Những ngôi sao không tên tuổi

Hoàng Kim
Hoàng Kim
17/03/2022 06:41 GMT+7

Tôi mê hát bội từ nhỏ, và sau này vẫn còn đi xem hát bội cúng đình . Nhưng có một nỗi buồn, là tôi không hề biết tên những nghệ sĩ, diễn viên hát bội mình từng xem.

Hồi nhỏ, tôi thấy những gánh hát bội về làng diễn trong những mùa cúng đình đều không có một tờ rơi quảng cáo nào, ngay cả một tấm bảng chung ghi tên đoàn, tên nghệ sĩ cũng không có. Khán giả đến xem hát thì cứ xem, nghệ sĩ diễn cứ diễn, xong rồi đi, không để lại một chút “dấu vết” nào, như chim trời cá nước đã bay đi là mất tăm, là biệt bóng hình. Khán giả có muốn nhắc lại một cái tên cũng không thể nhắc, dù yêu hát bội đến mấy thì ký ức vẫn không gợi được một chút gì về những con tằm đã nhả tơ mỏi mòn trên sân khấu. Đến nỗi sau này, khi tôi ngồi viết hồi ký về hát bội, tôi cảm thấy có lỗi vì ký ức mình không lưu lại được dù một tên đoàn, tên người.

NSƯT Linh Hiền (trái) và nghệ sĩ Hoàng Hà trong vở hát bội Chiếc áo thiên nga

H.K

Những tưởng đó là chuyện “hồi xưa”, không ngờ khi lớn lên, đã bước qua thế kỷ 21, chuyện đó vẫn lặp lại. Tôi theo chân Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM đi diễn tại một ngôi đình ở Bình Dương, ăn ngủ cùng họ, và bỗng giật mình. Một đơn vị lớn như vậy, nhiều nghệ sĩ giỏi như vậy, thậm chí rất nhiều nghệ sĩ ưu tú, thế nhưng không có một tờ rơi giới thiệu nghệ danh, vai diễn. Họ vẫn hát, và ra đi, như những người không tên không tuổi, như bóng chim tăm cá năm nào. Có chăng là được tấm băng rôn ghi tên đơn vị. Tôi phải lân la hỏi tên từng nghệ sĩ đóng các vai, mới biết nào là NSƯT Ngọc Hương đóng Chung Vô Diệm (đây là vai tuyệt hay của chị), NSƯT Ngọc Nga (vai quý phi), NSƯT Linh Hiền (vai nhà vua), rồi có mặt NSƯT Hữu Danh, NSƯT Kim Thanh… Vậy thì khán giả làm sao biết được những ngôi sao từng rực rỡ trên sân khấu, từng lấy những tràng pháo tay, những giọt nước mắt là ai.

Thiết nghĩ, đơn vị quản lý phải trân trọng nghệ sĩ hát bội bằng cách giới thiệu đàng hoàng về họ. Một tấm bảng lớn ghi rõ kịch bản, nếu tuồng mới thì có thêm tên tác giả và đạo diễn, rồi tên nghệ sĩ, vai diễn trong vở đó. Nếu tốt hơn chút nữa, thì nên in tờ rơi nhỏ nhỏ, khán giả có thể nhận tại quầy, như kiểu các sân khấu kịch vẫn làm. Giá cả in ấn bây giờ rất rẻ, nếu tiết kiệm thì in trắng đen, hoặc thậm chí tự thiết kế gọn ghẽ rồi đem photo cũng được. Tối thiểu khán giả cũng biết được những thông tin cần thiết về vở diễn, và chắc chắn đọng lại trong ký ức của họ những cái tên tài hoa. Chứ người nghệ sĩ suốt đời nhả tơ mà khán giả không hề nhớ họ, chạnh lòng làm sao!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.