Những ngọn núi thiêng: Thiên Bút, núi thiêng của người Quảng Ngãi

Phạm Anh
Phạm Anh
22/09/2024 06:00 GMT+7

Cùng với núi Thiên Ấn, núi Thiên Bút (ở P.Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) là 1 trong 2 ngọn núi linh thiêng nhất trong lòng người Quảng Ngãi.

Với người Quảng Ngãi, đi đâu, về đâu, xa xứ bao nhiêu năm nhưng vẫn không thể nào quên ngọn núi Thiên Bút và ai ai cũng đều xem ngọn núi này là nguồn linh khí của quê hương.

Nói như TS Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hóa của Quảng Ngãi, trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi suốt nhiều thời kỳ lịch sử, Thiên Bút là ngọn núi thiêng tiêu biểu của tỉnh, là biểu tượng cho văn phong, sĩ khí. Tạo hóa sinh ra ngọn núi ấy, dù cao không quá 60 m nhưng gắn liền với đó là những huyền thoại linh thiêng, bí ẩn. Nói về Thiên Bút, người Quảng Ngãi hay nghiêng mình trước núi, chẳng ai dám động chạm điều trái nghĩa với hòn núi thiêng quê mình.

THIÊN BÚT VỜN MÂY

Nghiên cứu về đền tháp trên núi Thiên Bút, các nhà khảo cổ học, nhân sĩ ở Quảng Ngãi cho rằng chữ "Thiên Bút phê vân" là mỹ từ do Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh khi làm Tuần vũ Quảng Ngãi đã vịnh cảnh để lại vào khoảng năm 1750.

Ở Quảng Ngãi, trong mỗi cuộc trà dư tửu hậu, những người hay chữ thường bàn rằng: Đất sông Trà có ấn (triện) và có bút (phê), nhưng "ấn" và "phê" ở đây là của tướng chứ không phải của vua, chúa. Không rõ thực hư thế nào nhưng đúng là dòng Trà Khúc chia bên tả là núi Ấn, bên hữu là núi Bút. Bên phải cầm bút, bên trái cầm ấn… Quả là tạo hóa bày ra thật kỳ lạ.

Những ngọn núi thiêng: Thiên Bút, núi thiêng của người Quảng Ngãi- Ảnh 1.

Núi Thiên Bút có hình con rùa nên có tên gọi khác là núi Quy Sơn

ẢNH: PHẠM ANH

Nói về núi Thiên Bút, ai cũng kèm theo chữ "phê vân". Theo TS Đoàn Ngọc Khôi (Quảng Ngãi), ai từng lên đỉnh núi Thiên Bút sẽ nhận ra núi có 2 đỉnh nhô cao như hình cây bút lông, ngọn cao nhất 58 m đã được người Chăm xây dựng trên đó một ngọn tháp. Cũng theo TS Khôi, núi Thiên Bút còn có tên gọi khác là Quy Sơn. Bởi đứng về hướng tây, hoặc dùng flycam bay lên cao, sẽ thấy núi có hình con rùa, trong đó có thân là núi Bút, còn đầu của nó giống ngọn đồi thấp ở hướng nam đi về hướng sông Bàu Giang.

Phía nam của Thiên Bút còn có một đồi thấp nghiêng nghiêng sườn núi, giống nghiên mực nên hay gọi là "hòn Nghiên". Trên ngọn đồi thấp này, tương truyền có quan thượng thư họ Nguyễn khi về hưu có xây ngôi chùa gọi là Quy Sơn tự. Chúng tôi đi vòng quanh núi Thiên Bút tìm ngôi chùa này nhưng không còn dấu vết, chỉ có Thiên Bút tự nằm ở phía tây bắc núi Thiên Bút. Ở phía đông núi Thiên Bút còn có gò Yàng, cạnh đó có dấu bàn chân khổng lồ trên đá được cho là người Chăm từng thờ cúng ở đây.

Đẹp nhất với Thiên Bút là mỗi độ hoàng hôn, ngọn bút vẽ lên mây trắng, trời xanh rồi dần chuyển qua màu lụa đỏ. Trên đỉnh Thiên Bút có thể nhìn ra 4 phía: bắc là núi Thiên Ấn, dòng sông Trà. Nghiêng về đông bắc có cửa Đại mênh mông sóng bạc, nơi giao thoa giữa hai nguồn sông - biển và Cổ Lũy cô thôn hiền lành, thơ mộng. Còn phía tây là dãy Trường Sơn xa mờ, phía nam có sông Bàu Giang, Cây Bứa, và xa nữa là sông Vệ.

NHỮNG BÍ ẨN NÚI THIÊNG

Mới đây khi đi bộ lên núi Thiên Bút, chúng tôi thấy nơi này có vài thay đổi. Gần 10 năm trước, núi này cây cối rậm rạp và cây cổ thụ đan xen. Hồi đó, dây leo còn quấn quanh, phủ ra cả con đường mòn quanh quanh lên núi. Núi bây giờ cây thưa thớt hơn, cây bụi đã bị dọn dẹp do năm 2017, Quảng Ngãi triển khai làm công viên Thiên Bút. Đi tìm lại dấu vết xưa trên đỉnh Thiên Bút, chúng tôi vẫn còn thấy dấu tích khai quật tháp Chăm.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, khoảng năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp - ông Henri Parmentier đã nhắc đến phế tích Chăm trên đỉnh Thiên Bút, bị sụp đổ không còn nhận ra hình hài tháp. Đến ngày 17.2.2017, ngành chức năng tiến hành khai quật phế tích này mới phát hiện ra nhiều bí ẩn, nhất là xác định đây là tháp thờ thần Shiva trên đỉnh cao nhất. Việc khai quật tiến hành trong phạm vi 400 m2, sâu 4 - 4,5 m và trong ngày đầu đã phát hiện nhiều phế tích bằng đá ong và gạch Chăm.

Một tháng sau khi khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện 109 hiện vật ở di tích tháp núi Bút, gồm các chất liệu như đất nung, gốm sứ có men, đá. Chưa kể có khoảng 2.000 mảnh vỡ là những gạch vỡ, gốm, sành, sứ xếp gần di tích; 2 tượng Kinnari không còn nguyên vẹn.

Đặc biệt lần khai quật này còn phát hiện bộ Linga - Yoni có kích thước lớn hiếm gặp. Những hiện vật điêu khắc đá và đất nung trên tháp núi Thiên Bút được cho là đẹp và hiếm gặp. Qua so sánh, các nhà khảo cổ lúc ấy cho là tháp Núi Bút thuộc giai đoạn cuối phong cách chuyển tiếp từ phong cách Sơn Mỹ A1 (thế kỷ 10) sang phong cách Bình Định (thế kỷ 12 - 19), khoảng cuối thế kỷ 11.

GIAI THOẠI THIÊN BÚT

Thiên Bút từng là nơi người Chăm đắp đất xây dựng công trình kiến trúc tháp để thờ cúng, nay dấu tích còn nhiều như con đường, bến thuyền và giếng tháp nằm dưới chân núi, là nguồn nước thiêng để cúng tế thần linh ở tháp.

Núi Thiên Bút có nhiều giai thoại. Có lẽ hay nhất là chuyện con ma người Tây. Chuyện kể rằng, vào cuối năm 1894 (âm lịch), người dân Quảng Ngãi nổi dậy phá đồn thương chánh Cổ Lũy, làm chết viên quan thu thuế tên là Regnard. Sau đó, viên quan thu thuế này được an táng tại núi Thiên Bút. Kể từ đó, xung quanh núi Thiên Bút có ông ma to lớn người Tây, cứ đêm đêm thanh vắng lại dọa người dân trong vùng.

Một thời gian sau, có anh học trò ở phía bắc tỉnh Quảng Ngãi trên đường vào Bình Định thi hương. Khi đến dưới núi Thiên Bút, ghé vào quán ở đây uống nước trà xanh và nghe được câu chuyện ma Tây. Vậy là anh học trò nhờ cô chủ quán nước mua nhang đèn, rượu để ra mộ của ông Regnard cúng. Anh học trò khấn rằng, hồn ma nên tìm về cố quốc. Bởi dân ở đây không ưa người Tây làm ma hà hiếp dân lành. Nếu không về cố quốc, thì sơn thần, thổ địa ở đây sẽ quở phạt, đày xuống tầng địa ngục, hối không kịp. Từ đó, người dân ở đây không còn thấy ma Tây đêm đêm đi dọa dân nữa. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.