Những ngọn núi thiêng: Huyền bí núi Chúa

Mạnh Cường
Mạnh Cường
18/09/2024 07:00 GMT+7

Dưới chân núi Chúa là khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) hơn ngàn năm tuổi. Núi Chúa được biết đến sớm nhất trong văn bia thế kỷ 4 dưới vương triều Bhadravarman và chứa đựng nhiều điều bí ẩn về sự linh thiêng được lưu truyền trong dân gian.

Ngọn "hải đăng" tự nhiên

Núi Chúa nằm ở phía nam thung lũng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H.Duy Xuyên, Quảng Nam), nổi bật với hình dáng khác lạ và độc đáo. Xưa kia, núi Chúa có tên gọi là Mahaparvata, là biểu tượng của tiểu quốc Amaravati thuộc vương quốc Champa. Tên gọi Mahaparvata được ghi trên văn bia đầu tiên của Mỹ Sơn vào thế kỷ 4 thuộc vương triều Bhadravarman. Nó được ví như ngọn núi thiêng Meru trong thần thoại Ấn Độ, nơi ngự trị của thần linh.

Những ngọn núi thiêng: Huyền bí núi Chúa- Ảnh 1.

Ngọn núi Chúa, nơi lưu truyền nhiều câu chuyện huyền bí

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Từ đất liền cho tới biển cả, trong phạm vi tiểu vương quốc Amaravati-Champa (vùng đất Quảng Nam ngày nay), có thể dễ dàng nhìn thấy ngọn núi Chúa. Điều đặc biệt, nếu nhìn từ thung lũng Mỹ Sơn, đỉnh núi Chúa trông giống như chim thần Garuda khổng lồ đang sải cánh theo huyền tích người Chăm.

Ông Lê Văn Minh, Trưởng phòng Bảo tồn (Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn), đã nhiều lần lên đỉnh núi Chúa để khảo sát, khám phá. Từ thung lũng thần linh đến đỉnh núi thiêng này, nơi đâu cũng gắn với một câu chuyện kỳ bí được người dân truyền tai nhau từ đời này qua đời khác.

Theo ông Minh, ngọn núi thiêng này có tên núi Chúa vì nó lớn và cao hơn tất cả các ngọn núi xung quanh. Từ đỉnh núi Chúa, hướng mắt theo một đường thẳng sẽ thấy được đền tháp Mỹ Sơn, kinh đô Trà Kiệu, phố cổ Hội An và đảo Cù Lao Chàm. Tất cả 5 địa danh nổi tiếng này đều nằm trên một đường thẳng. "Đúng hơn là một trục thẳng nối từ điểm cuối là Cù Lao Chàm ngoài khơi xa đến điểm đầu là đỉnh núi Chúa. Điều này chứng tỏ người Champa xưa trước khi đặt nền móng để xây dựng khu đền tháp Mỹ Sơn đã xem phong thủy rất kỹ", ông Minh nói.

Trong văn bia Champa, núi thiêng Mahaparvata tượng trưng cho thần Siva. Sông Thu Bồn (hay Mahanadi) chính là dòng sông thiêng tượng trưng cho nữ thần Ganga (vợ của thần Shiva). Đỉnh núi Chúa được người Champa xem như một ngọn "hải đăng" tự nhiên để xem tọa độ mỗi lúc đi biển. Ngoài ra, tàu thuyền buôn nước ngoài đi lại trên Biển Đông nếu muốn ghé vào miền đất cũ Amaravati lấy nước ngọt hay cập bến Cửa Đại đều lấy đỉnh núi này làm cột mốc để xác định vị trí.

"Từ Cù Lao Chàm, núi Chúa như một búp măng khổng lồ. Ở hướng ngược lại, Cù Lao Chàm được xem là bức bình phong của Mỹ Sơn. Người Chăm xem ngọn núi này như một ngọn hải đăng quả không sai. Bởi khi đứng ở Cù Lao Chàm sẽ nhìn thấy được đỉnh núi này", ông Minh lý giải.

Những ngọn núi thiêng: Huyền bí núi Chúa- Ảnh 2.

Thánh địa Mỹ Sơn, thấp thoáng phía sau là đỉnh núi Chúa

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Nhiều câu chuyện ly kỳ

Các bậc cao niên kể, vào đêm trước lễ hội Bà Thu Bồn hằng năm (12.2 âm lịch), thường có một đốm lửa bay từ đỉnh núi Chúa về Dinh lăng bà Thu Bồn (ở xã Duy Tân, H.Duy Xuyên) cách đỉnh núi khoảng 1 km đường chim bay. Ngoài ra, có năm dân làng đói khổ, một con bò thần từ thung lũng thần linh mang rất nhiều vàng chạy ra giúp dân…

Xung quanh núi Chúa, người dân địa phương vẫn truyền nhau câu chuyện Thái thú Cao Biền (Trung Hoa) từng cưỡi diều bay đến đỉnh núi trấn yểm vì lo ngại địa thế Quảng Nam sẽ sinh ra hào kiệt. Nhiều người còn mô tả, trên vách đá dựng đứng nhô ra có dấu ấn son đỏ chót hình tròn, ở giữa hình vuông… Nhưng theo ông Lê Văn Minh, thông qua flycam khảo sát thì không phát hiện dấu vết gì. "Thực ra dấu ấn mà người dân truyền tai nhau chỉ là dấu tích của nước mưa từ kẽ đá chảy ra để lại. Có thể đây chỉ là câu chuyện người dân thêu dệt nên", ông Minh nhận định.

Trước đây, các bậc cao niên cũng kể rằng giữa lưng chừng núi Chúa có khu Vườn Bà với nhiều loại cây ăn quả, cùng các loài hoa thơm cỏ lạ. Vườn Bà được cho là nơi người Chăm trồng cây ăn quả để dâng cúng thần linh. Ai đã đi lạc vào khu vườn đó, nếu hái quả ăn thì phải bỏ hạt lại, cũng không được hái đem về.

Trường hợp khi trở về mà đem những điều đã trông thấy kể lại cho người khác nghe thì sẽ bị cấm khẩu (!). Câu chuyện về người thợ săn hiện vẫn đang truyền tụng. Xưa, vì mải đuổi con mồi nên lạc lên trên ngọn núi Chúa. Lúc chiều về, khi đang đói khát thì anh bắt gặp một vườn cây trĩu quả và một hồ nước mát trong lành. Sau khi ăn uống no nê, người thợ săn tìm được lối về rồi đem câu chuyện kể cho người làng. Mấy ngày sau, người thợ săn cấm khẩu, ngã bệnh 3 tháng 10 ngày thì qua đời. Theo lý giải của người dân, do người thợ săn này bị chủ khu vườn phạt khi mang hạt cây trái của núi Chúa theo mình xuống núi. "Hiện nay, qua khảo sát, chúng tôi thấy khu vực được cho là Vườn Bà còn rất ít cây ăn quả tồn tại. Có thể do quá trình "thanh lọc" của tự nhiên, cây rừng mạnh hơn nên đã lấn át hết các loại cây ăn quả này", ông Minh chia sẻ.

Theo những câu chuyện lưu truyền, trước đây người dân thường vào khu vực núi Chúa khai thác cây mang về nhà, nhưng do đường sá đi lại khó khăn nên đã ở lại 2 - 3 ngày và sau đó gặp một tai họa. "Tất cả cũng chỉ là những câu chuyện tâm linh do người dân truyền tai nhau, đến nay vẫn chưa có gì xác định", ông Minh nói. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.