Những người con thời chiến

27/07/2015 09:43 GMT+7

(TNO) Chúng tôi tìm đến làng trẻ em SOS Gò Vấp, ngôi trường từng mang tên Trường con liệt sĩ khu thiếu nhi Gò Vấp (TP.HCM). Đây là nơi nuôi dưỡng những đứa con mồ côi cha mẹ do chiến tranh. Tên trường gợi đến mất mát mà những con người từng sống ở đây phải hứng chịu thời thơ ấu.

(TNO) Chúng tôi tìm đến làng trẻ em SOS Gò Vấp, ngôi trường từng mang tên Trường con liệt sĩ khu thiếu nhi Gò Vấp (TP.HCM). Đây là nơi nuôi dưỡng những đứa con mồ côi cha mẹ do chiến tranh. Tên trường gợi đến mất mát mà những con người từng sống ở đây phải hứng chịu thời thơ ấu.

Ngày 27.07 của những đứa con thương binh, liệt sĩ 1Những người con mồ côi trở về thắp hương tưởng nhớ cha mẹ đã hy sinh - Ảnh: Bùi Thư
Ký ức rời rạc
Dường như không một ai trong số những người con liệt sĩ ở đây có thể nhớ rõ mặt cha mẹ mình. Họ trở thành trẻ mồ côi từ khi mới 2, 3 tuổi và điều khiến họ biết đến cha mẹ là qua câu chuyện của ông bà, qua những bằng khen đã bạc màu trên bàn thờ hay những chiếc huy chương được gửi về sau giấy báo tử. Những ký ức rời rạc về cái chết như: “Ba cô ngày xưa làm tiểu đội trưởng C51 mặt trận phía nam xã Bàu Lâm, Xuyên Mộc (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu), mẹ là cán bộ kinh tài. Mẹ mất năm 1968, 1969 thì ba tử trận. Cả hai đều chết trong lúc làm nhiệm vụ. Không một tấm ảnh, không một kí ức rõ ràng nào để cô nhớ về ba mẹ mình”, bà Trịnh Thị Xuyến (Long Khánh, Đồng Nai) tâm sự.
Ông Lê Văn Út, ngụ tại ấp 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau đã bắt xe đò đi trong đêm để sáng 26.7 kịp về lại trường họp mặt. Ông kể mình là người tận mắt chứng kiến cảnh ba mẹ bị giặc sát hại. Cả hai đều bị bắn khi còn cách nhà chừng mấy chục bước. “Lúc đó tôi chỉ thấy những đốm lửa bùng lên, tiếng nổ rồi ba mẹ biến mất, chỉ thấy khói bụi rồi cậu dì bảo ba mẹ chết. Tôi có nhớ rõ mặt ông bà đâu nhưng lòng căm hận thì nó uất nghẹn trong ngực. Cũng do quá căm thù nên đến năm 10 tuổi, tôi quyết định đi giao liên giúp các cô chú đồng đội ba mẹ cho đến khi đất nước giải phóng”, nói đoạn ông Út chỉ vào đôi chân của mình: “Đây, đôi chân khập khiễng này cũng là do địch bắn lúc làm nhiệm vụ, mảnh đạn vẫn còn, cứ trái gió trở trời là lại hành lên đau nhức”.
Niềm hạnh phúc của ngày sum họp - Ảnh: Bùi Thư
Nương nhau mà sống
Bắt đầu từ năm 1978, những người con thương binh, liệt sĩ từ 21 tỉnh thành được đưa vào Trường con liệt sĩ khu thiếu nhi Gò Vấp để được nuôi nấng và dạy dỗ. Cũng từ những năm tháng này mà hơn 60 người đã sum họp về đây gắn bó thân thiết và coi nhau như anh em trong nhà. Đến tận bây giờ, mỗi người đã có trên đầu hai thứ tóc, con cái của họ đã trưởng thành và có gia đình ổn định, họ vẫn gặp nhau hằng năm như một lời thề ước để trở về, cùng nhau làm đám giỗ chung cho cha mẹ.
Nhắc đến những năm tháng sống trong trường, bà Xuyến kể: “Để có một ngày gặp mặt thân tình như hôm nay, chúng tôi đã phải trải qua tuổi thơ không cha không mẹ cùng nhau, chỉ biết nương nhau mà sống. Anh chị đi trước như cha mẹ chỉ dạy lại cho lứa sau từ cách xếp mùng mền, cách tự chăm sóc bản thân cho đến con chữ, mọi buồn vui ngày đó đều chia sẻ với nhau. Trường học bây giờ là nơi dạy kiến thức chứ hồi đó đối với tất cả chúng tôi là ngôi nhà, tất cả sống chung và bảo ban nhau”.
Theo ký ức của bà Nguyễn Thị Ninh (Quảng Trị), đến năm 1987, bà cùng bạn bè được đưa đi xuất khẩu lao động ở Đức: “Mấy anh chị lớn người đi Tiệp Khắc, người đi Hungary, Bulgaria. Lứa của tôi được xuất khẩu qua Đức lao động. Cũng may người ta cho nguyên nhà khoảng 40 người đi hết nên bên nhau cả những ngày tháng xa quê hương. Xa quê quen rồi nên cũng không nhớ nhà nhiều vì còn cha còn mẹ đâu nữa mà nhớ, có thì nhớ thầy cô và những anh chị đi trước”.
Những tấm hình tập thể cũ ngày xưa ở cùng nhau - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đoàn tụ
Ban liên lạc, những người phụ trách tìm kiếm, liên hệ và thông báo cho những người ở xa biết ngày về gặp mặt cùng tình hình của các anh chị em trong trường chìa ra cho chúng tôi xem cuốn sổ đã úa màu thời gian. Trên sổ ghi rõ ngày tháng từ năm 1990 đến nay, mỗi năm ai về, đóng góp bao nhiêu vào quỹ. Ông Đỗ Văn Hà, Trưởng ban liên lạc chia sẻ: “Xa nhau các anh chị em người khá giả, người vẫn nghèo khổ nên chúng tôi lập quỹ ngoài để họp mặt cúng mâm cơm cho cha mẹ, để giúp đỡ những ai bị bệnh, hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt năm nay còn tổ chức đấu giá bức ảnh ngôi nhà sàn ngày xưa mọi người ở cùng nhau, cũng để xung vào quỹ”.
Nếu không tận mắt chứng kiến những người con thương binh, liệt sĩ này rơi nước mắt, ôm lấy nhau khi gặp lại như đón một người anh em trong nhà trở về thì có lẽ chúng tôi sẽ mãi không lý giải được vì sao sau 37 năm xa cách, họ vẫn tìm về nhau mỗi dịp 27.7.
“Tình cảm thân thiết ăn sâu máu thịt không thể nào phai được, quay trở về hay giúp đỡ là trách nhiệm mọi người tự thấy với bạn bè mình", bà Xuyến chia sẻ.
Chiến tranh có thể cắt lìa mọi thứ nhưng nó đã khiến cho những con người này trở thành anh em của nhau. Họ là những số phận bị chiến tranh cướp đi nhiều thứ nhưng chiến tranh, thời gian, khoảng cách hay giàu nghèo không thể tách rời họ. Ngày 27.7 hằng năm, với họ hẳn là ngày đánh dấu nỗi đau trở thành trẻ mồ côi nhưng cũng là ngày họ đã tìm thấy và gắn bó với nhau suốt 37 năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.