Để vào được Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội (Q.Long Biên, Hà Nội), chúng tôi phải khai báo, kiểm tra an ninh nghiêm ngặt.
Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội hiện có 131 kiểm soát viên không lưu, trong đó có 70 nữ. Cửa ra vào phòng điều hành rộng 600 m2 nổi bật lên tấm áp phích màu đỏ: "Một giây lơ là cả năm trả giá, một phút chủ quan phá tan sự nghiệp". Ánh sáng lờ mờ để kiểm soát viên tập trung cao độ vào màn hình.
Gặp gỡ cuối năm: Chuyện chưa kể về tết của những người 'giấu mặt' sau những chuyến bay
Không được lơ là dù chỉ 1 giây
Khi còn học cấp 3, chị Võ Thị Hải Sen (41 tuổi) ước mơ sẽ thi vào ngành hàng không. Đậu vào trường, chị mới biết đến khái niệm không lưu qua lời giới thiệu của thầy cô và chọn theo chuyên ngành này. Tuyển chọn đầu vào của ngành rất khắt khe, đòi hỏi mỗi người phải đáp ứng tiêu chuẩn về sức khỏe, thị giác, thính giác, tim mạch, huyết áp… Tất cả cần được cơ sở y tế hàng không cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn.
Tiếng Anh của kiểm soát viên không lưu bắt buộc đạt mức 4 theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) vì đây là ngôn ngữ chính khi làm việc. Sau khi tốt nghiệp Học viện Hàng không, mỗi người phải trải qua 1 năm theo học các khóa huấn luyện tại cơ sở, tham gia kỳ thi do Cục Hàng không tổ chức để được cấp giấy phép hành nghề.
"Máy bay di chuyển rất nhanh đòi hỏi kiểm soát viên phải có tính quyết đoán, có những tình huống phải hoàn tất nhận diện trong 2 giây. Liên quan hàng trăm hành khách trên bầu trời, nghề này không cho phép chúng tôi được lơ là bất kỳ một giây phút nào", chị Sen chia sẻ. Sau 14 năm tích lũy kinh nghiệm, trải qua nhiều kỳ thi và các vị trí làm việc khác nhau, chị trở thành kíp phó không lưu.
Cũng có 20 năm gắn bó với nghề, chị Đỗ Thanh Thủy (41 tuổi), kíp phó không lưu tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận - tại sân Nội Bài, từng mất 18 tháng tập huấn mới có thể điều hành một chiếc máy bay. Dáng người nhỏ nhắn, năng động, kíp phó Thanh Thủy xúc động nhớ lại, ngày học lý thuyết, thực tập trong phòng giả định chị thấy mọi thứ đơn giản như chơi một trò chơi. Còn khi điều hành một chuyến bay thực tế, chị cảm nhận rõ công việc này cần sự tập trung, trách nhiệm nặng nề thế nào.
"Điều hành bay liên quan tính mạng con người, không chấp nhận bất cứ một sai sót nào. Dù điều hành hàng trăm chuyến bay liên tục mỗi ngày, học hành, thi cử, chúng tôi cũng luôn phải tỉnh táo", chị Thủy nói và cho biết mỗi phiên trực được áp dụng theo tiêu chuẩn của ICAO, tức là làm 2 tiếng thì kiểm soát viên được nghỉ từ 30 - 60 phút, sau đó quay lại phiên trực. Vì vậy, ở Trung tâm kiểm soát đường dài hay Đài không lưu đều có phòng để kiểm soát viên không lưu nghỉ ngơi, chơi thể thao, thư giãn.
Dẫn đường chuyên cơ đến Việt Nam
Kiểm soát viên ở Trung tâm kiểm soát tiếp cận - tại sân Nội Bài phải đón nhiều chuyến bay chuyên cơ trong nước, quốc tế. Dù có quy định riêng khi dẫn đường chuyên cơ, nhưng riêng với chuyên cơ của Tổng thống Mỹ vẫn để lại ấn tượng khó quên với những nữ kiểm soát viên không lưu.
Từng vài lần tham gia dẫn đường chuyên cơ của các Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, chị Thủy kể: "Mỹ thường muốn trực tiếp điều hành các chuyên cơ của họ nhưng quản lý bay Việt Nam đã từ chối yêu cầu và khẳng định các kiểm soát viên không lưu ngồi điều hành chuyên cơ đã đảm bảo tiêu chuẩn điều hành, là người có kinh nghiệm xử lý tốt các tình huống bất trắc khi điều hành bay, không mắc các sai phạm gây uy hiếp an toàn bay trong thời gian 12 tháng trước khi thực hiện nhiệm vụ chuyên cơ".
Tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận - tại sân Nội Bài, kíp trực của chị Thủy từng hỗ trợ một tàu bay của Việt Nam từ Thái Lan về chuẩn bị hạ cánh bị trục trặc buồng càng. Tín hiệu từ phi công cho biết buồng càng không thể hạ xuống, tức là máy bay có thể phải hạ cánh bằng bụng, đồng nghĩa nguy cơ cháy nổ, chệch khỏi đường băng là rất cao.
"Chúng tôi khẩn trương yêu cầu cứu hỏa trải bọt trên đường băng để giảm khả năng cháy nổ, sẵn sàng để tàu bay hạ cánh bằng bụng. Nhưng may mắn, khi đáp tàu bay vẫn hạ cánh được bằng càng an toàn", chị Thủy chia sẻ.
Còn chị Hải Sen vẫn nhớ như in lần cứu nguy cho máy bay có trục trặc hệ thống điều áp. "Hỏng hệ thống điều áp thì máy bay sẽ xuống rất nhanh, phi công xin hạ độ cao khẩn, trong khi xung quanh còn rất nhiều máy bay khác. Ngay lập tức, chúng tôi cấp huấn lệnh cho tất cả các chuyến bay khác phải tránh xa máy bay này để bảo đảm an toàn", chị Sen nhớ lại.
Vào giờ cao điểm, lượng tàu bay đang hoạt động trên bầu trời tăng cao, đòi hỏi kiểm soát viên phải điều tiết để bảo đảm an toàn, hạ cánh theo thứ tự. Đặc thù thời tiết tết miền Bắc nhiều mây mù, tầm nhìn không đủ tiêu chuẩn cho máy bay hạ cánh cũng đưa kiểm soát viên vào thế khó. Khi đó, kiểm soát viên phải cập nhật liên tục thời tiết và kịp thời điều tiết.
20 năm không ăn tết bên gia đình
Vừa vào nghề, chị Trịnh Phương Thảo (24 tuổi), kiểm soát viên không lưu tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận - tại sân Nội Bài, xúc động: "Mặc dù đã được học ở trường, quan sát anh chị làm, được đào tạo rất lâu nhưng lần đầu tiên được cầm mic nói chuyện với phi công tôi run lắm. Sau đó, tôi mới tự hào vì sau bao nhiêu khó khăn, học hành, thi cử thì cuối cùng cũng trở thành nữ kiểm soát viên không lưu". Theo chị Thảo, lợi thế của người trẻ khi làm kiểm soát viên không lưu là nhanh nhạy, thích nghi tốt. Bù lại, vì chưa có kinh nghiệm nên khi xử lý tình huống, chị Thảo và những người trẻ mới vào nghề vẫn phải nhờ sự giúp đỡ của các anh chị có thâm niên.
Để duy trì chứng chỉ hành nghề, mỗi năm, kiểm soát viên không lưu đều phải trải qua các kỳ thi năng định và thi tiếng Anh 3 năm/lần.
Những ngày giáp tết, Hà Nội se lạnh, chị Sen lại nhớ về ngày đầu tiên đi trực đêm giao thừa. Cảm xúc chạy loạn nhịp, hoang mang, chị Sen không biết lựa chọn công việc này của mình có đúng đắn hay không. Nhưng đến cơ quan, thấy không khí rộn ràng, người trang trí cây đào, cây quất, người cắm hoa, người chuẩn bị bánh kẹo. Bước vào ca trực, nhận lời chúc tết từ phi công, nữ kiểm soát viên không lưu không còn thấy cô đơn. Thấm thoắt, 20 cái tết chị không ở bên gia đình, bố mẹ, chồng con cũng quen với cảnh chị tất bật chuẩn bị tết sớm và hối hả đi sớm, về khuya trong những ngày lễ, tết.
Trong khi đó, có chồng làm cùng nghề, vợ chồng chị Thủy phải nhờ ông bà chăm cháu mới yên tâm công tác. Niềm vui ngày tết của nữ kiểm soát viên không lưu ở đài chỉ huy chính là nhìn những chuyến bay hạ cánh an toàn, đưa mọi người về quê đoàn tụ bên gia đình.
Đài kiểm soát không lưu Nội Bài đang hoạt động khánh thành năm 2012, cao 95 m - hiện là đài kiểm soát không lưu cao nhất Việt Nam. Đài có hai khu làm việc cách biệt, đảm bảo an toàn - an ninh, phòng chống cháy nổ.
Sân bay Nội Bài có 2 đường cất hạ cánh, 80 vị trí đỗ tàu bay và là sân bay dùng chung hàng không dân dụng và quân sự.
Bình luận (0)