Những nghề độc lạ: Phiêu cùng nghệ thuật điêu khắc trên da

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
23/10/2024 06:16 GMT+7

Say mê chế tác những sản phẩm từ da thuộc, anh Hoàng Lê (39 tuổi) đã biến da thành những món đồ đậm chất nghệ thuật với kỹ năng điêu khắc trên da thuộc vào hàng đỉnh cao.

SỰ KẾT HỢP GIỮA ĐIÊU KHẮC VÀ HỘI HỌA

Thoạt nhìn những đóa hoa nổi trên bề mặt chiếc ví da đặt ở không gian trưng bày của anh Hoàng Lê (tại 115/25 đường Ông Ích Khiêm, TP.Đà Nẵng), tôi cứ nghĩ nó được làm bằng máy móc với công nghệ ép dập hiện đại. Thế nhưng, nhìn kỹ mới thấy, hình ảnh được khắc nổi 3D vẫn còn rõ những đường cắt mang dấu ấn của người thợ thủ công. "Đóa hoa này được tôi điêu khắc trong vòng 1 tuần mới xong. Sau đó, da được lên màu. Hình ảnh đóa hoa cũng được vẽ lại bởi màu sơn chuyên dụng. Tất cả những sản phẩm da từ xưởng của tôi đều được làm hoàn toàn bằng tay, chi tiết trong từng hình họa, đường nét…", anh Hoàng Lê mở đầu câu chuyện.

Những nghề độc lạ: Phiêu cùng nghệ thuật điêu khắc trên da- Ảnh 1.
Những nghề độc lạ: Phiêu cùng nghệ thuật điêu khắc trên da- Ảnh 2.

Anh Hoàng Lê đang điêu khắc lên một chiếc thắt lưng bằng da

ẢNH: HOÀNG SƠN

Là một người có tính cách phóng khoáng lại đam mê nghệ thuật nên từ một cán bộ nhà nước hoạt động trong lĩnh vực du lịch, anh Lê đã quyết định nghỉ việc để ra ngoài theo đuổi nghề da thủ công. Năm 2012, sau một thời gian phục chế da trên những chiếc máy ảnh cổ, anh Lê bắt đầu may những chiếc ví, túi xách, dây đeo đồng hồ… để bán ra thị trường. Thấy vẫn chưa thỏa sức sáng tạo, anh Lê lên mạng tìm đọc các tài liệu nước ngoài rồi bén duyên với điêu khắc trên da khi nào không hay. Anh kể khi bước vào môn này, anh gặp vô vàn khó khăn vì chưa qua trường lớp đào tạo nào về nghệ thuật tạo hình. Dẫu vậy, với niềm đam mê cháy bỏng cùng năng khiếu của mình, anh Lê đã kiên trì rèn luyện tay đục cho đến ngày tạc thành công tác phẩm đầu tiên là chiếc lá phong trên da bò.

"Điêu khắc trên da đòi hỏi sự kết hợp rất nhiều kỹ năng nhưng dễ thấy nhất vẫn là kỹ năng điêu khắc và hội họa. Để hoàn thành một túi da có thể tóm gọn trong 4 công đoạn, gồm: phác họa hình ảnh lên da, dùng các công cụ chuyên dụng để điêu khắc tạo khối, lên màu cho hình và may thành phẩm. Tùy theo độ khó của mỗi sản phẩm, tôi thường mất khoảng từ 7 - 10 ngày để điêu khắc và vẽ xong một bức hình chỉ lớn bằng bàn tay", anh Hoàng Lê nói và cho biết thêm: "Những sản phẩm điêu khắc da thường mang giá trị cao bởi tính cá nhân hóa. Mỗi chiếc ví, túi xách, thắt lưng… do khách yêu cầu hình họa để điêu khắc còn có giá thành cao hơn".

"Điêu khắc da hẳn sẽ kén khách lắm?", tôi hỏi. Anh Lê cho biết do làm bằng thủ công với kỹ thuật điêu khắc khó nên giá thành thường không thể thấp nhưng đổi lại, chủ nhân sẽ sở hữu sản phẩm độc bản mà nhiều khi có tiền chưa chắc đã mua được.

VƯƠN TẦM THỜI TRANG THẾ GIỚI

Trong 10 năm gắn bó với nghệ thuật điêu khắc da thuộc, anh Hoàng Lê đã cho ra nhiều sản phẩm mang lại sự hài lòng cho rất nhiều người, đặc biệt là những vị khách đến từ các thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước châu Âu. Để những chiếc túi, ví… đảm bảo chất lượng, anh Lê phải nhập da từ nhiều nước trên thế giới. Phương pháp, kỹ thuật nhuộm da cũng được anh Lê tiếp thu từ các công ty hàng đầu tại Ý. "Tôi được một công ty tại Ý mời đến nhà máy tham quan, học hỏi và cho sử dụng màu nhuộm miễn phí. Còn đồ nghề tôi mua từ một công ty ở Mỹ, đến nay có khoảng 150 chiếc chuyên dùng để điêu khắc da", anh Hoàng Lê kể.

Những nghề độc lạ: Phiêu cùng nghệ thuật điêu khắc trên da- Ảnh 3.
Những nghề độc lạ: Phiêu cùng nghệ thuật điêu khắc trên da- Ảnh 4.
Những nghề độc lạ: Phiêu cùng nghệ thuật điêu khắc trên da- Ảnh 5.

Một số hình ảnh điêu khắc độc đáo trên ví da

ẢNH: HOÀNG SƠN

Là một người theo trường phái tự do, không theo khuôn khổ nào nhưng khi bắt tay vào điêu khắc trên một tấm da, anh Lê luôn hướng đến những hình ảnh mang tính đặc trưng của VN. Chẳng hạn, anh thường xuyên có những hình điêu khắc là những họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ di sản thế giới - khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam). Mới đây, anh Lê đã đưa hình ảnh vũ nữ apsara trong nền văn hóa Champa vào một chiếc ví khiến nữ khách hàng người Nhật Bản thốt lên vì quá thích thú. Tiếng lành đồn xa, nhiều đơn hàng làm túi xách với giá trị cao cùng tầm vóc ảnh hưởng đến thời trang thế giới đã tìm đến anh Hoàng Lê.

"Sự phối hợp giữa túi xách thủ công của tôi với trang phục của nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng trên sàn diễn trong Tuần lễ thời trang Milano (Milan Fashion Week) là câu chuyện khiến một người làm nghề như tôi tự hào. Cơ duyên bắt đầu vào năm 2023, tôi có dịp gặp gỡ Hoàng và được anh cho biết đã gặp nhiều người làm túi xách thủ công, tuy đẹp nhưng anh vẫn chưa ưng ý. Từ lời ngỏ của anh, tôi đã chú tâm làm nên 3 túi xách để mang đến Tuần lễ thời trang Milano 2023. Mới đây, vào tháng 9 vừa qua, 3 túi xách khác với 3 màu đỏ, xanh, trắng đã được các siêu mẫu quốc tế cầm trên tay khi sải bước trên sàn catwalk. Thật sự, nhìn lại những hình ảnh này, tôi lâng lâng niềm tự hào bởi không dễ gì một chiếc túi da thủ công được chọn sau hàng loạt vòng xét duyệt, tuyển chọn khắt khe của ban tổ chức", anh Lê chia sẻ.

Anh Lê cho rằng để thành công với điêu khắc da, ngoài tố chất nghệ thuật còn đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và một chút may mắn. Anh từng mở 10 lớp dạy nghề, mỗi lớp vài chục người học nhưng đến nay, số người còn theo nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Để sản phẩm được giới thiết kế quan tâm, người thợ phải thường xuyên cập nhật thời trang thế giới, phải liên tục tìm tòi, nghiên cứu những mẫu mã mới… Cũng bởi tư duy này mà anh Hoàng Lê đang theo 2 hướng mới, đó là nhuộm da bằng màu thực vật và sử dụng da từ xơ mướp. Thú vị hơn, hiện anh Hoàng Lê đang phối hợp với một nhà nghiên cứu để tự tạo nguồn da từ con dấm lên men. "Loại da này được kỳ vọng có độ bền bằng da động vật. Sử dụng da này có thể hạn chế sự giết mổ gia súc để lấy da", anh Lê nói. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.