"Chợ bắt đầu họp từ lúc 1 giờ sáng. Nhưng khoảng 12 giờ khuya là chúng tôi lục tục chở đồ đạc tới đây rồi, chờ nhân viên quản lý chợ mở điện là bắt đầu mua bán", ông Trần Văn Quân, nhà ở ngoại ô Vị Thanh, cho biết.
Chợ họp lúc nửa đêm
Vì đã "điều nghiên" từ hôm trước nên mới 4 giờ sáng chúng tôi tới khu chợ. Trời còn tối đen. Dựng xe trước quán nước ven đường, gọi ly cà phê đá để đó rồi lội bộ vào chợ. Đèn đuốc lập lòe, không đủ sáng nhưng người bán đã ngồi kín chợ. Người đi chợ còn lưa thưa. Vừa đưa máy ảnh lên bấm mấy kiểu thì mấy chị kêu oái oái: "Sáng sớm, chưa bán. Đừng có chụp sạp của tui. Chụp sạp con nhỏ kia kìa. Nó mới mở hàng rồi đó!". Nói vậy thôi nhưng chụp thì cứ chụp. Có ông còn ngoắc lại, tự kể chuyện mua bán lúc nửa đêm. Cách kiếm tiền hơi cực, mà vui.
Tọa lạc ngay điểm giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Trỗi và Võ Thị Sáu, vừa qua cầu Cái Nhúc bắc qua kênh xáng Xà No là nhìn thấy chợ. Gọi là chợ nhưng chỉ là bãi đất trống hình tam giác được tráng xi măng, nằm lọt thỏm giữa 3 dãy nhà lồng của chợ Vị Thanh. Khoảng chợ lộ thiên này diện tích ước chừng chưa tới 1.000 m2, hình thành hơn 10 năm trước.
Theo nhân viên quản lý chợ, trước đó, ở đây có cái chợ chồm hổm, người mua bán tự phát nhóm ở ven đường. Ai thích đâu thì ngồi đó, khá lộn xộn, không đảm bảo an toàn giao thông và cảnh quan, vệ sinh môi trường. Sau đó, có một công ty đứng ra xin phép chính quyền cho di dời, sắp xếp lại. Mấy năm trước, nền chợ còn thấp, mùa mưa bị đọng nước dơ bẩn. Năm 2023, công ty cho tráng xi măng, nâng thêm nền cao ráo, sạch sẽ như bây giờ.
Người bán ở "chợ chồm hổm" Vị Thanh đa số là dân quê đến từ các địa phương lân cận như Vị Thủy, Hỏa Lựu… Nhiều người nhà cách chợ trên 10 cây số. Hàng hóa đa đạng, đủ chủng loại nhưng chủ yếu là do nhà vườn tự làm ra. Đặc biệt là chợ không có sạp, nhưng được bố trí theo từng ô vuông, theo ngành hàng, thẳng tắp, đầy màu sắc, nhìn rất đẹp mắt.
Một kiểu siêu thị lộ thiên
Đừng tưởng mấy dì, mấy cô mới giỏi việc chợ búa nhé. Một trong những nét đặc biệt ở chợ chồm hổm Vị Thanh là mấy anh, mấy chú ngồi bán khá nhiều.
Nhà ở ven QL61B, cách chợ chừng 4 km, anh Ba cho biết vợ chồng anh bán trái cây ở chợ này đã 5 năm. Mùa nào thức ấy. Sạp của anh bày bán đủ thứ cây nhà lá vườn từ đu đủ, dưa hấu, dưa gang, dưa leo, mướp, xoài… Mỗi ngày, trước 1 giờ sáng, vợ chồng anh đã ra tới chợ để giao trái cây cho bạn hàng mua về bán lại ở các chợ nông thôn. Bán sỉ cho mối xong thì ngồi bán lẻ cho tới sáng.
Ngoài một số rau, trái của nhà tự trồng, anh Ba cho biết để có đủ hàng ngồi chợ thường xuyên anh còn mua thêm từ nhà vườn, thậm chí phải ra tận ngoài Cái Tắc để lấy trái cây. Trừ chi phí xăng xe đi lại, mỗi ngày vợ chồng anh cũng kiếm thêm được chừng 300.000 - 400.000 đồng. Nhà anh có 10 công ruộng, nhưng làm ruộng bây giờ sử dụng máy móc nhiều, thành ra cũng rảnh rỗi thời gian, đi bán cho vui, chứ nghề "lượm bạc cắc" của nông dân biết chừng nào mới giàu được!
Thường thì từ sau 1 giờ sáng, người bán đã ra tới chợ nhận ô của mình. Mỗi ô rộng 2 m² vuông, ban quản lý chợ thu 20.000 đồng, gọi là tiền chỗ. Khoảng 5 giờ sáng, nhân viên tới từng sạp "xé phiếu" tiền chỗ. Người bán cũng có thể đổi chỗ ngồi, ai ra trước ngồi trước, nhưng phải theo luống hàng.
Vì là chợ lộ thiên, không mái che, không có dù che nên khi mặt trời lên thì mọi người che đầu bằng chiếc nón lá. Mùa mưa thì phải mặc áo mưa ngồi bán. Các mặt hàng khô thì đậy bằng ni lông. Nét độc đáo của khu chợ chồm hổm khi họp chợ lúc trời chưa sáng, các sạp hàng phải dùng đèn sạc điện hoặc đèn pin. Mỗi người treo ở sạp mình một cái đèn, đủ kiểu. Đêm tối, có tới hàng trăm ánh đèn như hội hoa đăng.
Như thường lệ, khoảng 9 giờ sáng, nhân viên quản lý chợ phát loa nhắc nhở, đến 10 giờ bà con tự giải tán. Lý do tan chợ đúng giờ vì tới phiên ưu tiên cho chợ nhà lồng bên cạnh. Giờ giấc ấn định như thế nên có người đi chợ canh tới giờ chợ sắp tan thì tranh thủ ra mua hàng "bán xổ". Những mặt hàng "bán xổ" thường là các loại rau quả không thể trữ được tới phiên chợ ngày hôm sau. Nếu không "bán xổ" thì cũng phải đem cân lại cho các sạp mua bán sỉ trong chợ nhà lồng.
Chợ chồm hổm Vị Thanh bày bán đủ các loại rau củ quả nhà quê dân dã, gì cũng có. Từ bí, bầu, mướp, đọt choại, bắp chuối, bông súng, dưa leo, khổ qua, chôm chôm, xoài, mận, chuối, khóm, dừa, cóc, ổi, đến cá lòng tong, tép muỗi, cá rô, cá chạch, lươn, rắn, chuột, ốc, cua đồng… Ngoài ra, chợ cũng bán nhiều loại bánh bình dân mà nhiều người miền Tây ưa chuộng như bánh bò, bánh chuối, bánh ít, bánh tét…
Giữa lúc hệ thống siêu thị và mua sắm online bùng nổ thì một cái chợ mang đậm sắc màu vẫn còn lưu giữ được hồn quê như chợ chồm hổm Vị Thanh thật đáng trân trọng. (còn tiếp)
Bình luận (0)