Núi Hàm Long nằm giữa đồng bằng, không lớn nhưng khá nổi tiếng, được sách Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục (các bộ sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) và nhiều sử, sách viết về Bình Định nhắc đến. Ngày nay, dưới chân núi Hàm Long có chùa Sơn Long và phiên chợ Gò là điểm đến của nhiều du khách.
CHÙA BÊN "MIỆNG RỒNG"
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, phía bắc núi Hàm Long có đền cổ, gọi là đền Hàm Long. Còn sách Nước non Bình Định của tác giả Quách Tấn (1910 - 1992) chép rằng Hàm Long "là hòn núi có tiếng ở H.Tuy Phước. Núi cao 92 m, hình núi giống như đầu rồng, ngó ra quốc lộ (QL) số 1, miệng há rộng. Trước núi, nơi "miệng rồng" có ngôi chùa thờ Phật gọi là Long Sơn tự. Phong cảnh thanh u". Sông Hà Thanh "ôm lấy chân núi ở mặt bắc và mặt tây" núi Hàm Long. Núi tuy thấp bé nhưng có thế dụng binh.
Theo cụ Hồ Văn Lợi (81 tuổi, ở thôn Phong Thạnh, TT.Tuy Phước, H.Tuy Phước), đoạn QL19 chạy qua trước núi Hàm Long thời triều Nguyễn là đường thiên lý, thời Pháp thuộc là đường xuyên Việt hay gọi là QL số 1. Tương truyền, ngày xưa trên núi Hàm Long có tảng đá lớn giống miệng rồng, có hàm trên, hàm dưới, có lưỡi nhô ra ở giữa và trong núi có hang sâu, rộng có thể chứa được nhiều người. Mỗi khi hạn hán, các cụ tiên chỉ trong vùng thường đến đây ăn chay, đạp đất để cầu mưa thuận, gió hòa. Hiện tảng đá và hang sâu trên núi Hàm Long không còn nữa.
Tư liệu của chùa Sơn Long chép rằng chùa này được tổ sư Thiệt Đăng khai sơn vào cuối thế kỷ 17 hoặc đầu thế kỷ 18 (trước năm 1744), ban đầu có tên là Giang Long thiền thất, tọa lạc tại sườn núi Hàm Long (cách vị trí chùa Sơn Long hiện nay khoảng 300 m về hướng tây bắc). Thời thiền sư Chương Nghĩa (1791 - 1864) trụ trì, chùa Giang Long được dời xuống chân núi và đổi tên thành Sơn Long. Từ đó đến nay, chùa Sơn Long được trùng tu, mở rộng nhiều lần.
Theo truyền thuyết dân gian địa phương, nhà Tây Sơn đóng quân trên núi Trường Úc, gọi là đồn Úc Sơn, để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế (kinh thành của vương triều Tây Sơn). Tết đến, vì cảm thông với nỗi nhớ nhà của binh lính đóng trên núi Trường Úc, lãnh tụ quân Tây Sơn cho mở hội chợ Gò để quân sĩ cùng nhân dân vui chơi. Từ đó, năm mới đến, người thân của các binh sĩ đến thăm, người dân trong làng mang những sản phẩm cây nhà lá vườn bày bán ở chợ Gò. Ngày nay, phiên chợ Gò mỗi năm nhóm họp một lần duy nhất vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán và được ghi vào danh sách 100 phiên chợ độc đáo nhất VN, do Trung tâm Sách kỷ lục VN bình chọn.
NHỮNG TRẬN CHIẾN KHỐC LIỆT TẠI NÚI HÀM LONG
Theo chính sử của triều Nguyễn và nhiều tư liệu lịch sử viết về Bình Định, tại núi Hàm Long có nhiều trận chiến khốc liệt. Trong đó, trận đầu tiên là cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân triều Nguyễn vào năm 1793.
Theo Đại Nam thực lục, sau khi hoàng đế Quang Trung băng hà, con là Quang Toản lên ngôi ở Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế), còn Nguyễn Nhạc vẫn làm hoàng đế, đóng đô tại thành Hoàng Đế (nay thuộc TX.An Nhơn, Bình Định). Năm 1793, chúa Nguyễn Ánh dẫn quân đánh Quy Nhơn (phủ Quy Nhơn là tên gọi vùng đất Bình Định thời chúa Nguyễn). Giữa năm 1793, chúa Nguyễn Ánh sai tướng Võ Tánh đánh chiếm Thị Nại và cầu Tân Hội (nay thuộc TP.Quy Nhơn, Bình Định), quân Tây Sơn thua trận lùi về Úc Sơn (núi Hàm Long), giữ chỗ hiểm đặt quân phòng thủ. Hoàng đế Nguyễn Nhạc sai con là Nguyễn Bảo đem quân tinh nhuệ và voi đực từ thành Quy Nhơn (nay thuộc P.Nhơn Thành, TX.An Nhơn) ra đánh quân Nguyễn nhưng bị thất bại, phải đặt đồn trại từ Thổ Sơn đến Úc Sơn để phòng thủ.
Chúa Nguyễn Ánh sai tướng Vũ Văn Lượng đem quân đánh mặt trước đồn Úc Sơn, và sai các tướng Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Thành hội quân với Võ Tánh đánh úp sau lưng. Sau đó chúa Nguyễn Ánh tiếp tục sai các tướng Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Văn Thành vây chặt và liên tục tấn công các thành quân Tây Sơn ở Quy Nhơn.
Tháng 8 âm lịch năm 1793, Nguyễn Nhạc cầu cứu Phú Xuân. Quang Toản sai thái úy Nguyễn Văn Hưng, hộ giá Nguyễn Văn Huấn, tư mã Ngô Văn Sở vào cứu viện Quy Nhơn.
Còn trận kịch chiến tại núi Hàm Long giữa nghĩa quân Cần Vương và quân Pháp được cố nhà thơ Quách Tấn kể lại trong sách Nước non Bình Định. Năm 1885, quân Pháp đổ bộ lên bãi Thị Nại, rồi kéo lên thành Bình Định (thời Tây Sơn gọi là thành Quy Nhơn). Nghĩa quân Cần Vương chặn đánh tại chân núi Hàm Long. Dù quân Pháp với vũ khí hiện đại nhưng khi giáp chiến gặp quân Cần Vương đánh hăng quá phải bỏ chạy. Khi qua khỏi núi Hàm Long, quân Pháp quay trở lại bắn, nghĩa quân Cần Vương đuổi theo không đề phòng, bị chết quá nửa, còn bao nhiêu thì tứ tán.
Theo TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, núi Hàm Long và chùa Sơn Long là cơ sở bí mật của tổ chức Đảng địa phương. Sau Hiệp định Geneve (1954), chùa Sơn Long được dùng làm trụ sở của Ủy ban Liên hiệp đình chiến Liên khu 5. Khu vực núi Hàm Long là nơi cán bộ, chiến sĩ cách mạng tập trung để chuẩn bị tập kết ra miền Bắc. Khi làm trưởng đoàn của Chính phủ VN về triển khai Hiệp định Geneve tại Bình Định, ông Phạm Văn Đồng có đến nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân dưới chân núi Hàm Long. (còn tiếp)
Bình luận (0)