Những 'ngày phán xét' gay cấn nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ

06/01/2021 19:00 GMT+7

Tranh chấp về kết quả trong bầu cử tổng thống Mỹ từng dẫn đến những phiên tranh cãi gay gắt khi quốc hội nhóm họp để đếm phiếu đại cử tri ngày 6.1.

Từ "thủ tục" thành "quyết định"

Ngày 6.1.2021, dưới sự chủ trì của Chủ tịch thượng viện Mỹ - Phó tổng thống Mike Pence, quốc hội sẽ họp mặt để đếm phiếu đại cử tri. Phó tổng thống sẽ mở phong bì chứa kết quả bỏ phiếu đại cử tri của từng bang và giao cho người kiểm phiếu để đọc to kết quả và kiểm đếm, theo đài NPR.
Nếu không bị phản đối, việc này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi kết quả của toàn bộ 50 tiểu bang và quận Columbia được đếm. Tuy nhiên, phiên họp năm nay bị cho là có thể nảy sinh những diễn biến căng thẳng mang tính quyết định đến kết quả khi nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối kết quả tại một số bang với cáo buộc bất thường trong bầu cử.

8 khoảnh khắc phát biểu chấp nhận thất cử đáng nhớ

Năm 1877, do tranh chấp phiếu đại cử tri tại 4 bang Florida, Louisiana, Nam Carolina và Oregon, cả hai ứng viên Rutherford Hayes của đảng Cộng hòa và Samuel Tilden của đảng Dân chủ đều không giành đủ số phiếu đại cử tri. Tranh chấp tại quốc hội cuối cùng dẫn đến việc thành lập một ủy ban bầu cử gồm các nghị sĩ và thẩm phán tối cao. Sau nhiều tuần điều trần và tranh luận, ủy ban tuyên bố chiến thắng cho ông Hayes.
Tuy nhiên, để có được chiến thắng này, ông Hayes đồng ý rút binh lính liên bang ra khỏi các bang từng thuộc liên minh ly khai ở miền Nam, nhường quyền kiểm soát các bang này cho đảng Dân chủ.
Đến năm 1887, để tránh trường hợp như trước đó 10 năm, quốc hội thông qua Đạo luật Kiểm phiếu đại cử tri. Đạo luật quy định các bang tự giải quyết các vấn đề liên quan đến đại cử tri đoàn như việc chọn đại cử tri, quy định ràng buộc họ phải bỏ phiếu cho ứng viên đã cam kết. Khi kết quả được đưa đến quốc hội, thành viên quốc hội có quyền phản đối nếu thấy có bất thường. Việc phản đối phải do ít nhất 1 hạ nghị sĩ và 1 thượng nghị sĩ đề đạt.

Đại cử tri bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden

Thông thường, quá trình đếm phiếu vào ngày 6.1 chỉ được coi là "thủ tục" và hoàn tất trong chưa đầy 30 phút nếu không có nghị sĩ phản đối. Trước đây, nhiều vị phó tổng thống thậm chí còn không tham dự phiên đếm phiếu này mà giao lại cho Chủ tịch Thượng viện tạm quyền, như trường hợp của Phó tổng thống Hubert Humphrey vào năm 1969.
Tuy nhiên, cũng từng có những kỳ bầu cử Mỹ mà việc đếm phiếu đại cử tri tại quốc hội nảy sinh tranh cãi và phải áp dụng đến Đạo luật Kiểm phiếu đại cử tri 1887.

Đại cử tri tại bang Arizona ký vào lá phiếu vào hôm 14.12.2020

Reuters

Những lần phản đối quyết liệt

Điển hình là cuộc bầu cử năm 1969 giữa ứng viên đảng Cộng hòa Richard Nixon và Phó tổng thống đảng Dân chủ Hubert Humphrey cùng ứng viên độc lập, Thống đốc bang Alabama George Wallace. Một đại cử tri tại bang Bắc Carolina tên Lloyd Bailey khi đó đã đổi ý, bỏ phiếu cho ông Wallace thay vì đáng ra phải bầu cho ông Nixon.
Hạ nghị sĩ James O’Hara và thượng nghị sĩ Edmund Muskie phản đối kết quả tại Bắc Carolina nhưng sau khi nhóm họp, hạ viện và thượng viện lần lượt bỏ phiếu bác bỏ sự phản đối của hai nghị sĩ và giữ nguyên kết quả của Bắc Carolina.
Theo website hạ viện Mỹ, hai nghị sĩ muốn quốc hội loại lá phiếu của ông Bailey nhằm ngăn ngừa những trường hợp đổi ý tương tự trong tương lai, đảm bảo tính toàn vẹn bầu cử. Trong khi đó, hành động của ông Bailey được cho là không vi hiến, không vi phạm luật của Bắc Carolina và cũng không xoay chuyển kết quả bầu cử.

Thượng nghị sĩ Barbara Boxer và hạ nghị sĩ Stephanie Tubbs Jones trong vụ phản đối năm 2005

Reuters

Đại cử tri này nói không bầu cho ông Nixon vì đa số người dân tại khu vực do ông đại diện bỏ phiếu cho ông Wallace, và ông tin rằng hệ thống bỏ phiếu đại cử tri đại diện cho sự công bằng, đảm bảo ý kiến của những nhóm thiểu số vẫn được lắng nghe. Đó là lần đầu tiên kết quả bỏ phiếu đại cử tri của một tiểu bang bị phản đối theo đạo luật năm 1887, theo Fox News.
Lần phản đối thứ 2 xảy ra vào ngày 6.1.2005, khi quốc hội đếm phiếu đại cử tri để công nhận việc tái đắc cử của Tổng thống George W. Bush. Hạ nghị sĩ Stephanie Tubbs Jones của bang Ohio phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại bang nhà vì cho rằng có nhiều điều bất thường trong bầu cử, đặc biệt là việc thiếu điểm bỏ phiếu tại các khu dân cư thu nhập thấp và khu người Mỹ gốc Phi.

Nhìn lại những tổng thống từng rời Nhà Trắng sau một nhiệm kỳ

Thượng nghị sĩ Barbara Boxer cũng tham gia vụ phản đối này. Vụ việc được coi là có tính quan trọng vì nếu thiếu số phiếu tại Ohio, ông Bush sẽ không đủ 270 phiếu để thắng. Tuy nhiên, sau 2 giờ bàn bạc, hạ viện và thượng viện bỏ phiếu riêng để chấp nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại Ohio và bác bỏ việc phản đối của hai nghị sĩ.
Năm 2001 và năm 2017, các thành viên hạ viện đều thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri nhưng không có thượng nghị sĩ nào tham gia nên việc này không được xem xét.
Hành động "quân tử" của ông Nixon?
Năm 1960, Phó tổng thống Richard Nixon là người chủ trì phiên đếm phiếu đại cử tri và đau đớn trao chiếc ghế Nhà Trắng cho đối thủ đảng Dân chủ, thượng nghị sĩ John F. Kennedy. Vấn đề xảy ra tại bang Hawaii khi kết quả kiểm phiếu phổ thông ban đầu cho thấy ông Nixon dẫn trước nhưng với tỷ lệ sít sao. Phe Dân chủ khiếu kiện và do đến thời hạn phải gửi kết quả cho quốc hội nên thống đốc bang đã ký tên vào cả hai danh sách đại cử tri của hai đảng. Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu lại sau đó cho thấy ông Kennedy mới là người giành nhiều phiếu phổ thông hơn tại Hawaii. Ông Nixon sau đó quyết định công nhận phiếu đại cử tri cho đối thủ dù hoàn toàn có quyền công nhận phiếu đại cử tri cho bản thân ông. Việc ông Nixon rộng lượng đưa ra quyết định nêu trên cũng bởi vì dù ông có giành 3 phiếu đại cử tri ở Hawaii cũng không thể xoay chuyển được kết quả chung cuộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.