Những người định cư... ở bệnh viện hàng chục năm

30/09/2017 10:02 GMT+7

'Con muốn về nhà, không muốn ở trong này hoài!', bé Thuận gào lên, nước mắt đầm đìa, mặt nhăn quắt lại vì vô thuốc đau quá

11 tuổi, nhưng bé Đinh Bảo Thuận (quê Hậu Giang) đã có thâm niên... 10 năm ở bệnh viện (BV) điều trị ung thư máu. Và Thuận chỉ là một trong hàng trăm bệnh nhân tim mạch, ung thư, chạy thận nhân tạo... “định cư” ở BV.
Bé Đinh Bảo Thuận (quê Hậu Giang, bị ung thư máu) điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM gần 10 năm nay
15 năm ngủ ghế đá
Cả tuần bị sốt và thiếu máu, bé Thuận (mắc bệnh bạch cầu lympho cấp tính) không ra khỏi phòng 303, khu B, BV Ung bướu TP.HCM. Bà Đỗ Thị Thảo Ly, mẹ của Thuận, cho biết: “Nó là đứa kỳ cựu nhất ở đây, nằm viện từ khi mới hơn 1 tuổi, đến nay đã 11 tuổi. Những đứa cùng thời và bệnh nặng như nó đã “rớt” (chết) gần hết...”.
Theo bà Ly, thường sau mỗi đợt vô thuốc và sức khỏe ổn định, Thuận được cho về khoảng 5 - 10 ngày. Nhưng cũng có khi mấy tháng, mấy cái tết liền, Thuận phải ở trong BV. Đi viện liên miên nên bé Thuận chưa có một ngày đến trường học chính thức.
“Khi Thuận phát bệnh là lúc tui sanh nhỏ em nó được 5 ngày. Mình tập trung lo cho đứa này không có thời gian lo đứa kia nên nó cũng bị thất học. Đất đai phải bán hết để mua thuốc cho con”, mẹ bé Thuận ngậm ngùi.
Trong số những bệnh nhi “thâm niên” tại BV Ung bướu TP.HCM còn có bé Phùng Thị Ngọc Chi (9 tuổi, tỉnh Bến Tre, bị ung thư máu). Bà Triệu Thị Hiệp, mẹ bé Chi, cho biết bé nhập viện khi mới hơn 1 tuổi.
“Hồi đó mình cứ tưởng vô đây mấy ngày rồi về, đâu ngờ kéo dài từ tháng này qua năm nọ. Lúc con Chi lên đây chữa bệnh, anh ruột nó còn nhỏ, lại vừa bị chấn thương đầu, gãy bốn cái răng do tai nạn giao thông. Vậy mà mình cũng phải đành đoạn bỏ thằng anh bù lăn bù lóc để lo cho con em”, bà Hiệp ứa nước mắt.
Không chỉ riêng các bệnh nhi mà cả người lớn cũng “đăng ký thường trú” bất đắc dĩ tại BV. 23 giờ ngày 15.9, khoa thận nhân tạo của một BV lớn ở Q.5, TP.HCM bắt đầu thưa vắng. Đây đó chỉ còn vài người chờ đón thân nhân của mình lọc máu ở ca cuối cùng trong đêm.
Lúc này, anh T. (33 tuổi, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) nằm co quắp trên chiếc ghế đá lồm cồm ngồi dậy, phụ mẹ và em gái thu dọn ly tách, đồ đạc. Anh T. đã chạy thận nhân tạo tại BV này hơn 14 năm nay. Tuy có bảo hiểm y tế diện hộ nghèo nhưng mỗi tháng, anh vẫn phải đóng các chi phí phát sinh khoảng 4 triệu đồng.

tin liên quan

Đột nhập khách sạn 'ổ chuột' giá bèo ở Sài Gòn
Ẩn khuất đâu đó trong lòng thành phố là những căn phòng chật hẹp, tồi tàn được cho thuê với giá rẻ bèo. Đó là nơi dung thân cho những khách thập phương đang miệt mài mưu sinh trên đất Sài Gòn.
“Em chạy thận vào thứ ba, năm, bảy hằng tuần. Không có tiền thuê phòng trọ nên mười mấy năm nay, mẹ con em đánh liều ở lại đây bán nước giải khát hoặc ai kêu gì làm nấy”, anh T. kể.
Nửa đêm, ba mẹ con đặt cái ghế bố giữa hai ghế đá dưới mái hiên khoa thận nhân tạo rồi giăng mùng ngủ. Phần mình, anh T. cứ lăn qua trở lại trên chiếc ghế đá quen thuộc...
Tình... bệnh viện
Bị suy tim nặng gần 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Sáu (xã Cam Thủy, H.Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) gần như “thường trú” tại BV. Lâu lâu bà mới về “tạm trú” trong căn nhà nhỏ của mình, thắp cho chồng nén nhang để xua bớt không khí hoang lạnh. Đầu giường, bà luôn để sẵn chiếc túi xách đựng mấy vật dụng cần thiết để có thể nhập viện bất cứ lúc nào.
Nằm viện triền miên, bà Sáu đành bỏ mặc hai đứa con tự ngụp lặn với đời ngay từ hồi chúng còn là trẻ vị thành niên. Người đàn bà từng một thời làm thợ hồ xốc vác kể với giọng đứt quãng nặng nhọc: “Con cái đi thăm cũng vô chừng nên mình chỉ biết trông cậy vào người nhà bệnh nhân cùng phòng. Có ngày mình ngất đến 6 lần, người ta chăm sóc, dìu mình đi tiểu tiện. Họ thường bới cơm theo nhiều hơn một chút để sớt cho mình...”.
Sáng 8.9, bé Tr. (quê Bến Tre) mất tại phòng 305, khu B, BV Ung bướu TP.HCM. Không ai bảo ai, các phụ huynh cùng chung tay lo hậu sự cho bé Tr. và an ủi gia đình bé. Và đã thành thông lệ, tất cả các phòng bệnh nhi nơi đây đều tự nguyện góp tiền, người ít kẻ nhiều tiễn bé về quê.
“Vô đây rồi là coi như gia đình. Khi các bé sốt, chị em xúm vô lau. Mình là người cũ, còn người mới không biết nên nhiều khi mình hướng dẫn, phụ họ canh vô thuốc sáng đêm cho mấy bé. Nói thiệt là khi hữu sự xảy ra, thân nhân lên cũng muộn màng lắm rồi, nên anh chị em trong này luôn giúp đỡ lẫn nhau”, một phụ nữ lưu trú tại phòng 303 tâm sự.
Bà cũng bật mí có những trường hợp điều trị ngoại trú, song gia đình không có khả năng thuê trọ. Do vậy, bệnh nhi các phòng cùng chia sẻ chỗ ở chật chội, kể cả sống dưới gầm giường, sàn nhà... đùm túm nhau đi qua những ngày khốn khó.
*
Trong thời gian lui tới các BV để viết bài này, tôi thường bị ám ảnh. Bởi, cứ trò chuyện với một bệnh nhân mắc bệnh nan y là dường như biết thêm một hoàn cảnh bế tắc. Có những người hôm trước mình còn gặp, hôm sau đã ra đi vĩnh viễn hoặc bỏ ngang phác đồ điều trị vì không kham nổi chi phí...

tin liên quan

Người tặng hòm
Thời trai trẻ, khi còn mưu sinh bằng nghề nhổ lông vịt ông Nguyễn Văn Giao đã có “máu” giúp người.
Bà Triệu Thị Hiệp, mẹ bệnh nhi Phùng Thị Ngọc Chi (quê Bến Tre), thẫn thờ với xấp hóa đơn thuốc ngoài danh mục đắt đỏ
Những lời than thở của bà Hiệp, mẹ của bé Phùng Thị Ngọc Chi, cứ vướng víu trong đầu: “Gia đình tui lún nợ luôn rồi. Nợ của nhà nước 150 triệu đồng, chưa kể nhiều khoản nợ bên ngoài. Giờ chỉ còn biết trông chờ vào sự giúp đỡ của BV và những nhà hảo tâm”.
Những ngày qua, tôi tham gia quyên góp, vận động bạn bè hỗ trợ một số ca bệnh nhi ung thư, nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển. Có cái gì đắng nghẹn khi nghĩ tới những đại án tham nhũng hàng nghìn tỉ đồng. Có lẽ, chỉ một phần trong số tiền đó cũng có thể “tiếp máu” cho nhiều bệnh nhân, cứu giúp được bao nhiêu gia đình đang khánh kiệt vì bệnh tật.
Có cái gì đắng nghẹn khi nghĩ tới những đại án tham nhũng hàng nghìn tỉ đồng. Có lẽ, chỉ một phần trong số tiền đó cũng có thể “tiếp máu” cho nhiều bệnh nhân, cứu giúp được bao nhiêu gia đình đang khánh kiệt vì bệnh tật
Khát khao đi học
Trong những buồng bệnh ồn ào và chật chội, nhiều bệnh nhi thường cắm mặt vào chiếc điện thoại để giải trí và tạm quên đau đớn. Tuy nhiên, cũng có những bé rất ham học. Ngày 16.9, bé Phùng Thị Ngọc Chi (Bến Tre) khoe được bác sĩ cho về 10 ngày. Mẹ bé nói: “Đi đi về về vậy chứ bé học giỏi lắm. Trước khi lên đây, bé đã nhờ cha đăng ký với nhà trường để khi nào về là đi học ngay”.
Chiều 8.9, em Huy Khang - 14 tuổi, quê Kiên Giang, bị ung thư phổi - háo hức thử bộ đồ học sinh để mai dự khai giảng lớp học chữ (chương trình Ước mơ của Thúy) ở BV. Trong khi đó, cô bé xinh xắn Trần Thị Yến Ngọc (11 tuổi, bị ung thư máu, quê Sóc Trăng) thỏ thẻ: “Con ước có bộ sách lớp 6. Con thích đi học để quên bệnh”.
“Cái bang” trà trộn
Ở dãy hành lang khu B, BV Ung bướu TP.HCM thường có trên 20 người “định cư”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số đó có những bệnh nhân đang hoặc đã thôi điều trị ngoại trú, nhưng vẫn túc trực đêm ngày để nhận tiền, quà từ thiện. Đặc biệt, có cả những “cái bang” trà trộn, thường gây nên cảnh xô đẩy hỗn loạn để tranh giành phong bì khi một số người tự vào đây phát tiền (không thông qua Phòng Công tác xã hội của BV).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.