Những năm gần đây, tại các quận nội đô Hà Nội, tình trạng đường mở đến đâu, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện đến đó tiếp tục diễn ra. Những căn nhà có hình thù kỳ dị án ngữ ở mặt tiền các tuyến đường lớn khiến "bộ mặt" đô thị trở nên mất mỹ quan.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, đi dọc các tuyến đường đã được mở rộng như: Phạm Văn Đồng (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến công viên Hòa Bình, thuộc Q.Bắc Từ Liêm); Trường Chinh - Minh Khai (thuộc 2 quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng); Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân)… không khó để bắt gặp những ngôi nhà có hình thù kỳ dị, siêu mỏng, đang tồn tại như một lời "thách thức" với chính quyền thành phố.
Hiện tại, những nhà siêu mỏng, siêu méo này đều được người dân giữ lại để kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng. Thậm chí, do không đủ điều kiện về diện tích để xây nhà, nhiều người dựng cột mốc để đánh dấu, "coi đất".
Ngôi nhà siêu mỏng được bà Nguyễn Thị Hợp cho thuê lại làm cửa hàng sửa xe máy
ĐÌNH HUY
Bà Nguyễn Thị Hợp (68 tuổi), chủ một ngôi nhà siêu mỏng trên đường Võ Chí Công (Q.Tây Hồ) cho biết, bà đang cho thuê ngôi nhà siêu mỏng hình tam giác với diện tích khoảng 10 m2 .
Theo bà Hợp, cách đây khoảng 6 - 7 năm, ngôi nhà của bà rộng khoảng 50 m2. Tuy nhiên, sau khi có dự án đường Võ Chí Công mở rộng, nhà nước thu hồi đất để làm đường nên chỉ còn phần diện tích trên, phần đất này không đủ điều kiện để xây, sửa nhà để ở.
"Chúng tôi cũng được nhiều người gợi ý cho cách hợp khối với ngôi nhà bên cạnh nhưng nhà họ không đồng ý nên cũng không biết làm thế nào. Bây giờ, nếu để không thì phí nhưng muốn dùng để ở cũng không được vì quá nhỏ", bà Hợp nói.
Bà Hợp cho biết thêm, gần đây có người ngỏ ý thuê lại ngôi nhà siêu mỏng để mở quán sửa xe máy, bà liền đồng ý với giá thuê khoảng 3 triệu đồng/tháng. Bà cũng khẳng định ngôi nhà có sổ đỏ và ngỏ ý muốn bán theo giá thị trường (hiện tại 1 m2 đất ở đường Võ Chí Công có giá từ 250 - 400 triệu đồng tùy từng vị trí).
Bên trong ngôi nhà mà anh M. thuê với giá 5 triệu đồng/tháng
ĐÌNH HUY
Gần nhà bà Hợp là ngôi nhà siêu mỏng rộng khoảng 6 m2, anh Hoành Văn M. thuê lại với giá 5 triệu đồng/tháng để kinh doanh một số loại thuốc diệt muối, kiến.
Mặc dù ngôi nhà này có nhà vệ sinh, gác xép và đặt được nhiều đồ đạc nhưng anh M. không thể ở vì quá nhỏ. Hàng ngày, anh chỉ ngồi bên ngoài cửa ngôi nhà để bán hàng.
Giống như khu vực đường Võ Chí Công, đường Trường Chinh - Minh Khai cũng xuất hiện hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo. Đa số những ngôi nhà ở đây cũng được dùng để kinh doanh, bán đồ ăn nhanh.
Đang bán đồ ăn sáng trong ngôi nhà tôn có diện tích khoảng 9 m2 bà Nguyễn Thị H. (trú Q.Hai Bà Trưng) cho biết, bà mong muốn bán ngôi nhà trên với giá khoảng 3 tỉ đồng (khoảng 350 - 400 triệu đồng/m2).
Ngôi nhà siêu mỏng trên đường Minh Khai được chủ nhà dựng tôn bán hàng, giữ đất. Chiều rộng của ngôi nhà có đoạn chỉ được 50 cm
ĐÌNH HUY
"Tôi dựng tạm tôn để giữ đất, bán hàng. Trước đây, tôi cũng có ý định hợp khối với nhà bên cạnh để sửa lại nhà nhưng nhà họ không chịu, họ cũng không có ý định mua vì giá đất quá cao nên đành phải để mảnh đất này như thế", bà H. nói.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã nhiều lần "tuyên chiến" với nhà siêu mỏng, siêu méo, ra các "tối hậu thư" về việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, nhất là không để phát sinh thêm những căn nhà như thế này; ban hành nhiều văn bản pháp lý hướng dẫn, thậm chí giao trách nhiệm cho người đứng đầu đối với UBND cấp quận, huyện.
Năm 2016, Hà Nội ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND, trong đó nêu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Năm 2022, UBND TP.Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch 218/KH-UBND, trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện… kiên quyết không để phát sinh nhà, đất thuộc diện siêu mỏng, siêu méo ở hai bên đường, nhất là đối với tuyến phố mới, các dự án mở đường.
Một số ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo khác trên đường Võ Chí Công
ĐÌNH HUY
Trải nghiệm lách qua con đường hẹp nhất Hà Nội, chỉ vừa 1 làn xe máy
Bình luận (0)