Những người lao mình vào thảm họa: 'Đại ca' vượt qua nỗi sợ bằng chữ 'Tâm'

02/03/2023 12:12 GMT+7

'Đại ca' 38 năm trong nghề với chữ 'Tâm' treo đầu giường đã vượt qua tất cả nỗi sợ của bản thân, áp lực cơm áo gạo tiền, ám ảnh những lần suýt chết… và chưa một lần hối tiếc khi khoác màu áo lính PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Với số năm kinh nghiệm có khi lớn hơn cả số tuổi của nhiều đồng nghiệp, anh em trong nghề gọi trung tá Đào Quốc Trung (55 tuổi) - Tổ trưởng tổ cứu nạn cứu hộ, Đội Công tác chữa cháy và CNCH là "đại ca". Dù có những lần la mắng, phạt nặng nhẹ, nhưng sau cùng, trung tá Trung vẫn là một người anh sẵn sàng vào sinh ra tử, sống chết cùng đồng đội.

Những người lao mình vào thảm họa: 'Đại ca' vượt qua nỗi sợ bằng chữ 'Tâm' - Ảnh 1.

Theo dự kiến, tháng 6.2023, trung tá Đào Quốc Trung về hưu sau 38 năm gắn bó với nghề PCCC và CNCH

PC07

"Vợ lính PCCC và CNCH là cực nhất"

PV: Xin chào anh, hành trình 38 năm gắn bó với công việc PCCC và CNCH của anh thế nào?

Ngày mới bắt đầu về công tác, tôi cũng ngỡ ngàng nhưng được những người đàn anh đi trước yêu thương dìu dắt nhiều. Tôi sẵn có "nôi" thể thao, thích ứng nhanh với công việc yêu cầu sức bền.

Ngày còn trẻ, tôi quen với người yêu cũng đổ vỡ nhiều. Khi mấy cô biết tôi làm PCCC và CNCH thì đều hỏi sao tôi không làm ngành gì khác mà lại là ngành này. Tôi cũng không biết trả lời sao, thực ra ngành này nó chọn mình chứ mình không chọn nó. Làm dần dần rồi mình đam mê vì làm việc trong môi trường nhân đạo, cứu người.

Giải cứu nạn nhân trên cao, dưới nước, trong đám cháy... nhiệm vụ nào trung tá Trung cũng dày dặn kinh nghiệm

Có cô người yêu nói với tôi: "Một là chọn em, hai là chọn nghề". Tôi nói cho tôi thời gian suy nghĩ. Khi đó chúng tôi có thời gian quen cũng đã lâu, công việc thì mới mẻ, chưa có dấu ấn, chưa ổn định nên tôi đứng trước lựa chọn không hề dễ dàng.

Mỗi lần cứu được 1 nạn nhân hay tìm được 1 thi thể, lòng tôi nhẹ nhàng, thanh thản. Vì vậy, tôi chọn nghề, chia tay người yêu. Đến mấy người sau, ai bắt tôi lựa chọn như vậy, tôi trả lời luôn là chọn nghề, không cần thời gian suy nghĩ nữa.

Trung tá Nguyễn Chí Thành

Anh Trung dành cả tuổi xuân cho đến lúc về hưu cho công tác này. Anh là một người thầy vì công việc này chủ yếu nghề dạy nghề, người đi trước truyền dạy người đi sau.

Anh chủ động chia sẻ công việc với cán bộ chiến sĩ, sống hòa đồng, giản dị, là sợi dây để anh em trong đơn vị đoàn kết vượt qua mọi thử thách. Anh giúp cho mọi người thấy được ý nghĩa của nghề CNCH cứu cái còn trong cái mất, giúp anh em tự tin hơn trong công việc sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn gian khổ nguy hiểm.

Đến khi gặp vợ, cô ấy biết công việc tôi làm, cả hai cùng giấu gia đình. Sau này, chúng tôi mới giải thích công việc hằng ngày của tôi là làm gì, giúp được những ai cho gia đình vợ biết, được sự ủng hộ, chúng tôi về chung một nhà.

PV: Được biết thu nhập của người làm nghề PCCC và CNCH khá khiêm tốn, cuộc sống của anh thế nào?

Đến giờ, tôi cũng đang bàn tay trắng, ở cùng với cha mẹ. Làm lính PCCC và CNCH, người tội nhất là người vợ của mình. Vợ vừa phải chăm con, lo chuyện gia đình, vừa lo cho công việc của chồng, xông pha vào đám cháy, lặn dưới dòng nước đen ngòm hay giải cứu người trên cao… có an toàn hay không. Trong khi tiền lương về đưa vợ không nhiều, những người hậu phương ở nhà phải tính toán làm sao chi tiêu cho đủ trong số tiền khiêm tốn ấy.

Trung tá Đào Quốc Trung được đồng nghiệp quý mến, gọi là "người anh cả" trong nghề

Chúng tôi thường sẽ chẳng bao giờ nói khó khăn trong công việc với vợ con vì sợ nhà thêm lo lắng. Gần 40 năm tôi làm việc, chưa có chế độ nào đặc thù cho môi trường làm việc nguy hiểm, độc hại.

Tôi còn may mắn là ở cùng với cha mẹ, chứ các em trẻ vừa vào nghề, lập gia đình phải đi ở nhà trọ, mở mắt ra là áp lực rồi.

Lính của tôi, có em lương 8 - 9 triệu, chạy xe ôm công nghệ, làm bốc vác ở chợ đầu mối Bình Điền hay phụ hồ trong ngày nghỉ trực để kiếm thêm vài ba trăm ngàn về lo cho vợ con, đủ ăn là mừng chứ nói gì đến cuộc sống giàu sang, tích lũy.

Biến "Tâm" thành sức mạnh

PV: Được những người lính trẻ gọi là "đại ca" của nghề, anh đã truyền lửa nghề ấy cho lớp đàn em sau thế nào?

Đầu giường tôi nào cũng có chữ "Tâm". Làm nghề này, chữ Tâm và Đức là quan trọng nhất. Mình cứ nghĩ người ta đã mất đi rồi, phải tìm bằng được họ đưa về với gia đình. Tâm sức mình dồn hết vào công việc, tự động mình vượt qua được sợ hãi của bản thân.

Anh Trung vừa là người anh, vừa là người thầy, vừa là sư phụ của tụi em. Ảnh rất nhiệt huyết, yêu nghề, có kinh nghiệm, bài học trong chiến đấu cũng truyền đạt cho tụi em. Khi làm nhiệm vụ, anh cũng luôn là người động viên, chỉ huy làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng luôn đảm bảo an toàn.

Thượng úy Nguyễn Nhật Phương

Xưa còn trẻ tôi liều mạng lắm, giờ có mấy đứa lính tính y mình ngày đó. Có việc là lao ào ào vào, lỡ may mà làm cái đùng thì không biết ngày mai ra sao. Giờ tôi đáng tuổi cha, chú, nhiều phụ huynh của lính nghĩa vụ có khi nhỏ tuổi hơn tôi nhưng tôi không cho tụi nó gọi chú, gọi anh thôi. Vậy mà tụi nó cứ gọi sếp, đại ca.

Ngoài chuyện nghề, tôi cũng chia sẻ với các em về cách sống, đi đứng nên mối quan hệ không đơn thuần chỉ là đồng nghiệp, tổ trưởng - chiến sĩ, mà như những người anh em.

PV: Gần 40 năm tham gia hàng ngàn vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, anh đã bao giờ bị ám ảnh tâm lý chưa?

Ai làm nghề này mà nói không bị tâm lý là không đúng. Khi làm nhiệm vụ mà suýt chết thì sẽ bị ám ảnh bởi ranh giới sự sống - cái chết quá gần.

Giữa những suy nghĩ đang ám ảnh ấy, tôi lại dồn hết tâm sức vào công việc, tiếp tục cứu người nhanh nhất. Từ các vụ làm thành công sau đó sẽ dần chữa lành tâm lý, vơi đi ám ảnh của những vụ suýt chết trước đó.

Những người lao mình vào thảm họa: 'Đại ca' vượt qua nỗi sợ bằng chữ 'Tâm' - Ảnh 6.

Trung tá Đào Quốc Trung cho rằng, vợ của cảnh sát PCCC và CNCH là người cực khổ nhất

Vũ Phượng

Không chỉ vậy, có những lần xe đến nơi mà lửa phừng phực rồi, nạn nhân bên trong đã chết hoặc nhảy xuống đất chết khi thoát nạn là mình lại ám ảnh. Có khi người dân địa phương chửi "Mấy ông đến làm trò hề như không", mà người ta không biết nguyên tắc chữa cháy là thế nào.

Hay như những vụ người nhảy sông tự tử, lực lượng lặn mò tìm mãi chưa thấy, người nhà nạn nhân trách móc. Chúng tôi chỉ bình tĩnh, im lặng, có gì cần thì trao đổi với địa phương. Bởi vì trong tâm lý mất mát ấy, ai cũng như vậy. Còn ở dưới dòng nước ở dưới chảy xiết, tối đen nên không xác định được vị trí nạn nhân nhảy, nhất là nhảy giữa sông thì tìm rất lâu, có khi thi thể đã bị trôi đi xa.

Sinh tử cùng đồng đội chia nhau ống thở

PV: Không ít lần đứng trước ranh giới mong manh của sinh - tử, vụ việc nào khiến anh không thể quên?

Đó là vụ cháy trung tâm thương mại ITC vào năm 2002. Quá nhiều người chết, quá sức tưởng tượng, "ngộp" luôn đó. Trước đó, tôi tham gia các vụ mà 5 người chết là thấy nhiều rồi, ở ITC tới 60 người. Các anh đồng nghiệp của tôi cũng nói chưa bao giờ gặp nhiều người chết đến vậy.

Những người lao mình vào thảm họa: 'Đại ca' vượt qua nỗi sợ bằng chữ 'Tâm' - Ảnh 7.

Trung tá Đào Quốc Trung nổi tiếng trong công tác huấn luyện chiến sĩ trẻ

Khi ấy tôi còn trẻ, cũng xông pha mang bình khí tài lao vào trong, vừa vào được một lát các anh ở ngoài lôi ra vì ở trong khói rất nhiều, cháy mức độ đó dễ sụp đổ tòa nhà, nguy hiểm tính mạng. Sau đó, tôi CNCH từ trên cao, đưa những người mắc kẹt ra ngoài.

Lần khác, tôi xuống giếng vớt thi thể đã phân hủy của một vụ án hình sự. Khi ấy kêu trại hòm xuống làm thì nhìn thi thể phân hủy họ bỏ chạy. Chúng tôi tự bưng từng phần thi thể từ giếng lên, ráp vào để khoa học hình sự làm. Ám ảnh đến mức có khi ăn tô phở bò mình nhìn miếng thịt bò mà nhớ lại hình ảnh ấy, khỏi ăn luôn.

Trung tá Đào Quốc Trung

Sau nhiều vụ, tôi cảm thấy với đặc thù công việc, nghề này lúc nào cũng được chính những người mình từng cứu nạn cứu hộ đi theo phù hộ. Tôi không sợ, vì làm việc tốt, cứu người theo tâm.

PV: Vậy lần thoát chết nào khiến anh sợ hãi nhất?

38 năm trong nghề, tôi thoát chết nhiều lần lắm.

Hồi 2017, tôi đang lặn dưới độ sâu 30 m ở Nhà Bè thì vỡ ống thở. Khi đó mà ngoi lên liền thì không được, chậm trễ cũng chết. Tôi đến phía người anh lặn chung bóp tay 4 lần ra hiệu. Anh đã chia ống thở của anh cho tôi, hai anh em dùng chung. Cứ 30 giây lại nín thở để đổi qua người kia, vừa chia vừa dần dần ngoi lên.

Lên tới bờ, tôi nằm sải lai vì mệt.

38 năm trong nghề, trung tá Trung cho rằng, anh được rất nhiều điều, còn lại chẳng mất gì

Lần khác chữa cháy trên đường Dương Tử Giang, đang xông vào đám cháy thì củi sập đè lối đi, 3 anh em bên trong hết đường xuống. Lửa và khói cứ táp vào mặt, cháy lan mỗi lúc một nhanh. Chúng tôi vận dụng kỹ năng cơ bản lấy áo nhúng nước đắp lên người, nằm sát sàn đi theo đường vòi mình đã triển khai lên.

Sau nhiều vụ, tôi cảm thấy với đặc thù công việc, nghề này lúc nào cũng được chính những người mình từng cứu nạn cứu hộ đi theo phù hộ. Tôi không sợ, vì làm việc tốt, cứu người theo tâm.

PV: 38 năm trong nghề, anh thấy mình được gì, mất gì?

Tôi thấy chỉ được, còn lại chẳng mất gì. Tôi được hãnh diện khi thấy mấy đứa em đi Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ quốc tế. Đây là lần đầu lực lượng CNCH của Việt Nam xuất ngoại.

Tôi tự hào vì TP.HCM có những lớp đào tạo, thế hệ kế thừa, khả năng xử lý công việc bài bản, có quy trình. Tôi mong công tác huấn luyện được lan tỏa hơn nữa để càng nhiều người biết công tác CNCH thì sẽ hạn chế tối đa được thiệt hại.

Tôi cũng không hề tiếc nuối, mà hạnh phúc vì được làm lính PCCC và CNCH, được làm nhiều việc thiện, nhân đạo, đem lại sự sống cho nhiều người, tìm được thi thể nạn nhân cho gia đình.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.