Đây là phiên chợ mỗi năm chỉ nhóm họp một lần duy nhất vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán và được ghi vào danh sách 100 phiên chợ độc đáo nhất VN, do Trung tâm Sách kỷ lục VN bình chọn.
ĐIỂM DU XUÂN, CẦU TÀI LỘC
Theo các cụ cao niên ở làng Phong Thạnh, hội chợ Gò đã có từ thời nhà Tây Sơn và được đưa vào ca dao:"Đầu xuân đón lộc cầu duyên/Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò/Chợ Gò là chợ hẹn hò/Trai thanh gái lịch sang đò gặp nhau…". Từ xưa đến nay, chợ Gò đều được nhóm họp tại gò đất bằng phẳng, bên trái là núi Trường Úc (còn gọi là núi Hàm Long), bên phải giáp với bến đò sông Tọc (một nhánh của sông Hà Thanh), mặt trước là QL19, phía sau là khu dân cư.
Trước giao thừa Tết Nguyên đán, đoạn QL19 qua chợ Gò đã có nhiều người bán trầu cau, hoa quả… cho cư dân trong vùng mua về cúng ông bà. Sau giao thừa, chợ Gò bắt đầu đông dần, đến khoảng 7 - 8 giờ sáng mùng 1 tết thì người đi chợ đứng chật cả QL19. Không chỉ người dân H.Tuy Phước mà nhiều người ở TP.Quy Nhơn, TX.An Nhơn, H.Phù Cát… cũng đem sản vật của nhà mình đến chợ Gò bán lấy hên đầu năm.
Mấy chục năm qua, tết nào bà Nguyễn Thị Tống (64 tuổi, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước) cũng mang rau muống, quả sung, trầu cau, đu đủ... bày bán ở chợ Gò. Theo bà Tống, những mặt hàng được ưa chuộng tại chợ Gò hầu hết là vật phẩm nông nghiệp do cư dân trong vùng làm ra, trong đó, mặt hàng mà bất kỳ người đi chợ Gò nào cũng mua là trầu, cau, muối, quả sung…
"Phiên chợ này độc lạ lắm, người bán và người mua đều mặc quần áo mới, nói cười vui vẻ. Không ai đặt nặng việc mua bán, lời lỗ nên không có thách giá hay trả treo. Chúng tôi mua bán ở chợ Gò chỉ là để trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang thịnh vượng", bà Tống nói.
Theo lý giải của người dân địa phương, người đi chợ Gò thích mua trầu, cau là mua cái lộc đầu năm về dâng cúng lên bàn thờ gia tiên, cầu xin ông bà phù hộ cho gia đình bình an, con cháu làm ăn khấm khá. Mua muối vì có câu được truyền miệng: Đầu năm mua muối, cuối năm xây nhà. Riêng các cô gái mua trầu, cau để cầu năm mới gặp duyên thắm tình nồng hay mua muối để mặn mà suốt năm. Nhiều mặt hàng khác được mua bán nhiều tại chợ Gò do quan niệm dân gian như: mua rau muống vì "muốn" gì được nấy, mua đu đủ vì muốn no đủ, mua mãng cầu là vì cầu cho sung mãn, mua sung cho sung túc suốt năm…
"Chuyện một phụ nữ hay một cô gái đi chợ Gò mua quả cau, lá trầu và bịch muối, thay vì trả cho người bán vài chục ngàn là đủ lại đưa luôn tờ 100.000 đồng, thậm chí 500.000 đồng rồi cười, nói "khỏi thối" (trả lại tiền thừa), "mừng tuổi cô đầu năm nha"… vẫn thường xảy ra ở chợ Gò. Người ta đến đây không chỉ cầu tài lộc cho mình mà còn mong muốn đem niềm vui đến cho người khác nữa", cụ Hồ Văn Lợi (81 tuổi, ở thôn Phong Thạnh) kể.
Theo ông Ngô Hồng Sơn, Phó giám đốc Trung tâm VH-TT-TT H.Tuy Phước, các hoạt động tại chợ Gò ngày càng sôi động, không chỉ người dân mà còn có du khách thập phương tìm đến du xuân. Hằng năm, Trung tâm VH-TT-TT H.Tuy Phước tổ chức lễ hội chợ Gò với nhiều hoạt động như: hội bài chòi dân gian, biểu diễn văn nghệ, múa lân, biểu diễn võ cổ truyền...
ĐI CHỢ GÒ NHỚ VỀ NHÀ TÂY SƠN
Người dân địa phương truyền miệng về sự ra đời của phiên chợ Gò bằng những câu chuyện rất nhân văn của các tướng lĩnh nhà Tây Sơn. Theo dân gian, nhà Tây Sơn cho đóng quân trên núi Trường Úc, gọi là đồn Úc Sơn, để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế (kinh thành của vương triều Tây Sơn). Tết đến, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ dụ cho phép mở hội chợ Gò để nhân dân và binh lính vui xuân. Chợ Gò còn là nơi để binh sĩ nhà Tây Sơn có thời gian hẹn hò với vợ, người yêu, gia đình trong ngày đầu năm mới.
Một câu chuyện truyền miệng khác về nguồn gốc chợ Gò cũng liên quan đến nghĩa quân Tây Sơn. Vì cảm thông với nỗi nhớ nhà của binh lính đóng trên núi Trường Úc, hai vị tướng nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cho mở hội chợ Gò để quân sĩ cùng nhân dân vui chơi. Từ đó, năm mới đến, người thân của các binh sĩ đến thăm, người dân trong làng mang những sản phẩm cây nhà lá vườn bày bán ở chợ Gò.
Theo cụ Hồ Văn Lợi, nhiều vị cao niên làng Phong Thạnh kể lại rằng, sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều người dân vẫn tưởng nhớ công ơn những vị anh hùng của triều đại này. Người dân trong vùng lén mang hương, sản vật nông nghiệp do chính tay mình làm đến đây để cúng bái, tưởng niệm vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Để tránh tai mắt của triều Nguyễn nên người dân mới gọi là chợ Gò và vì là lễ vật cúng bái nên chỉ chia nhau lấy lộc, không đặt nặng chuyện bán mua.
Tuy nhiên, TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho rằng không có cơ sở nào chứng minh hội chợ Gò có liên quan đến nhà Tây Sơn. Chính sử và các sách địa chí của triều Nguyễn cũng không ghi chép về chợ Gò. Vào khoảng thế kỷ 17, 18, vùng đất Tuy Phước hiện nay đã có người Việt từ phía bắc đến sinh sống nhưng vẫn còn khá thưa thớt. Đầu năm, vì nhớ quê nhà nên người dân tập trung tại gò cao ráo, rộng rãi ở khu vực hội chợ Gò hiện nay để cùng đón xuân, chúc phúc cho nhau. Từ đó, hội chợ Gò được hình thành, gắn liền với quá trình lập làng, tập tục sinh hoạt làng xã của người Việt. Hội chợ Gò ngày xưa không có phần lễ (không có nghi thức thờ cúng) mà thuần túy là một hội dân gian gắn liền với nền văn minh nông nghiệp. (còn tiếp)
Bình luận (0)