Một thời phồn hoa đô hội
Mỹ Tho xưa có cầu tàu lục tỉnh, có đường xe lửa đầu tiên ở Đông Dương (1885). Thời đó, từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây Nam kỳ và ngược lại đều dừng ở Mỹ Tho. Hãng tàu Messageries Fluviales cũng ra đời vào thời điểm này. Đến cuối thập niên 1970, buổi chiều, trên sông Bảo Định, ghe tàu vẫn còn đậu kín từ ngã ba giáp sông Tiền tới đoạn Cầu Mới (chợ Mỹ Tho). Đó là ghe tàu từ các tỉnh miệt dưới đậu chờ đưa nông sản lên bờ để lên xe vận tải đi Sài Gòn.
Sự sầm uất của Mỹ Tho hình thành rất sớm. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả: Chợ Mỹ Tho, tục gọi Phố Lớn, có những nhà ngói cột chạm, chùa rộng, đình cao ở bến sông, có ghe thuyền hạng đi biển và đi sông tới lui, thật là chốn đô hội phồn hoa huyên náo. Từ khi xảy ra cuộc chiến giữa Tây Sơn với nhà Nguyễn, Mỹ Tho đại phố thành bãi chiến trường. Nhà cửa, phố chợ bị thiêu rụi gần hết. Từ năm 1788 về sau, người ta lần hồi trở về, tuy được trù mật, nhưng so với trước chưa bằng một nửa.
Trước đó, vào năm Kỷ Mùi 1679, hơn 3.000 cựu thần nhà Minh đi trên 50 chiến thuyền chạy sang nước ta. Họ được chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền Vương) cho vào định cư ở đất phương Nam. Tổng binh Trần Thượng Xuyên tới lưu vực sông Đồng Nai còn Dương Ngạn Địch và phó tướng Huỳnh Tấn thì tới tả ngạn sông Bảo Định, khai hoang lập ấp, mở mang phố chợ. Năm 1698, khi chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược thì thôn Minh Hương được thành lập. Khi khai hoang lập làng, họ dựng lên các cơ sở tín ngưỡng và một trong những công trình đầu tiên ở thôn Minh Hương xưa là chùa Ông Bổn, đến nay vẫn còn.
Theo Nam Kỳ lục tỉnh dư địa chí của Duy Minh Thị, ban đầu, dinh Trường Đồn lập năm Kỷ Hợi 1779, lỵ sở đặt ở giồng Kiến Định; năm 1781 dời về thôn Mỹ Chánh 8 (chợ cũ Mỹ Tho) và đổi thành dinh Trấn Định. Đến năm Gia Long thứ 7 (1808) thì đổi thành trấn Định Tường. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) lại đổi trấn thành tỉnh Định Tường. Năm 1863, thực dân Pháp giải thể tỉnh Định Tường, chia thành 4 hạt thanh tra gồm: Kiến An (Mỹ Tho), Kiến Hòa (Chợ Gạo), Kiến Đăng (Cai Lậy) và Kiến Tường (Cần Lố).
Tuyến đường thủy huyết mạch
Theo Gia Định thành thông chí, ngày xưa, sông Vũng Gù chảy từ Vàm Cỏ Tây đến quán Thị Cai. Còn ở phía tây, sông Mỹ Tho chỉ chảy đến chợ Lương Phú (tục gọi Bến Thanh) là hết. Khoảng giữa là ruộng giồng liên tiếp nên giặc thường lợi dụng địa hình giồng cao, ruộng thấp đánh phá quân ta. Năm Ất Dậu 1705, Nguyễn Cửu Vân cho đắp chiến lũy dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú. Bên ngoài lũy thì đào hào nối liền sông Vũng Gù với sông Mỹ Tho. Về sau, khi nước đã thông, lại đào sâu thêm cho ghe thuyền đi lại.
Nhưng khi đến chỗ Vọng Thê (tục gọi Thang Trông) thì thủy triều gặp nhau thành nơi giáp nước, nhiều chỗ quanh co, cạn lấp, ghe thuyền phải đậu lại chờ nước lớn mới đi được. Năm Gia Long thứ 18 (1819), vua sai trấn thủ Định Tường Nguyễn Văn Phong lấy 9.679 dân phu ở trấn thay nhau đào mở rộng từ Thang Trông tới Húc Đồng. Đào xong cho khắc bia ghi lại công trạng dựng bên mé sông, gần chợ Thang Trông và chạy sớ về triều, vua đặt tên là Bảo Định hà.
Đại Việt tập chí số 9.1943 có bài viết về Thị Nghè: "Đến sở thú, đứng trên cầu bắc ngang con sông nhỏ Thị Nghè. Mà sao gọi Thị Nghè? Vì trên sông này có cầu Bà Nghè. Kêu cầu Bà Nghè vì hồi đầu thế kỷ 18, bên kia sông có ngôi nhà của bà Nghè. Bà tên Nguyễn Thị Khánh, có chồng làm thư ký ở dinh Phiên Trấn nên người ta quen gọi bà Nghè. Nghè là tước hàm của chồng. Gọi Thị Nghè bởi không dám nói tên tộc của bà, vì bà là trưởng nữ của Khâm sai chánh thống Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân".
Khi kinh Chợ Gạo từ vàm Kỳ Hôn đến Vũng Gù được đào xong thì sông Bảo Định không còn là tuyến đường xung yếu nữa, nhất là khi đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho khánh thành. Cũng từ đó, ghe tàu lưu thông qua sông Bảo Định bớt tấp nập hơn và hai nhịp Cầu Quây cũng không còn lý do tồn tại. Năm 1939, Cầu Quây được thay thế bằng cầu đúc.
Mất dấu Định Tường xưa
Thành Định Tường xưa ở thôn Minh Hương, phía đông sông Bảo Định, bao quanh thành là 4 con đường đi Gò Công, Gò Cát, Phú Kiết và Lộ Ma. Lộ Ma xưa hoang vắng, không nhà cửa, ít người qua lại, cây mọc thành rừng. Lời đồn nói con đường này thường có ma quỷ hiện hình, sách nhiễu đồng bào nên gọi là Lộ Ma.
Theo Định Tường địa dư chí (Trác Quan Đồ, 1973), xưa đường bộ chỉ có con đường từ nội thành đến chợ Thang Trông được lót vỉ tre. Các con đường khác thì chỉ đủ cho cưỡi ngựa, khiêng kiệu hay gồng gánh. Việc đi lại thuận tiện nhất thời đó là đường thủy. Dân cư sống đông đúc theo bờ sông và các con rạch. Xa hơn là rừng rậm hoang vắng, nhiều thú dữ.
Thành Định Tường xưa không còn dấu vết vì sau khi chiếm được Mỹ Tho với cái giá khá đắt, quân viễn chinh Pháp đã hạ lệnh san bằng. Từ đó phía đông bờ sông Bảo Định thành đất "cựu trào". Nhưng các công trình quanh thành xưa như Chợ Cũ, miếu Kim Liên, đình Mỹ Chánh, chùa ông Bổn, chùa Bửu Lâm, chùa Thiên Phước, chùa Vĩnh Tràng… đến giờ vẫn còn. Miếu Kim Liên xưa nằm ở rạch Cầu Kè, năm 1963 được trùng tu thành chùa Kim Liên hiện nay. (còn tiếp)
Bình luận (0)