Những ngôi chợ độc đáo: Chợ Ngã Bảy còn trong ký ức

23/05/2024 07:25 GMT+7

Năm 1915, quận lỵ Rạch Gòi được dời đến Ngã Bảy - Phụng Hiệp, gọi là quận Phụng Hiệp (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Lỵ sở của quận hình thành giữa vùng lau sậy hoang vu, nằm trên thủy lộ từ Cà Mau ra sông Hậu, chở lúa và nông sản về Sài Gòn.

Đường thủy được rút ngắn

Theo biên khảo của nhà văn Sơn Nam trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, khoảng năm 1908 -1909, cất xong chợ cá Cần Thơ, ráp nhà lồng chợ mới Cái Răng. Nhà lồng chợ Cái Răng bán cho chợ Ô Môn, nhà lồng chợ Ô Môn bán cho chợ nhỏ hơn là chợ Rạch Gòi. Cũng từ năm 1908, chủ tỉnh Outrey có kế hoạch biến Phụng Hiệp thành một thương cảng.

Chợ Ngã Bảy thời điểm năm 2001 rất nhộn nhịp

Chợ Ngã Bảy thời điểm năm 2001 rất nhộn nhịp

CÔNG HÂN

Vì vậy mà nhiều con kinh được tiếp tục đào để nối liền các rạch nhỏ trong tỉnh. Quan trọng nhất là công trình mở mang đường giao thông ở cánh đồng Phụng Hiệp mà người Pháp gọi là Plaine des Roseaux. Trước đó, con kinh nối Phụng Hiệp với Sóc Trăng cũng được đào từ năm 1901. Năm 1909 thêm một công trình có lợi ích thiết thực được thực hiện đó là việc đào con kinh ngắn cắt ngang cù lao Mây để ghe tàu chở lúa từ phía Phụng Hiệp đi tắt qua vàm Trà Ôn, khỏi đi vòng quanh phân nửa cù lao như trước. Cánh đồng Phụng Hiệp lần hồi có nhiều kinh quy tụ về một trung tâm, gọi là Ngã Bảy.

Đến cuối năm 1910, bờ sông Cần Thơ (chỗ vàm rạch Cái Khế) được cẩn đá xong. Năm 1911, chỉnh đốn lại mấy "mũi tàu" ở rạch Cái Vồn Lớn, Cái Vồn Bé và bờ rạch Trà Ôn, là con đường chở lúa từ sông Hậu qua sông Tiền. Trước đó, lúa từ Cà Mau chở lên Mỹ Tho rồi Sài Gòn theo con đường quanh co: từ Cà Mau theo đường thủy lên Bạc Liêu, qua Cổ Cò, Sóc Trăng, ra Đại Ngãi, vượt sông Hậu rồi theo rạch Tiểu Cần đến Láng Thé (Trà Vinh), qua sông Tiền đến Mỏ Cày, qua Bến Tre rồi Mỹ Tho.

Năm 1914, kế hoạch đào kinh Quản Lộ được thi hành gấp, nối liền Cà Mau lên thẳng Phụng Hiệp rồi từ đó qua Cái Côn rồi qua Trà Ôn, con đường được rút ngắn rất nhiều. Sau khi người Pháp đào xong 7 con kinh, tạo ra một vàm sông 7 ngã ở Phụng Hiệp thì địa danh Ngã Bảy có từ đó.

Chợ Ngã Bảy không còn

Có lẽ không ít người dân miền Nam, đặc biệt là vùng châu thổ sông Cửu Long, biết đến bài vọng cổ Tình anh bán chiếu của cố soạn giả Viễn Châu, do nghệ sĩ Út Trà Ôn ca, với câu: "Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào". Bây giờ, cô gái năm xưa vẫn chẳng ra chào, mà ghe tàu tấp nập trên vàm kinh Ngã Bảy như xưa cũng đã là chuyện dĩ vãng.

Chợ Ngã Bảy xưa họp trên ghe, xuồng giữa 7 ngã sông, nhóm từ lúc tờ mờ sáng và phạm vi kéo dài tới vài cây số. Dù mua bán trên sông nhưng chợ có đủ loại hàng hóa, từ lúa gạo, gia súc, gia cầm, các loại trái cây, rau quả của miệt vườn đến hàng tạp hóa, công nghệ, đồ sành sứ từ Sài Gòn, Lái Thiêu chở xuống. Ngoài ghe, xuồng mua bán của giới thương hồ, còn có các loại đò dọc, tàu khách đi Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Cà Mau… ngang qua chợ đều dừng lại đưa đón khách. Mỗi ngày có chừng vài trăm chuyến đi và đến suốt ngày đêm.

Chợ họp vào buổi sáng, nhưng đến chiều tối vẫn tiếp tục hoạt động với các nhóm hàng hóa khác như hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng hoặc cá khô, mắm, muối, than, củi, mật ong, chiếu lát, lá lợp nhà… kể cả phục vụ ăn uống, giải khát trên sông.

Cầu tàu chợ nổi Ngã Bảy ở địa điểm mới nhưng vắng tanh

Cầu tàu chợ nổi Ngã Bảy ở địa điểm mới nhưng vắng tanh

HOÀNG PHƯƠNG

Chợ nổi mới vắng tanh

Thật ra, trên danh nghĩa, Chợ nổi Ngã Bảy vẫn còn, chưa bị giải tán. Nhưng theo người dân địa phương thì khoảng năm 2001, chính quyền có quyết định dời chợ đến địa điểm mới ở vàm kinh Ba Ngàn, thuộc xã Đại Thành, H.Phụng Hiệp, cách địa điểm cũ chừng một cây số.

Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm tới chợ nổi mới xem thử thì thấy ở đó có một cầu tàu bê tông cạnh bờ sông với tấm bảng đề "Cầu tàu chợ nổi Ngã Bảy" khá lớn. Cạnh đó có bảng bê tông vẽ bài Tình anh bán chiếu. Dãy nhà chờ cùng 2 chiếc ghe được đắp bằng xi măng và một số hạng mục nhìn cũng hoành tráng. Tiếc là chợ nổi vắng hoe, không có ghe tàu, cũng không có khách.

Việc dời Chợ nổi Ngã Bảy tới địa điểm mới nếu vì mục đích an toàn giao thông đường thủy thì đã đạt được, vì hiện nay vàm kinh Ngã Bảy rất thông thoáng. Đứng trên bờ kinh, địa điểm họp chợ năm xưa thỉnh thoảng mới thấy một chiếc tàu chạy qua. Chỉ có điều, kinh Ba Ngàn - địa điểm mà chợ nổi Ngã Bảy dời đến chỉ là một vàm kinh nhánh, với một ngã nối từ kinh xáng Cái Côn về hướng sông Hậu, cách trung tâm xã Đại Thành khoảng hơn một cây số, có lẽ không thuận lợi như địa điểm cũ.

Một người dân địa phương đang câu cá bên bờ sông cạnh cầu tàu Chợ nổi Ngã Bảy cho hay dù dịch Covid-19 qua lâu rồi nhưng chỗ này vẫn vắng khách. Thỉnh thoảng, ngày thứ bảy, chủ nhật, có vài ba chiếc tàu chở khách tham quan. Ngồi ở quán cà phê cạnh bờ sông, anh Út, người từng sống với nghề mua bán ở chợ nổi, nay đã bỏ bến lên bờ làm thợ hồ, nhận định: "Theo tôi, lỡ dẹp rồi bây giờ nếu có phục hồi lại chắc cũng không được. Bởi vì chợ là chỗ mua bán chứ không phải để biểu diễn cho khách du lịch coi chơi, mà mua bán thì trên bộ thuận tiện hơn dưới sông nhiều". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.