Những người lặn sông xuyên đêm, ôm xác chết là hàng xóm

Huy Đạt
Huy Đạt
18/08/2019 09:14 GMT+7

Ngâm mình dưới nước, ôm xác chết từ đáy sông lên bờ, dũng cảm lao vào đám cháy để cứu người, cứu tài sản cho người dân... Với sự hy sinh thầm lặng, những người lính cứu nạn cứu hộ xứng đáng là "người hùng" giữa đời thường.

Khi bóng đêm đã bao trùm khắp nơi, mọi người chìm vào giấc ngủ cũng là lúc những chiến sĩ công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự vẫn đang thầm lặng rong ruổi khắp mọi ngõ ngách để canh giấc ngủ cho người dân. Và lúc đó, cũng có những cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, với mong mỏi lớn là cứu sống được mạng người, bất chấp dòng nước lạnh cóng, sẵn sàng dầm mình dưới đáy sông xuyên đêm.

Lặn dưới đáy sông… mò tìm xác người

2 giờ sáng ngày cuối tháng 7.2019. Nhận được tin báo có người nhảy cầu Tiên Sơn qua sóng bộ đàm, như mọi hôm thượng úy Ông Ích Thành (Đội Chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH TP.Đà Nẵng, Công an TP.Đà Nẵng) cùng các đồng nghiệp lên đường lúc nửa đêm. Bóng tối bao phủ dòng sông, giữa ánh sáng heo hắt từ những ngọn đèn đường, dòng sông Hàn, vốn được biết đến là dòng sông thơ mộng và yên bình giữa lòng thành phố… nay lại trở nên xa lạ, huyền bí đến đáng sợ.
Thượng úy Thành kể, nghe tiếng khóc than xé lòng của người nhà nạn nhân giữa đêm tối tĩnh mịch, anh cùng các đồng đội có cảm giác phải hành động liền. Họ nổ máy ca nô chạy ra giữa dòng sông Hàn và người nhái nhảy khỏi ca nô, bắt đầu cuộc tìm kiếm người đàn ông nhảy cầu. Lúc này, đèn chuyên dụng trên cano hướng về hai bờ sông Hàn với hy vọng người đàn ông có thể đã bơi được vào bờ hoặc tệ hơn, xác người này đã dạt vào đâu đó. Họ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, liên tục trồi lên lặn xuống. Trong màn đêm đen kịt, người nhái với ánh đèn pin trên đầu đi dưới đáy sông vẫn không nhìn thấy gì…

Nỗ lực tìm kiếm thi thể người xấu số

Đến khu vực bờ sông ven đường Bạch Đằng (Q.Hải Châu), với đặc thù vỉa hè đường lấn ra mặt nước sông Hàn chừng 20m, lúc này thuỷ triều cao mực nước sông chỉ còn cách đáy dầm khoảng 50cm. Với kinh nghiệm tìm kiếm trên sông, các chiến sĩ tập trung tại bờ sông đường Bạch Đằng để đưa ra phương án và tiến hành lặn vào bên trong.

Đi dưới đáy sông, mới biết được dưới đó như một “kho phế liệu”. Khi dùng chân mò tìm, đá phải nhiều thứ lạ… vô cùng nguy hiểm

Thượng úy Trương Long Quý 

Những tiếng hỏi liên tục “có không?” như sự liên lạc cần thiết đối với đồng đội đang ở bên trong, hỏi để điểm danh. “Mặc dù đã quen với việc tiếp cận xác chết trên sông. Thế nhưng, lần này tôi đã khựng đứng người khi phát hiện xác chết người đàn ông. Mất vài giây lấy bình tỉnh, tôi ngước lên gọi “có rồi”. Xác nạn nhân đã nổi lên khỏi mặt nước và dính sát vào sàn bê tông, chúng tôi 3 người phải lặn đè xác nạn nhân xuống nước để di chuyển ra bên ngoài…”, thượng úy Thành nhớ lại.

Trồi lên, lặn xuống nhiều giờ liền để tìm kiếm nạn nhân

Việc cứu nạn, cứu hộ dưới nước muôn vàn những khó khăn, khi "đi" dưới đáy sông, các chiến sĩ như đang ở trong tình cảnh “người mù”. Thượng úy Trương Long Quý cho biết, đến nay anh đã có 7 năm gắn bó với Đội cứu nạn cứu hộ dưới nước, mặc dù được huấn luyện chuyên nghiệp nhưng cứ mỗi lần lặn xuống đáy sông anh Quý thừa nhận mình giống như “người mù”. “Lặn dưới sông, khác với lặn trên biển, khi xuống độ sâu chừng 2m thì nước sông đục, không thể nhìn thấy gì mặc dù có trang bị đầy đủ. Đi dưới đáy sông, mới biết được dưới đó như một “kho phế liệu”. Khi dùng chân mò tìm, đá phải nhiều thứ lạ… vô cùng nguy hiểm”, thượng uý Quý nói.

Vừa ăn cơm xong đi vớt xác chết bị phân huỷ

Đây là nhiệm vụ đặc thù và tương đối nguy hiểm, đòi hỏi các cán bộ chiến sĩ cứu nạn cứu hộ không chỉ được đào tạo bài bản mà còn phải có sức khỏe tốt, kinh nghiệm. Đặc biệt, đối với các chiến sĩ trẻ, khi lặn dưới nước làm nhiệm vụ, họ phải đối mặt với áp lực, với nỗi đau xót của người nhà và nhất là khi đối mặt với xác chết.
Hạ sĩ Phạm Ngọc Quý, chia sẻ về lần đầu tiếp cận... xác chết khi nhận nhiệm vụ công tác tại Đội cứu nạn cứu hộ trên sông. Đó là lúc các đồng đội vừa ăn xong buổi cơm tối tại đơn vị. Nhận được tin báo, có xác chết trôi nổi trên sông Hàn đoạn thuộc P.Hoà Cường Nam, Q.Hải Châu.
Ngay lập tức, các cán bộ chiến sĩ triển khai thực hiện nhiệm vụ. Quý cùng 2 đồng đội bơi ra giữa sông để vớt xác. Khi vừa tiếp cận, phát hiện xác chết bị phân huỷ nặng, các chiến sĩ hết sức nhẹ nhàng vì sợ xác chết bị rã ra.
“Vừa ăn cơm tối xong, đồng đội của tôi khi tiếp cận xác chết bị phân hủy mặc dù được trang bị đầy đủ nhưng đã nôn mửa vì không chịu nổi mùi hôi. Ra hiệu đồng đội bơi vào, tôi cùng 1 đồng động còn lại cố gắng bơi kéo, dìu xác chết vào bờ. Vì bị phân huỷ nên không thể cột dây kéo vào như bình thường. Dưới nước xác chết hôi thối một, thì lên bờ mùi hôi tăng gấp mười lần”, hạ sĩ Quý nói. 
 

Trong tiếng khóc than xé lòng của người nhà nạn nhân, các chiến sĩ ra sức vạch từng đám bèo, chỉ mong tìm được thi thể

Đứng trước nhiệm vụ được giao, các cán bộ chiến sĩ luôn vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh nhiệm vụ, họ còn phải đối mặt với những áp lực từ những tiếng khóc ai oán của người nhà nạn nhân. Họ quyết tâm làm điều gì đó chia sẻ nỗi đau mất mát ấy. 

Dưới nước xác chết hôi thối một, thì lên bờ mùi hôi tăng gấp mười lần

Hạ sĩ Phạm Ngọc Quý

Thượng uý Ông Ích Thành nhớ lại, mới đây khi tham gia tìm kiếm người đàn ông tên Phong, nhảy cầu tự tử trên sông Hàn. Khi đã tìm ra xác nạn nhân, anh Thành tá hoả phát hiện đó chính là người hàng xóm của mình. Nghẹn ngào cùng đồng đội đưa xác người hàng xóm lên bờ bàn giao cho Công an phường.
Như mọi lần, anh Thành cùng các đồng đội tắm bằng rượu trắng nhằm khử mùi hôi từ xác chết. Tang ca trực, vội lên xe, anh Thành chạy thẳng về nhà người hàng xóm, thắp nén hương tiễn biệt người hàng xóm… 
Đại úy Lê Tuấn Anh, Đội trưởng đội cứu nạn cứu hộ trên sông cho biết, cán bộ chiến sĩ đã thực hiện kịp thời ứng cứu nhiều trường hợp có ý định tự tử trên sông, cũng có trường hợp nghi ngáo đá và mất khả năng kiểm soát hành vi. Thế nhưng, lực lượng cũng đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau thương xảy ra trên sông Hàn. “Còn nhớ, vào năm 2017, nhận được tin báo có một người phụ nữ nhảy cầu tự tử. Chúng tôi lập tức có mặt tại hiện trường. Thế nhưng, đau lòng là người chồng chứng kiến vợ tự tử đã lao xuống sông cứu vợ. Để rồi, người vợ được bình an còn người chồng ra đi mãi mãi”, đại úy Tuấn Anh thở dài.
 

Sự hy sinh thầm lặng, sẻ chia nỗi đau với người nhà nạn nhân

 
Cũng theo đại úy Tuấn Anh cho biết, gần đây nhất là vụ án cha giết con vứt xác xuống sông Hàn gây rúng động dư luận ở Đà Nẵng hồi tháng 2.2019. Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm thi thể cháu bé xấu số, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã lặn tìm ròng rã hàng kéo dài hơn 1 tháng để củng cố hồ sơ.
Những con người bình thường bỗng chốc trở nên mạnh mẽ, phi thường khi đứng trước những khó khăn, thách thức. Trước nhiệm vụ được giao, với lòng nhiệt huyết cao, những con người bình thường ấy phút chốc biến thành “người hùng” trong công tác cứu nạn cứu hộ.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.