành công khi chọn khối ngành xã hội

Để thành công trong khối ngành này, theo NCS-Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân, các bạn phải thực sự say mê với ngành nghề đã chọn, có năng lực làm việc với con người, có bầu nhiệt huyết tham gia kết nối, có óc tò mò đặt ra các câu hỏi tại sao để dẫn dắt tìm hiểu, giải thích, giải quyết vấn đề. Chúng ta đang sống trong một thế giới đa dạng, nếu các bạn có năng lực ngoại ngữ thì sẽ gia tăng sức mạnh cạnh tranh của quốc gia trên thị trường quốc tế.

Thạc sĩ Cao Thị Thùy Trang chia sẻ: "Chọn ngành xã hội nhân văn, các bạn phải xác định khó khăn, thuận lợi khi làm việc với con người vì nhiều bạn chỉ thích làm việc với máy móc. Các bạn cần có kỹ năng giao tiếp tốt và khả năng linh hoạt để đạt được hiệu quả trong các mối quan hệ xã hội, biết xử lý tình huống... Dù lựa chọn khối ngành nào, các bạn cần phải xem mình có phù hợp hay không, có đủ năng lực hay không".

Bạn đọc có thể nhấn vào ĐÂY để xem lại nội dung phần 1 chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Chọn ngành học cho tương lai với chủ đề: Nhu cầu nhân lực khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.