Những ngọn núi thiêng: Huyền bí Cà Đam

Phạm Anh
Phạm Anh
24/09/2024 06:30 GMT+7

Núi Cà Đam quanh năm chỉ có gió, mây và mưa, bốn mùa se lạnh, là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi, gắn liền với nhiều câu chuyện huyền bí của người dân địa phương.

Núi Cà Đam ở H.Trà Bồng được nhiều sách và các nhà nghiên cứu nhắc đến do gắn liền với câu chuyện "Quảng Ngãi thập cảnh". Trong thời gian làm Tuần phủ Quảng Ngãi, danh sĩ Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767) đã làm thơ vịnh 10 cảnh đẹp ở Quảng Ngãi (về sau các nho sĩ địa phương thêm 2 cảnh nữa, gọi là 12 cảnh đẹp ở Quảng Ngãi), trong đó có "Vân Phong túc vũ".

Những ngọn núi thiêng: Huyền bí Cà Đam- Ảnh 1.

Thôn Quế nằm ở sườn núi Cà Đam

ẢNH: Phạm Anh

Còn Đại Nam nhất thống chí, bộ sách dư địa chí Việt Nam do Quốc sử quán triều Nguyễn chép về núi Vân Phong: "Hình núi cao vút giữa tầng trời, có các núi bao quanh bốn phía trùng điệp, từ xa, một màu xanh thẳm tươi sáng. Buổi sớm, bầu trời, cảnh núi trong xanh. Trong 10 thắng cảnh ở Quảng Ngãi thì đây là cảnh Vân Phong túc vũ (Mưa đêm ở núi Vân)".

DÃY NÚI CÓ 13 HANG ĐỘNG ?

Núi Cà Đam được đồng bào người Kor ở H.Trà Bồng gọi là núi "chúa" (tiếng Kor gọi là Ka Dhop). Họ cho rằng Cà Đam là núi ông, núi bà, sinh ra các ngọn núi khác. Theo đó, núi này có ngọn cao nhất là Cà Đam Ông (Cơi Ka Dhop, cao 1.650 m) ở phía tây và Cà Đam Bà (Mo Ka Dhop) ở phía đông. Dưới sườn núi, đồng bào Kor lập làng sinh sống bao đời nay.

Những ngọn núi thiêng: Huyền bí Cà Đam- Ảnh 2.

Đỉnh cao nhất của Cà Đam mây mù che phủ quanh năm

ẢNH: Phạm Anh

Đồng bào dưới chân núi truyền miệng rằng, muốn lên đỉnh Cà Đam phải mất 3 ngày lội bộ theo đường vòng quanh núi như con ốc. Do mưa gió quanh năm nên cây cối trên đỉnh núi không bao giờ đứng thẳng, dây leo lớn treo bám khắp rừng. Trên đỉnh núi, có khoảnh đất bằng phẳng được cây rừng bao bọc xung quanh, mọc nhiều loài cây như: quýt, chuối… rất tươi tốt. Khoảnh đất này là nơi bầy chim trĩ về trú ngụ.

Trong tác phẩm Văn hóa cổ truyền dân tộc Kor (xuất bản năm 2009), tác giả Cao Chư có nhắc đến chuyện người Kor cho rằng dãy Cà Đam có 13 ngọn núi và 13 hang động. Tác giả cho rằng đây là cách nói có phần ước lệ, nhưng rõ ràng động, hang trên núi này có hàng loạt, chờ người khám phá. Đó là hang Cà rá (hang ông), hang Xà gâu (hang gấu), hang Vnon (hang thần Vnon), hang Cút (hang dơi), hang Ta lôk (hang khỉ)… còn đó những bí ẩn với nhiều chuyện kể huyễn hoặc…

CHUYỆN CÂY QUẾ THẦN Ở CÀ ĐAM

Phần lớn truyền thuyết, chuyện kể truyền miệng của người Kor đều nhắc đến núi Cà Đam, trong đó có chuyện cây quế thần, hay sự tích chim síp plít (chim chèo bẻo)... Chuyện rằng, ở vùng phía tây H.Trà Bồng, rừng thâm u huyền tịch có rất nhiều ma, nhưng từ khi cây quế thần xuất hiện thì ma phải đi ở chỗ khác. Nhưng cây quế thần rất khó tính, chỉ ở những vùng núi cao chót vót.

Tại một làng nọ, có chàng trai Khơ Chít giỏi giang, bắn nỏ rất tài. Chàng yêu nàng Pơ Lây xinh đẹp ở làng bên nhưng không dám nói. Vắng nhau, cả hai đều nhớ nhung, tìm gặp nhau. Một hôm, Khơ Chít xin Pơ Lây về làm vợ. Nhưng nàng chưa gật đầu mà muốn anh đi lấy cây gỗ ở rừng xa xăm trước mặt, mới chịu về ở chung.

Những ngọn núi thiêng: Huyền bí Cà Đam- Ảnh 3.

Dãy Cà Đam trong sương mù

ẢNH: Phạm Anh

Giữa lúc Khơ Chít băng qua 7 suối, 9 đèo lấy cây gỗ về cho người mình thương thì tên chúa rừng nghe tin Pơ Lây xinh đẹp, đã sai nô lệ bắt nàng về làm người hầu. Nàng Pơ Lây kiên quyết chống lại tên chúa rừng, dùng cái chết để giữ sự trong trắng, rồi biến thành chim síp plít. Khơ Chít nhổ cây trở về hăm hở, nghĩ trong lòng sẽ có Pơ Lây từ nay. Thế nhưng cảnh cũ còn đó, con suối Khum, máng nước xưa còn đó mà nàng Pơ Lây đã đi về phương nào. Khơ Chít tìm tên chúa rừng trả thù cho Pơ Lây, rồi mang cây gỗ lên đỉnh núi cao nhất, bên dòng suối Khum, nơi Khơ Chít đã gặp Pơ Lây ban đầu, để trồng cây xuống. Ngày ngày, Khơ Chít thấy cây là nhớ đến Pơ Lây. Cây mỗi ngày một lớn, to đến nhiều người ôm không xuể, ngày đêm phát ra mùi hương dễ chịu. Đó chính là cây quế thần trên đỉnh Cà Đam.

Với người Kor ở Trà Bồng, cây quế là tốt nhất, bầu bạn với họ từ nhà ra rẫy, khi đi rừng… Vì vậy, năm 1963, người Kor đã chọn cây quế tốt nhất làm cái bàn dài 3 sải tay, rộng hơn 1 sải tay gửi ra Hà Nội tặng Bác Hồ. Người Kor cũng lấy họ Hồ đặt tên cho con cháu mình. Ngày nay, tất cả người Kor đều mang họ Hồ, chính là họ của Bác Hồ.

Những ngọn núi thiêng: Huyền bí Cà Đam- Ảnh 4.

Trẻ em ở thôn Quế

ẢNH: Phạm Anh

Theo khảo cứu, núi Cà Đam không chỉ là huyền thoại, mà có những sản vật rừng hiếm nơi nào có, như: cây lá gấm, sâm 7 lá, chè shan tuyết xứ lạnh phía bắc và hàng loạt cây thuốc nam ở trong rừng sâu. Cây lá gấm là loài thuốc nam quý (còn gọi là kim tuyến liên, mộc sơn thạch tùng, kim cương…) ở nhiều vùng rừng ẩm, lạnh, có màu xanh nhạt, có khi màu tía, thân cây mềm, cao chừng 20 cm, gân lá phát ra óng ánh như kim cương. Rừng Cà Đam có độ ẩm, nhiều hốc đá dọc các con suối, rất thuận lợi để loài cây này phát triển.

Trái hường cũng là loại trái cây đặc trưng của miền tây H.Trà Bồng. Trái khi già màu xanh, to như trái cam, lúc chín màu vàng đậm, ăn vào ngọt thanh không thua gì cam Vinh.

Ở thôn Quế (xã Trà Bùi, H.Trà Bồng), các gia đình có người lớn tuổi thường gìn giữ những bộ chiêng của mình. "Nhiều người từ đồng bằng lên, lợi dụng lúc đồng bào Kor thiếu khó, hỏi mua chiêng nhưng luôn nhận cái lắc đầu. Dãy Cà Đam là hiện thân cho xứ sở, còn chiêng chính là tâm hồn của đồng bào Kor ở đây. Bán chiêng như bán cả hồn mình", ông Hồ Quang Tạo, Trưởng thôn Quế, nói. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.