6 giờ 30 sáng, tại khu nghỉ ngơi dành cho các tình nguyện viên ở gần Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM, Huỳnh Thái Hoài Bảo (21 tuổi) thức dậy vệ sinh cá nhân và chuẩn bị để lên xe đưa đón tình nguyện viên đến bệnh viện bắt đầu một ngày hỗ trợ, chăm sóc các bệnh nhân Covid-19.
Hoài Bảo là một trong hơn 160 tình nguyện viên đang hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM. Đã gần 1 tháng nay, họ không quản vất vả, ngày đêm túc trực chăm sóc, truyền dịch thức ăn, thay tã… cho các bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng.
Gặp người thân nhiễm Covid-19 ở bệnh viện
Hoài Bảo cho biết sau khi nhà hàng mình làm việc phải đóng cửa vì dịch Covid-19, thay vì trở về quê, Hoài Bảo đã đăng ký trở thành tình nguyện viên chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM.
Tại bệnh viện sẽ có 3 ca trực từ 8 -14 giờ, 14 - 21 giờ và từ 21 - 8 giờ sáng hôm sau, các tình nguyện viên sẽ luân phiên thay ca với nhau tại các khoa của bệnh viện, trong đó gồm cả khoa hồi sức tích cực – ICU. Trong trường hợp ngoài ca trực, khi thấy các nhân viên y tế mệt tình nguyện viên vẫn ở lại hỗ trợ, để họ được nghỉ ngơi hoặc hỗ trợ sắp xếp xe đưa đón bệnh nhân xuất viện về nhà.
|
Hằng ngày, Hoài Bảo sẽ cùng các tình nguyện viên đi đến chỗ các bệnh nhân hỏi họ cần gì sẽ hỗ trợ, như gội đầu, lau người, cho uống nước, uống thuốc, đút cho ăn, uống sữa… Chỉ cần bệnh nhân nhấn chuông hay gọi, các tình nguyện viên sẽ có mặt. Đối với các bệnh nhân ở khoa Hồi sức tích cực đều nằm mê man, nên các tình nguyện viên phải canh giờ để truyền dịch cho ăn, thay tã…
“Quê mình ở Long An, hiện tại cũng đang bùng dịch dữ lắm nên mình cũng lo cho ba mẹ ở quê. Nhưng thấy các y bác sĩ đã căng mình ngày đêm rồi, nếu mình không đi phụ giúp một tay thì lấy ai chống dịch”, Hoài Bảo nói và kể thêm, hiện tại chị họ của Hoài Bảo cũng đang nằm tại khoa Hồi sức tích cực.
|
“Nghe tin chị họ nhiễm Covid-19 phải nhập viện tại đây, mình tức tốc đi tìm gặp xem tình hình thế nào. Ban đầu tưởng là chỉ nằm ở khoa Cấp cứu, nhưng tìm ra mới biết nằm ở khoa Hồi sức tích cực ICU luôn. Nghe tin mà mình rụng rời hết, xuống thăm thấy chị nằm mê man, mình cầm tay chị rồi nhắn nhủ đôi lời, cầu mong là chị sẽ bình an trở về”, Bảo tâm sự.
Theo Hoài Bảo, làm tình nguyện viên ở bệnh viện luôn cố gắng dốc hết sức mình để chăm sóc tốt cho các bệnh nhân, vì họ vào nằm viện chỉ có một mình, không người thân. “Khi thấy bệnh nhân diễn tiến nặng, dần hồi phục và được chuyển xuống khoa khác nhẹ hơn để tập hít thở, phục hồi đến lúc được xuất viện là bản thân đã thấy hạnh phúc lắm rồi”, Hoài Bảo chia sẻ.
Sẽ làm đến khi hết dịch
Không riêng gì Hoài Bảo, tình nguyện viên Nguyễn Trần Ngọc Lan (21 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) cũng tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại đây. Lan cho biết, ngày đăng ký trở thành tình nguyện viên chống dịch, mẹ Lan ủng hộ nhưng ba Lan thì không cho phép. “Nhưng lúc đó mình lại nhất quyết dọn đồ rồi đi, nên cuối cùng ba đành phải đồng ý. Mình biết đi vào bệnh viện sẽ có nhiều khó khăn, bị nhiễm bệnh nên ba mẹ lo lắng, nhưng khi vào đây thì đã lường trước rồi. Khó khăn cỡ nào cũng chịu được hết”, Lan chia sẻ.
Hằng ngày, Lan sẽ cùng các tình nguyện viên trong ca trực giúp các bệnh nhân ăn, thay tã. Lần đầu tiên thay tã cho bệnh nhân, Lan cũng lóng ngóng tay chân, không biết phải làm thế nào, nhưng nhờ anh, chị chỉ dạy rồi làm quen tay, thành thạo.
"Khi chăm sóc cho bệnh nhân, thì mình xem họ như người nhà của mình, rồi chăm sóc thôi", Lan nói.
|
Sau khi đến hết thời hạn 1 tháng để tham gia tình nguyện, Lan sẽ tiếp tục đăng ký tình nguyện tiếp tục ở lại bệnh viện chống dịch. “Hiện tại sức khỏe mình vẫn ổn định và còn khỏe thì vẫn còn làm. Mỗi ngày nhóm trực sẽ giữ không khí vui vẻ để có tinh thần lạc quan làm việc”, Lan chia sẻ.
Trước khi tham gia nhóm tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, Nguyễn Đức Hòa (20 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đã tham gia làm tình nguyện viên điều phối lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19.
“Lúc tham gia điều phối lấy mẫu, mình có gặp nhiều người dân qua xét nghiệm dương tính Covid-19. Đôi lúc mình ở đó còn nghe có người nói họ vô ý thức, lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Nhưng mình cảm thấy là họ nhiễm bệnh thì họ cũng không có lỗi, nên đã quyết định đăng ký vào bệnh viện để chăm sóc cho họ”, Hòa chia sẻ.
|
“Dù đã sống tự lập được 6 năm nhưng mình vẫn không dám nói cho ba mẹ vì sợ ba mẹ lo lắng, đến khi vào bệnh viện chăm sóc trực tiếp cho các bệnh nhân, cảm nhận được tính nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, mình đã báo cho gia đình để mọi người không bất ngờ”, Hòa kể. Thời gian ban đầu khi làm tình nguyện viên ở bệnh viện khá khó khăn, vì đồ bảo hộ trong bệnh viện dày hơn với đồ bảo hộ bên ngoài, và làm việc trong môi trường kín nên rất nóng nực, nên là thời gian đầu khá là mệt, cứ xong ca là lăn ra ngủ liền cho lại sức.
“Lúc chăm sóc cho bệnh nhân, nhiều người còn gắng sức tươi cười và khích lệ tinh thần tụi mình nữa. Có lần một bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện, gọi tụi mình lại cảm ơn, rồi cô nói không có tụi mình thì cô cũng không biết làm thế nào trong những ngày bệnh trở nặng nữa. Mình không tính toàn công sức bỏ ra, chỉ cần nhiêu đó thôi cũng làm tụi mình thấy vui rồi”, Hòa chia sẻ.
Tính đến nay đã gần một tháng Hòa tham gia tình nguyện viên ở bệnh viện, người thân ở nhà đều gọi lên nhắc nhở phải về nhà sớm. Nhưng Hòa nói, sau thời gia một tháng làm việc ở đây lại không nỡ về nhà mà sẽ tiếp tục đăng ký tiếp tục làm tình nguyện viên để hỗ trợ các y bác sĩ, bệnh nhân trong cơn đại dịch.
Bình luận (0)