ĐẮM MÌNH TRONG KHÔNG GIAN LỄ HỘI
Ngọn lửa giữa sân được thổi bùng lên, hàng chục phụ nữ cùng các nam thanh niên trong trang phục truyền thống người Cơ Tu hò hát rồi lập thành một vòng tròn. Vừa đi họ vừa nhảy múa điệu tâng tung da dá (vũ điệu dâng trời). Sau chừng nửa tiếng, những người đàn ông Cơ Tu đóng khố tiếp quản "sân khấu" bằng màn biểu diễn cồng chiêng cực kỳ đặc sắc.
Trong nửa tiếng đồng hồ còn lại của chương trình, già làng A Lăng Dũng (62 tuổi, trú tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) mời mọi người quây quần bên đống lửa đã cháy gần tàn và bắt đầu kể những câu chuyện cổ của người Cơ Tu. Những phong tục độc đáo, chuyện tộc người bao đời thích nghi với đại ngàn, những món ẩm thực đậm chất rừng núi… hiện lên sinh động qua lời kể của già Dũng. Những du khách lần đầu đến với Cơ Tu show mắt cứ tròn xoe vì lần đầu được chứng kiến, được nghe kể những câu chuyện thú vị đến như vậy.
Cơ Tu show là chương trình văn nghệ truyền thống do những người làm dự án Toom Sara thiết kế và cho ra mắt người dân và du khách khoảng vài năm qua. Ban đầu, show diễn được thực hiện bởi những người Cơ Tu vùng cao. Nhưng sau đó, vì muốn tạo dấu ấn bản địa, chương trình đã được thiết kế lại bài bản hơn với sự tham gia của 50 người Cơ Tu đều trú tại thôn Phú Túc.
Ông Võ Quảng, Giám đốc truyền thông dự án Toom Sara, cho biết trong thời lượng khoảng 1 giờ 30 phút, biên đạo đã dẫn dắt du khách đi vào không gian lễ hội của người Cơ Tu bởi những vũ điệu, bởi tiếng cồng chiêng… Những người trình diễn là người dân thật sự làm chủ "sân khấu" bởi chính họ là người am hiểu ý nghĩa từng điệu múa, từng bài hát lý, nói lý hơn ai hết. "Chúng tôi thiết kế Cơ Tu show không ngoài mục đích bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào. Và chất liệu tốt nhất chính là những người con Cơ Tu ở Phú Túc. Họ sẽ thăng hoa khi được biểu diễn văn nghệ, trình diễn, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình…", ông Quảng nói.
LAN TỎA VĂN HÓA Cơ Tu
Để những nét đẹp văn hóa Cơ Tu được nhiều người biết đến, nhóm làm dự án đã lập nên ngôi làng có tên Toom Sara trong một khu du lịch tại xã Hòa Phú. Trong tiếng Cơ Tu, toom có nghĩa là suối, sara là tên một loài hoa. Ngôi làng đã mọc lên giữa không gian lý tưởng có cả suối và hoa với những ngôi nhà đúng chất truyền thống là mái gươl (nhà làng) chính giữa, là những nhà sàn bao bọc xung quanh. Không những vậy, với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu, 15 người dân bản địa đã được thuê đến làm việc và chăm sóc ngôi làng. "Hằng ngày, chúng tôi lên rừng phát cỏ, trồng cây xanh. Tối đến chúng tôi trở về luyện tập văn nghệ, số khác thì phục vụ khách có nhu cầu lưu trú tại làng. Nhiều năm qua, nhiều người dân đã có thu nhập ổn định lại vừa có cơ hội quảng bá nét văn hóa độc đáo của đồng bào mình. Vui không chi bằng!", già làng A Lăng Dũng chia sẻ.
Chị Zơrâm Thị Nguyệt (34 tuổi, đội trưởng đội múa) sau mỗi đêm hội thường không về vội mà tiếp tục nán lại để trả lời những câu hỏi của khách về văn hóa Cơ Tu. "Đội múa của tôi có 25 người, ai cũng phấn khởi vì ngoài công việc chính hằng ngày, tối thứ bảy hằng tuần lại có thêm thu nhập từ việc biểu diễn", chị Nguyệt nói.
Nhóm làm dự án cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo để thu hút du khách trẻ tuổi tìm đến với chương trình. Chẳng hạn, ngay gần ngôi làng có một sân khấu tương tự như Mây Lang Thang ở Đà Lạt. Ở đó, trước khi diễn ra Cơ Tu show, du khách sẽ nghe ca nhạc đương đại. Cách đây không lâu, Toom Sara tổ chức sự kiện Mùa Yêu tái hiện tục đi sim độc đáo của đồng bào Cơ Tu cũng đã mời các ca sĩ nổi tiếng như Hoàng Dũng, Văn Mai Hương tham gia. "Chúng tôi cũng áp dụng những mô hình, cách làm mới để phát huy văn hóa Cơ Tu. Ví dụ, gần như du khách không ai hiểu nói lý, hát lý bằng tiếng Cơ Tu nên trong chương trình, chúng tôi sẽ cử người vừa dịch nghĩa vừa giải thích nội dung để du khách hiểu, cảm thấu sâu sắc hơn…", ông Võ Quảng nói.
Ông Quảng cho biết thêm trong thời gian tới, Toom Sara sẽ lập kế hoạch để thu hút các trường tại địa phương đưa học sinh đến xem làng truyền thống để nghe giới thiệu về đời sống, văn hóa người Cơ Tu. "Chúng tôi cũng sẽ kết hợp mời các em học sinh người Cơ Tu đến biểu diễn văn nghệ và trả thù lao để các em có động lực lan tỏa nét đẹp người Cơ Tu", ông Quảng nói.
Du ca cùng Km 432
Ông Võ Quảng cho hay trong thời gian tới, Toom Sara sẽ tổ chức chương trình du ca có tên Km 432 về với các bản làng Cơ Tu vùng cao Quảng Nam. Đây là chương trình hướng nghiệp, tạo giá trị cho cộng đồng với sự đồng hành của những chuyên gia về spa, thẩm mỹ… "Đây là những ngành nghề có thể làm du lịch tại chỗ. Chúng tôi sẽ giới thiệu trước để các bạn trẻ Cơ Tu có niềm đam mê đăng ký. Ban ngày, đoàn sẽ gặp gỡ các bạn trẻ để truyền cảm hứng và trao các suất học miễn phí, giảm giá để các bạn có động lực đi học nghề. Ban đêm, du ca Km 432 sẽ là chương trình giao lưu văn nghệ kể về vùng đất và con người Cơ Tu…
Bình luận (0)