Những ngày khói lửa của Falkland/Malvinas

11/03/2013 04:00 GMT+7

Hơn 30 năm sau cuộc chiến tại quần đảo Falkland/Malvinas, căng thẳng giữa Anh và Argentina càng dâng cao vì cuộc trưng cầu tại đây.

Trong ngày 10 và 11.3, gần 1.700 cử tri ở Falkland/Malvinas tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc quần đảo này “có nên tiếp tục là lãnh thổ hải ngoại của Anh hay không?”. Tuy đến rạng sáng 12.3 kết quả chính thức mới được công bố, nhưng không khó để dự đoán lựa chọn của cử tri. Theo tờ Le Figaro, do 90% trong số hơn 3.000 dân quần đảo này mang dòng máu Anh nên lâu nay họ kịch liệt phản đối việc Argentina đòi chủ quyền hòn đảo. Vì vậy, cuộc bỏ phiếu do chính quyền địa phương tổ chức được sự ủng hộ rất nhiệt tình của London. AFP dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh tự tin tuyên bố: “Người dân Falkland có quyền quyết định tương lai của mình. Chúng tôi hy vọng kết quả sẽ chứng tỏ họ ủng hộ ai”.

Ngược lại, Argentina tuyên bố không công nhận cuộc trưng cầu và khẳng định kết quả thế nào cũng không giải quyết được tranh chấp chủ quyền ở Falkland/Malvinas. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Argentina Daniel Filmus mỉa mai: “Hỏi người gốc Anh xem họ có muốn tiếp tục là người Anh hay không là hành động tự mãn”.

 
Tàu chiến Anh HMS Atelope trúng bom của Argentina trong cuộc chiến 1982  - Ảnh: Navyphotos.co.uk

74 ngày đụng độ

Falkland/Malvinas nằm ở nam Đại Tây Dương, cách Argentina hơn 400 km và cách Anh khoảng 12.700 km. Theo chính quyền Buenos Aires, quần đảo được nhà thám hiểm Ferdinand Magellan phát hiện năm 1520 và sau đó do Tây Ban Nha kiểm soát. Sau khi độc lập với Tây Ban Nha vào năm 1916, Argentina tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Nhưng từ năm 1833, Anh đã chiếm Falkland/Malvinas từ tay Tây Ban Nha và xem đây là lãnh thổ hải ngoại.

Theo AFP, căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào năm 1982 khi cả chính phủ Anh lẫn Argentina đều gặp nhiều khó khăn và cần “đánh lạc hướng dư luận trong nước”. Ngày 2.4.1982, Argentina bất ngờ tấn công và nhanh chóng chiếm được Port Stanley, thủ phủ của Falkland/Malvinas. Khi đó, lực lượng hai bên khá chênh lệch khi Argentina có 600 binh sĩ trong khi phía Anh chỉ có 57 lính thủy đánh bộ, 11 thủy thủ, 20-40 lính thuộc Đội Phòng vệ Falkland và một số người dân tình nguyện. Toàn quyền của London là Sir Rex Hunt bị trục xuất sang Uruguay.

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Anh Magaret Thatcher lập tức chứng tỏ vì sao mình được gọi là “Bà đầm thép”. Để tránh một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ, bà ra lệnh điều động 28.000 binh sĩ cùng tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục và máy bay chiến đấu thẳng tiến Falkland/Malvinas. Bị bất ngờ vì vẫn luôn cho rằng London sẽ không phản ứng mạnh, chính quyền Argentina chỉ kịp triển khai khoảng 10.000 lính để đối địch. Đụng độ diễn ra dữ dội trên bộ, trên biển lẫn trên không và đến ngày 14.6.1982, Argentina phải rút quân. Cuộc chiến đã làm 649 binh sĩ Argentina thiệt mạng, 1.068 người bị thương, thiệt hại nhiều tàu chiến và máy bay. Phía Anh có 258 người chết và 775 người bị thương, mất ít tàu chiến và máy bay hơn nhưng trong đó có 2 tàu khu trục.

Ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, Anh xây căn cứ Mount Pleasant, cách Port Stanley chỉ hơn 50 km và thường xuyên có khoảng 1.500 binh sĩ đóng tại đây. Ngoài ra, London không ngừng tăng cường đầu tư trang thiết bị quân sự và điều tàu ngầm hạt nhân tuần tra gần Falkland/Malvinas. Những động thái này khiến Argentina nhiều lần cáo buộc Anh muốn “quân sự hóa” nam Đại Tây Dương.

Đổ dầu vào lửa

Đến nay, 2 nước vẫn liên tục chỉ trích nhau về vấn đề chủ quyền, đặc biệt từ năm 2010, khi các công ty dầu khí Anh tăng cường thăm dò dầu khí tại vùng biển ngoài khơi Falkland/Malvinas. Thật ra, từ năm 1998, người ta đã xác nhận xung quanh quần đảo có dầu, theo AFP. Thời điểm ấy, giá dầu thô còn thấp nên chưa thu hút được các nhà đầu tư. Nhưng cơn sốt dầu hỏa những năm gần đây đã khiến vùng biển quanh Falkland/Malvinas trở thành “mỏ vàng” đầy tiềm năng. Các chuyên gia ước tính trữ lượng dầu hỏa tại đây lên đến hơn 8 tỉ thùng và hiện có 5 công ty của Anh bắt tay vào thăm dò và khai thác.

Trong đó, 2 dự án nổi bật nhất là Sea Lion của Hãng Rockhopper và Darwin của Hãng Borders & Southern. Hãng Rockhopper dự tính bắt đầu khai thác từ năm 2017 và đạt năng suất 30.000 thùng dầu/ngày từ năm 2019. Dĩ nhiên, Argentina “đứng ngồi không yên” và nhiều lần cảnh báo sẽ xử phạt những công ty “khai thác trái phép”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Falkland/Malvinas trưng cầu dân ý đầu năm tới
>> 30 năm cuộc chiến Falkland/Malvinas
>> Tranh chấp Falkland/Malvinas tăng nhiệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.