Chuyên gia “xăm”… mìn
Bức ảnh do nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Trần Kỳ Phương ghi lại vào năm 1978 cho thấy những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thánh địa Mỹ Sơn chìm trong cảnh tan hoang vì bom, đạn pháo. Để những chuyên gia, trong đó có ông Phương, có thể đặt chân đến những ngọn tháp và ghi lại bức ảnh này, nhiều người đã âm thầm nằm xuống bởi việc tháo dỡ bom, mìn đầy rủi ro. Và người chỉ huy “cuộc chiến” này chính là ông Huỳnh Tiến Năm.
Ông Năm kể, lúc đó với chức vụ Xã đội trưởng xã Duy Tân, ông được Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng giao nhiệm vụ chỉ huy một đội quân gồm 12 người mở đường vào Mỹ Sơn. Tháng 6.1975, công việc bắt đầu. Ông Năm phân chia, tổ chức đội hình dàn hàng ngang với khoảng cách người này đến người khác khoảng 10 m để tránh trường hợp bom mìn phát nổ có thể sát thương người bên cạnh. “Chúng tôi xác định tai họa có thể đến bất cứ lúc nào nên phải giữ khoảng cách như vậy để khỏi “chết chùm”. Tại hiện trường có đủ tất cả các loại bom nguy hiểm, mìn ríp… mà dụng cụ để “rà phá” chỉ là cây sắt. Cứ thế chúng tôi tỉ mẩn xăm từng centimet đất, tiến về thánh địa”, ông Năm nhớ lại.
Mỗi ngày, đồng đội chỉ gỡ được vài chục quả, riêng ông Năm với kinh nghiệm dày dạn có thể gỡ từ 300 - 400 quả. “Có những quả lựu đạn đã được rút chốt, quân địch đặt dưới viên đá nhằm ngăn đường tiến quân của phía ta. Chỉ sơ suất một chút là toi. Nhưng cũng có những loạt mìn được gài theo một nguyên tắc nào đó. Nếu định hình được thì tôi có thể gỡ cả 100 quả trong vòng vài chục phút”, ông Năm kể.
|
Dọn đường cho chuyên gia vào Mỹ Sơn
Tháng 10.1975, đợt rà phá bom mìn đầu tiên kết thúc. Năm 1976, ngay sau Tết Nguyên đán, đội quân của ông Năm tiếp tục trực chỉ Mỹ Sơn. “Tôi nhớ năm đó cấp trên có chỉ thị bằng mọi cách phải làm sạch bom, mìn với chiều rộng đúng bằng một con đường chừng vài mét. Từ đường cái, chúng tôi mở về phía tháp cổ với đoạn đường dài khoảng 6 km. Chỉ ít ngày sau khi hoàn thành, một đoàn chuyên gia có nhiều người nước ngoài đã đi trên con đường này vào Mỹ Sơn để khảo sát”, ông Năm nhớ lại. Sang năm 1977, nhiều đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu Mỹ Sơn bằng con đường này.
“Thế nhưng điều không may xảy ra. Đó là ngày 5.4.1977, khi tôi đang cố gắng vô hiệu 2 quả bom chống tăng ở một vị trí rất khó tại đồi 60 thì một trái mìn ríp phát nổ. Tôi bị thương nặng và hỏng một mắt. Không lâu sau, một đồng chí khác phá 2 trái bom đã hy sinh. Rồi nhiều người tiếp tục bị thương”, ông Năm tiếp lời. Lúc này huyện chủ trương dừng hẳn việc rà phá. Nhưng khi hay tin đồng đội hy sinh, ông Năm lại tiếp tục trở lại “chiến đấu” với trận địa thung lũng Mỹ Sơn. Đến tháng 8.1977, toàn bộ vùng Mỹ Sơn và khu vực thánh địa hoàn toàn “giải phóng”. Khoảng 60 tấn bom, mìn đã được tháo gỡ.
Năm 1982, khi các chuyên gia Ba Lan hợp tác, giúp đỡ VN trùng tu di tích Mỹ Sơn, ông Năm lãnh nhiệm vụ chỉ đạo một đội thợ địa phương tham gia công tác phát quang, dọn dẹp một khu vực rộng lớn. Ông kể: “Tôi nhớ như in hình ảnh anh chàng cao to người Ba Lan Kazimier Kwiatkowski mà chúng tôi thường gọi tên thân mật là Kazik. Hằng ngày trên công trường, tôi nhận nhiệm vụ từ anh thông qua một thông dịch viên tiếng Nga, chỉ đạo anh em vận chuyển xi măng, gạch Chăm tận dụng… để trùng tu các tháp cổ”.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho rằng ông Huỳnh Tiến Năm đã góp công sức to lớn trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh tại Mỹ Sơn. “Ông Năm và những đồng đội của mình xứng đáng được tôn vinh bởi những hy sinh âm thầm nhưng đầy ý nghĩa đối với di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn”, ông Tịnh nói. Được biết, năm 1988, ông Năm được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Bình luận (0)