Những người 'đầy tớ' của dân: Thạc sĩ người Mông đổi đời cho quê hương

Vũ Thơ
Vũ Thơ
31/01/2020 09:00 GMT+7

Ở nhiều địa phương, có những cán bộ đảng viên luôn hết lòng chăm lo cho đời sống của nhân dân và thực sự trở thành những người “đầy tớ” của dân, như lời Bác dạy.

Mản Thẩn vốn là một xã vùng cao khó khăn của H.Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, với 95% là người dân tộc thiểu số, nhưng từ khi anh Giàng Seo Châu (33 tuổi) về làm cán bộ xã thì đã giúp dân đổi đời.
Chúng tôi đến Mản Thẩn vào những ngày cuối năm 2019. Điều ngạc nhiên ở nơi đây là đường vào thôn, bản đã được bê tông hóa toàn bộ, xe máy có thể đi băng băng khắp nơi mà không gặp khó khăn nào. Người dân đã rộn ràng mổ lợn chuẩn bị đón tết. Nhà nhà quây quần bên mâm cơm đầy thức ăn ngon. Sự sung túc, no đủ đã hiện hữu trên vùng cao này và khi nhắc đến cái tên Giàng Seo Châu thì ai cũng tấm tắc khen.

Thạc sĩ đầu tiên của bản làng

Anh Châu là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, một trong những bí thư Đảng ủy xã trẻ hết lòng vì dân. Anh cũng là thạc sĩ người Mông đầu tiên của H.Si Ma Cai, đã dùng kiến thức của mình để mở lối làm giàu cho dân.
Những người 'đầy tớ' của dân: Thạc sĩ người Mông đổi đời cho quê hương1

Anh Giàng Seo Châu luôn làm gương trong sản xuất để bà con học tập

Giàng Seo Châu sinh ra trong một gia đình nghèo tại Mản Thẩn, trong gia đình không ai biết chữ. Đến năm 10 tuổi, anh Châu mới được đi học. Vì là người dân tộc nên khó nhất với Châu là ngôn ngữ, khó đọc, khó nói. Tuy nhiên, với tâm niệm phải học cho tốt để sau này không phải vất vả như bố mẹ và đóng góp công sức của mình giúp đỡ quê hương, anh Châu đã cố gắng từng ngày. Anh kể: “Tôi đã thi và đỗ vào 2 trường đại học (ĐH) là Trường ĐH Sư phạm và Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), nhưng bố tôi không cho đi học. Ông nói: Tao chỉ thấy người ta thồ ngô, thồ thóc ra chợ bán có tiền, chứ tao chưa thấy ai đi học mà có tiền”. Tuy nhiên, được sự ủng hộ của mẹ và anh chị em, anh Châu vẫn quyết tâm học Trường ĐH Nông nghiệp với mong muốn mang kiến thức về quê hương giúp dân làm giàu từ nông nghiệp. “Dù được miễn học phí nhưng tôi không đủ tiền sinh hoạt, hằng ngày phải đi làm thuê, từ rửa bát đến chăm sóc vườn cây để có tiền ăn ở”, anh Châu kể.

Tôi nghĩ mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn cho quê hương mình ngày càng phát triển. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng để trở thành người đầy tớ suốt đời trung thành của nhân dân, như lời Bác Hồ đã dạy

Anh Giàng Seo Châu

Sau khi tốt nghiệp ĐH, anh Châu muốn tiếp tục học lên thạc sĩ, bố anh ngăn cản vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Mẹ anh thì ủng hộ nhưng bà cũng không có tiền cho con đi học. Vậy là anh Châu đã liều vay ngân hàng 60 triệu đồng để tiếp tục học lên và trở thành người Mông đầu tiên của H.Si Ma Cai có trình độ thạc sĩ. Nói về khoản nợ ngân hàng, anh Châu cho biết sau khi đi làm đã tiết kiệm từ mức lương 7 triệu đồng/tháng để trả dần và mới hết nợ được 3 năm nay.
Những người 'đầy tớ' của dân: Thạc sĩ người Mông đổi đời cho quê hương2

Anh Giàng Seo Châu là thanh niên tiêu biểu tham dự Đại hội Hội LHTN VN lần thứ 8 nhiệm kỳ 2019 - 2024

Ảnh: Vũ Thơ

Mở lối làm giàu cho dân

Để theo đuổi ước mơ giúp người dân làm giàu trên quê hương, trong khi học thạc sĩ, anh Châu đã đăng ký tham gia dự án của Bộ Nội vụ tuyển chọn 600 trí thức trẻ tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã thuộc các huyện nghèo, và được làm Phó chủ tịch UBND xã Mản Thẩn từ năm 2012. Từ khi nhận trọng trách trên quê hương, anh tìm cách làm giàu cho quê mình bằng cách nghiên cứu các loại cây trồng, vật nuôi thích hợp. “Trước bà con chỉ chăn nuôi trâu bò thả rông quanh năm và chỉ nuôi 1 con, nhưng bây giờ mỗi nhà trồng cỏ và nuôi nhốt 3 - 4 con, có thu nhập vài chục triệu đồng/năm”, anh Châu chia sẻ.
Anh Châu đã cần mẫn đi vào các thôn, bản tuyên truyền, cải tạo phong tục tập quán đưa giống cây có năng suất cao vào trồng trọt như cây tam thất, mận Tả Van để tăng giá trị hơn gấp 4 lần so với trồng ngô... “Tôi đã vận động bà con sử dụng giống mới vào sản xuất đúng như những kiến thức mà tôi được học. Bà con chưa quen với việc trồng rau trái vụ, trồng cây ăn quả ôn đới, trồng dược liệu... nên tôi phải làm trước để làm gương cho mọi người làm theo”, anh Châu chia sẻ và cho biết: “Hiện tại, giá mận Tả Van khoảng 35.000 - 70.000 đồng/kg, doanh thu từ 1 cây mận lên tới 5 - 6 triệu đồng. Bà con năm nào cũng được mùa, kinh tế gia đình được nâng cao hơn trước. Với cây tam thất thì giá trị mang lại cũng hơn rất nhiều lần so với trồng ngô, trồng lúa và sẽ là cây để phát triển quê hương. Chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu để mỗi khi nhắc đến cây tam thất người ta nghĩ đến Si Ma Cai”.
Những người 'đầy tớ' của dân: Thạc sĩ người Mông đổi đời cho quê hương3

Bữa cơm no đủ của bà con Mản Thẩn

Ảnh: V.T

Nhờ sự nỗ lực đưa giống cây trồng và vật nuôi mới vào trồng trọt, chăn nuôi nên mức sống của người dân trong xã đã được nâng lên gấp gần 3 lần. Thu nhập bình quân đầu người/năm từ 12 triệu đồng năm 2012 đã lên tới 33 triệu đồng năm 2019. Dẫn chúng tôi ra thửa ruộng trồng bạt ngàn cây tam thất, anh Tần Seo Lèng, người dân thôn Sin Chú (xã Mản Thẩn), phấn khởi kể: “Trước bà con trồng ngô không hiệu quả, năng suất thấp, dân đói lắm. Từ ngày có cán bộ Châu hướng dẫn mua cây tam thất về trồng cho năng suất cao, đời sống tốt hơn nhiều”.

Hạnh phúc vì phục vụ nhân dân

Cũng từ khi làm Phó chủ tịch xã, anh Châu đã tham mưu xây dựng nông thôn mới thành công. Đầu tiên là việc xây những tuyến đường bê tông vào các thôn, bản. Công việc này gặp không ít khó khăn và cả sự nguy hiểm vì có những hộ dân chống đối quyết liệt. “Khi đi vận động bà con làm những tuyến đường đầu tiên, chúng tôi bị bà con chửi là cán bộ ăn đất của dân; nếu cán bộ tiếp tục làm đường vào nương của tôi, tôi sẽ chém cán bộ. Những lúc như thế tôi rất nản lòng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục họp dân, tiếp tục bàn và cuối cùng cũng vận động bà con làm được những con đường đầu tiên”, anh Châu nói.
Thế rồi, từ khi con đường đầu tiên làm xong, bà con thấy hiệu quả của việc đi lại, nên rất phấn khởi và những nơi khác nhìn thấy cũng muốn có những con đường như vậy. Chỉ sau 3 năm, toàn bộ đường ở các thôn, bản đã được bê tông hóa; xã Mản Thẩn được UBND tỉnh Lào Cai công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và là xã đầu tiên của H.Si Ma Cai đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.
Đặc biệt, anh Châu còn luôn quan tâm đến công tác giáo dục trên địa bàn và thường xuyên đến từng nhà vận động nhân dân cho con em đi học. Anh Châu đã vận động xã hội hóa hơn 1 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn được khang trang, sạch đẹp; nỗ lực để xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; có 100% thôn đạt chuẩn thôn văn hóa...
Với những thành công đó, sau 3 năm làm Phó chủ tịch xã, anh Châu được bầu làm Chủ tịch UBND xã vào năm 2015 và được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã năm 2017. Ông Giàng Seo Chùa, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Mản Thẩn, nói: “Anh Châu nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, tích cực giúp bà con phát triển sản xuất nên đã nâng cao đời sống người dân và quê hương có nhiều khởi sắc”.
Chia sẻ mong muốn của mình, anh Châu trăn trở: “Mản Thẩn vẫn còn nghèo. Tôi nghĩ mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn cho quê hương mình ngày càng phát triển. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng để trở thành người đầy tớ suốt đời trung thành của nhân dân, như lời Bác Hồ đã dạy”. (còn tiếp
Với những đóng góp của mình, anh Giàng Seo Châu nhiều lần được UBND tỉnh Lào Cai tặng bằng khen, giấy khen và là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2016 do T.Ư Đoàn bình chọn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.